Xuân về trường học

18/01/2023 | 08:44 GMT+7

Mang đến nhiều sân chơi, hoạt động bổ ích, hấp dẫn, đậm hương vị xuân, các trường học trong địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn, ý nghĩa để học sinh vừa học tập, vừa đón một mùa xuân mới đúng nghĩa.

Học sinh Trường Tiểu học Long Bình hào hứng với các hoạt động trang trí cành mai vàng ngày tết.

Trải nghiệm Tết cổ truyền tại trường

Tay cầm cành mai vàng tự gắn, Trần Thùy Linh, học sinh lớp 5B, Trường Tiểu học Long Bình, thị xã Long Mỹ, hào hứng: “Em và các bạn vừa mới hoàn thành phần thi trang trí cành mai vàng đón tết. Đây là lần đầu tiên em được cùng các bạn trải nghiệm hoạt động Tết cổ truyền tại trường, rất vui”.

Tại Trường Tiểu học Long Bình không khí mừng tết đến, xuân về của thầy trò vô cùng hấp dẫn. Từng bông hoa mai vàng tươi bằng giấy màu vừa được cắt, gắn kết lên cành qua bàn tay khéo léo của học trò sinh động, có em cắt gọt chai nhựa lớn thành chậu bông xinh xắn, có em mang giấy màu, bút lông, màu nước ra tô vẽ cho chậu hoa tự chế thêm bắt mắt, một vài nhóm học sinh còn chưng mâm ngũ quả, bánh mứt để bày trí. Một không gian chuẩn bị cho tết xưa như dần tái hiện trong mắt mọi người giữa không gian lớp học vui, thú vị đầy ý nghĩa. Cô Nguyễn Thị Hồng Tươi, giáo viên Tổng phụ trách Đội của trường, chia sẻ: “Tôi nhớ hồi còn nhỏ, mỗi khi tết đến, xuân về, tôi hay được mẹ chỉ cách cắm hoa, bày trí mâm ngũ quả trong nhà với mong ước năm mới “cầu vừa đủ xài cho sung túc”. Giờ thấy tụi nhỏ ít biết về phong tục trưng bày này, tôi đề xuất với ban giám hiệu tổ chức các hoạt động vui xuân, với mong muốn tăng cường kỹ năng sống cho các em, muốn mỗi học sinh thêm yêu, trân quý ngày Tết cổ truyền của dân tộc”.

Lễ hội mừng xuân là hoạt động thường niên của nhà trường với mục tiêu cân đối giữa học tập văn hóa với trải nghiệm giáo dục. Với chủ đề “Tết xưa trong không gian hiện đại”, 300 học sinh của Trường Tiểu học Long Bình đã có một ngày trải nghiệm đáng nhớ. Ông Bùi Thanh Dũng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Ngoài tổ chức thi trang trí cành mai ngày tết, trường còn kết hợp lồng ghép thêm các trò chơi dân gian như đổ nước vào chai, kéo co, bịt mắt bắt dê, đập niêu, nhảy bao bố, tổ chức tiệc buffet với các món ăn đặc trưng ngày tết… Chúng tôi rất mừng khi huy động được từ học sinh, giáo viên đến cả phụ huynh tham gia”.

Trong suốt 2 năm tập trung phòng chống dịch Covid-19, hầu hết các trường học trong tỉnh đều phải linh động thay đổi hình thức học tập, trực tiếp, trực tuyến, qua truyền hình và tạm dừng nhiều hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa vốn được đánh giá góp phần trong giáo dục toàn diện học sinh. Năm nay, với sự chuẩn bị chu đáo, đa dạng, phong phú trong hình thức, các hoạt động mừng xuân mới đã tạo được nhiều nét riêng, chất lượng.

Phấn khởi khi đã chuẩn bị sẵn sàng cho hội trại xuân tại trường, Trần Huỳnh Ngọc Nữ, học sinh lớp 12TN2, Trường THPT Tây Đô, huyện Long Mỹ, bộc bạch: “Em và các bạn trong lớp sẽ trình diễn văn nghệ với tiết mục múa của dân tộc Mường mừng xuân mới. Đây là năm cuối, em được tham gia hội trại xuân cùng các thầy cô và các bạn tại trường”.

Bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước, tự hào dân tộc

Em Lê Hoàng Khang, học sinh lớp 9A1, Trường THCS Đông Phước A, huyện Châu Thành, chia sẻ: “Thông qua các hoạt động vui xuân do trường tổ chức, như: chăm sóc bồn hoa vườn trường mừng xuân về, trang trí lớp học, thi văn nghệ, thi thuyết trình nét đẹp ngày tết. Hoạt động giúp bạn bè chúng em gần gũi với thầy cô, đoàn kết hơn, hiểu và thêm yêu nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc hơn”.

Thời gian dành cho học tập văn hóa nhiều, học sinh ít có thời gian tìm hiểu về phong tục ngày tết, đa phần các em chỉ biết về tết xưa qua màn ảnh nhỏ, mạng xã hội. Bởi vậy, lễ hội mừng xuân mang tính thực tế, trải nghiệm khung cảnh tết xưa, có mai vàng, cành đào, câu đối đỏ, hình ảnh chợ tết vui tươi, ông Đồ viết chữ, hàng hóa, bánh trái xưa... cần được tái hiện phù hợp, tùy theo điều kiện thực tế từng trường.

Ông Nguyễn Hoàng Liêm, Hiệu trưởng Trường THPT Tây Đô, huyện Long Mỹ, cho biết: “Lễ hội mừng xuân tổ chức bài bản sẽ giúp học sinh biết được ngày xưa ông bà, cha mẹ có cuộc sống như thế, từ đó các em thêm yêu quê hương, đất nước, yêu truyền thống dân tộc hơn. Đây cũng là hành trang tri thức, giáo dục đạo đức học sinh toàn diện, thực tế nhất”.

Xuân này, ngoài tổ chức hội trại để học sinh vui chơi, trải nghiệm nét văn hóa độc đáo truyền thống của dân tộc, Trường THPT Tây Đô còn tổ chức đêm diễn văn nghệ gây quỹ hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, để mỗi học sinh đều vui xuân, đón tết ấm áp.

Tất bật trang trí không gian tết, chuẩn bị cho hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian, các thầy cô giáo tại các trường học trong tỉnh đã và đang tạo không khí vui tươi, ấm áp đầu xuân trong nhà trường. Đây sẽ là dịp để học sinh được thoải mái vui chơi sau một học kỳ học tập năng nổ, hết mình; cũng là dịp để các trường lồng ghép các hoạt động trải nghiệm “vừa học, vừa chơi”, bồi dưỡng những hiểu biết về giá trị truyền thống dân tộc, thêm yêu quê hương đất nước.

Tạo động lực thi đua học tốt trong năm mới

 

Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, chia sẻ: “Học sinh toàn tỉnh đã hoàn tất kỳ kiểm tra chất lượng học kỳ I, năm học 2022-2023, chất lượng của kỳ kiểm tra đang được đánh giá một cách toàn diện. Thời gian này, việc tổ chức các hoạt động vui chơi, nhất là lễ hội dân gian mừng xuân mới bổ ích, thiết thực, ý nghĩa rất quan trọng, để học sinh tái tạo lại năng lượng, tạo động lực thi đua học tốt trong năm mới. Yêu cầu các hoạt động mừng xuân phải trên tinh thần tiết kiệm, ý nghĩa, gắn chặt với tâm thế chủ động, không chủ quan, lơ là công tác phòng chống dịch Covid-19, để học sinh vui xuân đón tết ý nghĩa, an toàn”.

 

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>