Bắt nhịp nông nghiệp thông minh

25/01/2020 | 06:02 GMT+7

Ứng dụng mô hình sản xuất thông minh vào canh tác đang tạo ra bước đột phá mới cho lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh Hậu Giang.

Mô hình cấy lúa kết hợp bón phân thông minh đã giúp nông dân giảm nhiều công lao động và bảo vệ môi trường.

Làm lúa bón phân một lần

Tiết trời phảng phất những cơn gió chướng. Ngoài đồng, những trà lúa Đông xuân 2019-2020 sắp bước vào giai đoạn trổ bông. Không ít bà con phải tất bật với công việc bón phân rước đòng để vụ lúa chính trong năm đạt thắng lợi.

Ông Phạm Minh Quang, ở ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Vào thời điểm này năm rồi, tôi phải bón phân rước đòng cho 2ha lúa của gia đình và phun thuốc ngừa một số dịch hại trên lúa chứ đâu có rảnh rang như bây giờ. Còn năm nay thì khác, tôi được nhàn rỗi hơn, đó là nhờ áp dụng mô hình “Máy cấy lúa kết hợp với bón vùi phân thông minh” như đã thực hiện thí điểm khá thành công trong vụ lúa Hè thu vừa rồi”.

Nhờ hệ thống tưới tự động có kết nối với điện thoại thông minh nên ông Nguyễn Văn Y tưới nước cho vườn bưởi của mình khi ở bất kỳ nơi đâu.

Tiếp lời ông Quang, ông Trần Văn Nhỏ, cũng có 2,1ha lúa đang áp dụng mô hình bón phân thông minh, thông tin rằng khi bà con cấy lúa sẽ kết hợp luôn việc bón vùi phân thông minh vào trong đất. Loại phân này có tính năng là tan chảy theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa nên chỉ cần bón một lần cho cả vụ lúa. Ngoài ra, trong quá trình canh tác thì thấy cây lúa không bị tình trạng thừa phân nên nông dân hạn chế xịt thuốc hóa học do ít dịch hại xuất hiện.

“Không chỉ giảm nhiều công lao động trong sản xuất mà cách canh tác mới này còn giúp nông dân tăng lợi nhuận hơn gần 6 triệu đồng/ha so với cách làm truyền thống, do đạt năng suất gần 7 tấn/ha. Làm lúa trúng mùa, lợi nhuận cao nên năm nay gia đình tôi có điều kiện chuẩn bị đón tết được ấm cúng hơn. Đặc biệt, cánh đàn ông như tôi có thời gian rảnh để phụ giúp vợ con lo cho nhà cửa sạch sẽ đón tết”, ông Nhỏ chia sẻ.

Vị Thủy là huyện được tỉnh chọn triển khai thí điểm đầu tiên về mô hình bón phân thông minh cho cây lúa, qua đây làm cơ sở đánh giá để các địa phương khác trong tỉnh thực hiện. Từ những tín hiệu tích cực mang lại, huyện Vị Thủy đã nhân rộng từ 12ha ban đầu lên hơn 100ha trong vụ lúa Đông xuân đang canh tác, với hai hình thức là cấy máy và sạ hàng kết hợp bón vùi phân thông minh. 

Ông Nguyễn Văn Chại, Phó Giám đốc HTX Thuận Tiến (một trong 5 HTX đang nhân rộng mô hình của huyện Vị Thủy), ở ấp 3, xã Vĩnh Thuận Tây, cho hay: “Thấy đây là cách làm mang lại hiệu quả trong việc giảm công lao động, chi phí đầu tư, nhất là bảo vệ môi trường và tăng lợi nhuận nên vụ lúa Đông xuân này nhiều xã viên của HTX đã làm theo với hình thức cấy máy kết hợp bón vùi phân thông minh. Điều phấn khởi là khi tham gia mô hình, bà con được hỗ trợ 50% chi phí tiền phân bón, máy cấy, lúa giống và thuốc bảo vệ thực vật; đồng thời có công ty đến liên kết bao tiêu đầu ra sản phẩm nên an tâm canh tác”.

Ngoài thực hiện mô hình bón phân thông minh, tiến sĩ Nguyễn Duy Cần, Trưởng khoa Phát triển nông thôn Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng: Trong sản xuất lúa gạo, Hậu Giang có thể áp dụng thêm các công nghệ ứng dụng viễn thám để quản lý sản xuất và sâu bệnh; đồng thời ứng dụng mô hình tưới nước ngập khô xen kẽ tại những vùng nhiễm mặn. Nếu thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trên sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và giảm công lao động, tăng lợi nhuận và thích ứng tốt với biến đổi khí hậu. 

Ứng dụng công nghệ mới

Không chỉ có nông dân làm ruộng đang đẩy mạnh thực hiện mô hình sản xuất thông minh, mà nhiều nhà vườn còn đưa công nghiệp mới vào sản xuất rất hiệu quả. Điển hình là mô hình “Tưới nước vườn cây ăn trái bằng điện thoại di động” của ông Nguyễn Văn Y, ở ấp 3A, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh.

Trình diễn gieo sạ lúa giống bằng thiết bị bay không người lái.

Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn bưởi da xanh rộng 4 công đã hơn 2 năm tuổi được đầu tư hệ thống tưới tự động, ông Y lấy chiếc điện thoại di động của mình rồi nói, gần một năm nay, việc tưới nước cho vườn bưởi đều thông qua chiếc điện thoại này. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên nên ông Y trình bày tiếp: “Khi lắp đặt hệ thống tưới nước tự động xong, tôi gắn thêm thiết bị điều khiển từ xa và cài đặt chương trình kết nối qua điện thoại thông minh của mình. Giờ có đi đâu mà muốn tưới nước cho vườn bưởi thì tôi chỉ cần mở điện thoại lên và kích hoạt chương trình là xong, không cần phải về tới vườn bật cầu dao điện. Với cách làm trên, tết năm nay tôi nhẹ lo việc tưới nước cho cây bưởi khi đi chúc tết bà con ở xa nhà”.

Do bón phân một lần cho cả vụ lúa nên nông dân chỉ việc đi thăm đồng và hạn chế phun thuốc bảo vệ thực vật khi lúa đang trong giai đoạn chuẩn bị trổ bông.

Giống như ông Y, hơn 3 năm qua, nhờ hệ thống tưới nước tự động cho 1ha vườn sầu riêng hơn 7 năm tuổi của mình mà hàng năm ông Nguyễn Thanh Tùng, ở xã Tân Thành, thị xã Ngã Bảy, đã giảm được nhiều chi phí. Ông Tùng cho biết: “Khi tưới bằng hệ thống tự động chỉ mất 30 phút và tốn khoảng 20.000 đồng tiền điện/lần tưới, trong khi tưới bằng tay phải mất hơn nửa buổi và tốn chi phí gấp đôi. Như vậy, tính ra mỗi năm tôi tiết kiệm tiền cho khâu tưới nước trên dưới 40 triệu đồng. Tới đây, tôi sẽ nghiên cứu ứng dụng thêm hệ thống phun thuốc, bón phân tự động cho vườn cây ăn trái của mình để việc làm vườn đỡ vất vả”.    

Nếu như người dân đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất thì ngành chức năng tỉnh cũng tính đến phương án này để hỗ trợ cho công việc của mình được hiệu quả hơn. Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, thông tin: Trong năm 2019, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã tạo Group trên Zalo với các thành viên. Từ Group Zalo này, khi có thông báo gì hoặc có tình huống thiên tai xảy ra thì đăng lên để các thành viên nhanh chóng được tiếp cận và Ban Chỉ huy tỉnh sẽ chỉ đạo giải quyết các vấn đề kịp thời hơn. Mặt khác, tỉnh cũng đã đầu tư 3 thiết bị đo mặn tự động ở 3 điểm chính trên địa bàn thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ. Với thiết bị này, đã giúp cho địa phương cập nhật được nhanh và thường xuyên về nồng độ mặn ở các thời điểm, từ đó luôn có giải pháp ứng phó kịp thời, chưa rơi vào tình trạng bị động hay bất ngờ với nước mặn khi xâm nhập vào địa bàn. 

Lãnh đạo huyện Vị Thủy tổ chức hội thảo đánh giá và vận động người dân nhân rộng mô hình sản xuất lúa thông minh.

Một mùa xuân mới sắp về đã mang đến những tín hiệu vui của bà con nông dân với một năm sản xuất khá thành công, cũng như truyền tải nhiều hy vọng trong việc nhân rộng mô hình làm nông thông minh, ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, nhằm thay đổi tập quán cũ để mở ra tương lai về một nền sản xuất nông nghiệp hiện đại cho tỉnh và sớm trở thành tỉnh khá của vùng ĐBSCL.

HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>