Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang: Hướng đến đạt chuẩn mức độ 1

01/12/2021 | 10:19 GMT+7

Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang đang quyết tâm thực hiện đạt mục tiêu xây dựng trường chính trị đạt chuẩn mức độ 1 trong thời gian sớm nhất. Đây là quy định mới dành cho trường chính trị các tỉnh, thành.

Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang khai thác hiệu quả công nghệ thông tin trong hội, họp và dạy trực tuyến.

Nỗ lực tạo bước đột phá

Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Loan, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Chúng tôi đang dồn sức để xây dựng hoàn thành mục tiêu trường chính trị đạt chuẩn mức độ 1. Hoàn thành chất lượng mục tiêu này sẽ tạo bước đột phá lớn trong việc chuẩn hóa, nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn và các hoạt động khác của trường chính trị”.

Theo Quy định số 11 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về trường chính trị chuẩn: Trường chính trị các tỉnh, thành phố sẽ được đánh giá theo 2 mức độ chuẩn: chuẩn mức độ 1 và chuẩn mức độ 2, với 6 tiêu chí, 40 nội dung đánh giá cụ thể tương ứng theo quy định của Ban Bí thư. Triển khai thực hiện Quy định số 11 này, Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang đã rà soát lại các tiêu chí. Qua rà soát, trường có 24/40 nội dung trường đạt chuẩn mức độ 1. Hiện đang tiếp tục duy trì, củng cố nâng chất, có 16/40 nội dung chưa đạt. Trong đó, có 14 nội dung thuộc trách nhiệm của tỉnh như: cơ sở vật chất, cử giảng viên đi đào tạo tiến sĩ... Cụ thể: để đạt chuẩn trường vẫn còn thiếu một số hạng mục cần thiết phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng như: hội trường lớn (500 chỗ), nhà đa năng, ký túc xá (300 giường), nhà ăn (300 chỗ), 3 phòng học thông minh với đầy đủ tính năng hiện đại phục vụ giảng dạy và học tập…

Khó nhất trong xây dựng trường chính trị chuẩn mức độ 1 của trường là ở 3 nội dung: 100% ban giám hiệu và ít nhất 80% giảng viên có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; Thực hiện được đầy đủ các nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng được giao và hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. Ngoài ra, nội dung về xây dựng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng đúng quy định, xây dựng trang thông tin điện tử trường chính trị, xây dựng phòng họp trực tuyến... cũng là một trong những trở ngại lớn cần sự quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

 “Thực tế thì ở các nội dung này nhà trường đã và đang thực hiện nhưng khó lòng đảm bảo theo Quy định 11”, thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Loan, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh, chia sẻ.

Gỡ khó nội dung chưa đạt

Quy định có ít nhất 80% giảng viên có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong khi thực tế giảng viên của Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang hiện chỉ đạt 30,3%, nhiều trường các tỉnh, thành khác cũng không đạt chỉ tiêu này. Trường đã đề nghị Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh rà soát mở lớp theo cụm với các tỉnh gần nhau để lực lượng giảng viên sớm có chứng chỉ bồi dưỡng này.

Còn ở nội dung thực hiện được đầy đủ các nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng được giao, hiện trường chưa thực hiện đảm bảo, do hiện nay trường chủ yếu đào tạo trình độ trung cấp lý luận chính trị - hành chính, bồi dưỡng chủ yếu cập nhật kiến thức cho cấp ủy, kiến thức quốc phòng an ninh cho chức sắc, tôn giáo; bồi dưỡng chuyên viên, chuyên viên chính rất hạn chế, còn các loại hình đào tạo, bồi dưỡng khác còn đang nhập nhằng giữa Trường Chính trị tỉnh, Sở Nội vụ và một số trường từ các bộ, ngành Trung ương chiêu sinh tại địa phương. Để tháo gỡ khó khăn, trường đã đề xuất Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh có văn bản phối hợp với Bộ Nội vụ về việc phân quyền cụ thể tại địa phương cho Trường Chính trị tỉnh, Sở Nội vụ về quyền, phạm vi quản lý nhà nước và quyền được mở lớp, giảng dạy để địa phương có căn cứ thực hiện.

Riêng “Hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn”, với một số chỉ tiêu, nội dụng cụ thể như mỗi năm thực hiện ít nhất 3 đề tài khoa học cấp trường, 5 năm thực hiện ít nhất 3 đề tài khoa học cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên; trong 5 năm xuất bản 5 cuốn sách chuyên khảo, tham khảo hoặc kỷ yếu hội thảo khoa học; xuất bản tạp chí hoặc bản tin “Thông tin lý luận và thực tiễn” ít nhất 3 kỳ/năm… Với các chỉ tiêu cụ thể này, điểm trở ngại của trường chính là kinh phí thực hiện không đảm bảo. Thạc sĩ Lê Văn Tuyên, Phó trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật của trường, cho biết: “Hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn thời gian qua đã được nhà trường thực hiện rất linh động, chất lượng. Hoạt động đã góp phần đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao năng lực cho mỗi giảng viên, tăng cường thực hành, thực tiễn, giúp mỗi giờ học chính trị thêm hấp dẫn”. Do đó, trường đã có kiến nghị nên có thêm kinh phí đặc thù cho trường nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ địa phương.

Tranh thủ ngoại lực, phát huy nội lực, Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang đang nỗ lực tạo bước đột phá toàn diện, đồng bộ về chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; công tác xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ dạy và học. Với giải pháp trọng tâm là thực hiện chất lượng Đề án “Tổng thể phát triển Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”.

Tiến sĩ Huỳnh Thanh Hiếu, Trưởng khoa Lý luận cơ sở của trường, chia sẻ: “Mỗi cán bộ, giảng viên chúng tôi đều nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong công tác xây dựng trường chính trị đạt chuẩn. chúng tôi đang cùng nhau chủ động đổi mới nhận thức, tư duy, nỗ lực rèn luyện kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, thay đổi phương pháp, tâm thế giảng dạy, tăng cường nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn cho phù hợp yêu cầu mới”.

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng với phương châm “lấy người học làm trung tâm”, “lý luận gắn liền với thực tiễn”, Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang đang quyết tâm sớm xây dựng thành công trường chính trị đạt chuẩn mức độ 1. Đây không chỉ là chuẩn quy định phải làm mà còn là cách trường khẳng định thương hiệu đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang có tổng số 49 cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, có 1 tiến sĩ, 24 thạc sĩ, 18 đại học. Trình độ lý luận chính trị: 36 cao cấp lý luận chính trị. Giai đoạn 2004-2020, trường tổ chức đào tạo, liên kết đào tạo và bồi dưỡng được 458 lớp, với 40.759 học viên. Quy mô đào tạo và liên kết đào tạo tăng qua từng nhiệm kỳ: giai đoạn 2004-2010 trường đã đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính 27 lớp, với 1.966 học viên; đến 2015-2020 tăng lên 50 lớp với 8.417 học viên. Cao cấp lý luận chính trị tăng từ 5 lớp, với 502 học viên (2004-2010) lên 8 lớp với 643 học viên (2015-2020).

Tham gia và chủ trì 4 đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, tỉnh, 48 đề tài cấp trường, 36 đề tài cấp khoa…

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>