Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang: Niềm tin và khát vọng vươn tầm chất lượng

21/01/2023 | 04:53 GMT+7

Từ những kết quả nổi bật đã đạt, mùa xuân mới này, Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang mang niềm tin, khát vọng vươn tầm chất lượng, hướng tới mục tiêu lớn: Đạt chuẩn mức độ 1 trong thời gian sớm nhất.

PGS.TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, thăm và làm việc với trường về Đề án “Phát triển Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”.

“Lý luận phải được minh chứng từ thực tiễn”

Tạo dấu ấn rõ nét nhất là năm 2022, trường gắn kết hoạt động nghiên cứu thực tế của giảng viên và học viên thông qua mô hình “Lý luận gắn thực tiễn - Sinh kế bền vững”. Mô hình đem đến hiệu quả tích cực, vừa hướng dẫn học viên phương thức vận dụng lý luận vào thực tiễn đúng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lý luận phải liên hệ với thực tế”, “Lý luận phải kết hợp với thực hành” và “Lý luận phải đi đôi với thực tiễn”…

Nổi bật là trường cùng vận động, phối hợp với các công ty, doanh nghiệp, mạnh thường quân cất 10 căn nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương cho người dân, hỗ trợ 16 mô hình tạo sinh kế giúp hộ dân vừa thoát nghèo, chống tái nghèo bền vững với tổng kinh phí hơn 700 triệu đồng. Hoạt động góp phần tích cực cùng địa phương thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Loan, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh, cho biết: “Đây không chỉ là hoạt động để gắn lý luận liền với thực tiễn, mà còn trau dồi thêm đạo đức cách mạng, kỹ năng sống để mỗi giảng viên học tập, học viên vận dụng kiến thức chuyên môn, sau thời gian bồi dưỡng tại trường, trở về thực hiện sát và tốt hơn nhiệm vụ đang đảm trách”.

Hay việc duy trì mô hình “Hoa thơm lấn cỏ dại” đã tạo động lực thi đua, nêu gương trong giảng viên và học viên bằng việc nêu gương sáng trong các cuộc sinh hoạt tư tưởng dưới cờ, sinh hoạt chuyên đề tại chi bộ, trên lớp học, củng cố niềm tin, tăng nguồn lực tuyên truyền, đưa các Nghị quyết vào cuộc sống, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Ông Phạm Phi Hùng, nguyên Hiệu trưởng của trường, bày tỏ: “Tôi hay nói trường mình tuy là… “út”, được thành lập sau nhưng trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo giảng viên, mở lớp bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh nhà thì không hề út. So với các trường chính trị ở các tỉnh, thành bạn trong khu vực trường đã có thứ hạng, đây là điều tôi rất tâm đắc”.

Tăng cường thực hiện các đề tài khoa học, lý luận luôn đi đôi với thực tiễn, đổi mới trong kiểm tra, đánh giá, thi giảng viên dạy giỏi cấp trường, cấp quốc gia… 18 năm qua, các giảng viên trường luôn tâm huyết, đầy khát vọng cống hiến, tạo sự đột phá về chất lượng. Trường bảo vệ thành công Đề tài khoa học cấp tỉnh “Xây dựng mô hình chính quyền thân thiện cấp xã ở thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang”; nghiệm thu 4 đề tài khoa học cấp trường, biên soạn học phần “Thực tiễn và kinh nghiệm xây dựng, phát triển tỉnh Hậu Giang”. Trường còn thực hiện nhiệm vụ do Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao: phân công soạn thảo Đề án “Phát triển nguồn nhân lực viên chức và người lao động tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030” và Đề án “Phát triển Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”. Tham gia tích cực các hoạt động của Ban Chỉ đạo 35 tỉnh.

Trường Chính trị tỉnh tổ chức tọa đàm với chủ đề “Niềm tin và khát vọng” xây dựng trường chính trị chuẩn.

Hướng tới mục tiêu lớn

Hơn 18 năm hình thành, phát triển và tạo nhiều dấu ấn, với chất lượng nâng tầm như hiện nay, ít ai biết được những ngày đầu mới được thành lập (năm 2004), Trường Chính trị tỉnh thiếu thốn đủ bề, nhân sự chỉ có 11 viên chức. Cơ sở vật chất phải mượn của Trung tâm Bồi dưỡng chính trị thành phố Vị Thanh; trang thiết bị phục vụ giảng dạy, nghiên cứu không đủ, năm đầu tiên chỉ có 4 lớp trung cấp lý luận chính trị với 323 học viên.

Nhưng nay đã khác, trong tổ chức đào tạo, liên kết đào tạo và bồi dưỡng, qua 18 năm trường mở được 458 lớp, với gần 40.760 lượt học viên, trung bình mỗi năm trường đào tạo, bồi dưỡng 27 lớp học với gần 2.400 học viên. Quy mô đào tạo và liên kết đào tạo giai đoạn 2015-2020 tăng lên 50 lớp với gần 8.420 học viên. Đối với hoạt động đào tạo và liên kết đào tạo, trường tổ chức được 164 lớp với số lượng 12.730 học viên. Tỷ lệ học viên khá giỏi từ 47% những năm đầu thành lập 2004-2006, nâng lên 82,2% giai đoạn 2020-2022; thực hiện 109 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp. Tổ chức và phối hợp tổ chức 80 hội thảo, tọa đàm gắn với các Nghị quyết của Đảng, các chương trình, kế hoạch của Nhà nước… Tính từ đầu năm 2022 đến nay, trường đào tạo, bồi dưỡng và phối hợp đào tạo, bồi dưỡng mở 49 lớp, với gần 3.400 học viên. Trường có 46 viên chức (gồm: 1 tiến sĩ, 23 thạc sĩ, 10 đang học cao học, còn lại là đại học), có 2 giảng viên đạt danh hiệu xuất sắc, 11 giảng viên được công nhận giảng viên giỏi cấp toàn quốc…

Đặt niềm tin với nền tảng vững chắc đã có, năm 2023 nhà trường tập trung dồn sức, hướng tới mục tiêu lớn chạm đích trường đạt chuẩn mức độ 1 vào năm 2025. Quy định số 11 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về trường chính trị chuẩn: Trường chính trị các tỉnh, thành phố sẽ được đánh giá theo 2 mức độ chuẩn: chuẩn mức độ 1 và chuẩn mức độ 2, với 6 nhóm tiêu chí và 40 tiêu chí cụ thể. Qua rà soát, trường đã đạt 26/40 tiêu chí trường đạt chuẩn mức độ 1.

Mục tiêu hướng đến là năm 2025, trường đạt chuẩn mức độ 1, năm 2030 đạt chuẩn mức độ 2.

Với phương châm: “Đoàn kết - Chân tình - Hiệu quả” để cùng trưởng thành và đủ niềm tin cho khát vọng “Xây dựng Trường Chính trị tỉnh đạt chuẩn mức độ 1 vào năm 2025” như Đề án 02 của Tỉnh ủy về “Phát triển Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” đã kỳ vọng. Đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên trường quyết tâm góp trí, lực vào sự nghiệp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo tinh thần Nghị quyết 05, góp sức cùng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hậu Giang quyết tâm đưa tỉnh nhà trở thành tỉnh khá trong khu vực và cả nước.

Cùng góp sức đưa Hậu Giang trở thành tỉnh khá trong khu vực và cả nước

  

Ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Thời gian qua, trường đã góp phần tích cực vào công cuộc phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cho tỉnh. Với quyết tâm và khát vọng đạt chuẩn mức độ 1 vào năm 2025, đề nghị trường thực hiện tốt các nội dung: “Phải trung thành, đoàn kết, gương mẫu; chân thành, yêu nghề, tâm huyết; phải đổi mới, quyết tâm và khát vọng; lý luận gắn liền với thực tiễn, kinh nghiệm; khoa học, chuyên nghiệp và tinh thông”. Nỗ lực, tâm huyết, trách nhiệm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cùng toàn Đảng bộ đưa Hậu Giang trở thành tỉnh khá trong khu vực và cả nước.

 

Quyết tâm đạt chuẩn mức độ 1 vào năm 2025

Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Loan, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh, cho biết: “Sau nhiều nỗ lực vươn tầm chất lượng, năm 2022 trường xếp hạng nhì Cụm thi đua số 9 các trường chính trị khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tranh thủ ngoại lực, phát huy nội lực, trường lấy niềm tin và khát vọng vươn chuẩn làm động lực, tạo đà xây dựng bước đột phá, giúp trường phát triển toàn diện. Phấn đấu đến năm 2024, ít nhất 90% giảng viên có trình độ chuyên môn từ thạc sĩ trở lên. Riêng về xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ dạy học sẽ tranh thủ tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh đầu tư theo lộ trình, quyết tâm đạt chuẩn mức độ 1 vào năm 2025”.  

 

CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>