Trăn trở với hơn 1.000 giáo viên chưa đạt chuẩn

31/05/2022 | 09:10 GMT+7

Thực trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, được xem là rào cản tại các trường học trong lộ trình nâng chuẩn.

Bài 2: “Điệp khúc” thiếu giáo viên sẽ thách thức hành trình nâng chuẩn

Mỗi giáo viên cần ít nhất 1 năm rưỡi đến 3 năm để hoàn thành khóa đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng hoặc từ cao đẳng lên đại học. Nâng chuẩn giáo viên sẽ cần nhiều thời gian, công sức, kinh phí đào tạo, áp lực học tập là không tránh khỏi. Trong khi hiện nay, việc thiếu giáo viên sẽ ảnh hưởng đến việc bố trí, tạo điều kiện giáo viên đi học nâng chuẩn.

Thu nhập thấp, thời gian chăm sóc gia đình không nhiều… là những trở ngại để giáo viên mầm non hợp đồng gắn bó với nghề.

Khan hiếm nguồn giáo viên

Luôn gặp khó khi tìm nguồn giáo viên để hợp đồng hàng năm, bà Võ Việt Oanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Long 1, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Mình có giáo viên sẵn thì chỉ cần rà soát lại, xem giáo viên nào chưa đạt chuẩn thì động viên, bố trí đi học lên. Khó là trường chưa đảm bảo đủ giáo viên, không có đủ người sẽ rất khó lên kế hoạch nâng chuẩn sát với thực tế”. 5 năm nay trường đều thiếu giáo viên. Đầu năm học 2021-2022, trường tiếp tục tìm nguồn hợp đồng 13 giáo viên chủ nhiệm và nhân viên trường thiếu để đảm bảo nhiệm vụ giảng dạy. “Điệp khúc” thiếu giáo viên làm trường bị động trong sắp xếp lớp học hàng năm, khi trường có hơn 1.000 học sinh các khối lớp.

Thiếu giáo viên kéo dài hàng năm sẽ ảnh hưởng nhiều đến lộ trình nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên các trường, ông Trần Mê Ly, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Lộ trình nâng trình độ chuẩn giáo viên kéo dài đến năm 2030, tôi đã rất mừng vì sẽ nâng chất lượng giáo dục từng trường rõ nét, yêu cầu từng trường tính toán số lượng cử ai đi học trước, ai đi học sau phù hợp. Tránh bố trí cùng một lúc nhiều giáo viên, tránh bỏ lớp, bỏ trường, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, quan trọng là động viên, tạo động lực cho giáo viên học tập nâng trình độ chuyên môn phục vụ tốt nhu cầu giảng dạy”.

Tinh thần chung là vậy, nhưng thiếu giáo viên, không có nguồn tuyển, huyện có địa bàn rộng, lực lượng giáo viên đông so với các nơi khác, giáo viên hợp đồng đã đào tạo đạt chuẩn chất lượng nhưng khó giữ chân… dẫn đến huyện có nhiều giáo viên chưa thể đi học để nâng chuẩn theo Luật Giáo dục 2019. Năm học 2021-2022, ngành giáo dục và đào tạo huyện này được giao 1.931 biên chế nhưng số thực tế hiện có là 1.822 biên chế, so với biên chế được giao, còn thiếu khoảng 100 biên chế sự nghiệp và hợp đồng theo Nghị định số 68.

Thực trạng thiếu giáo viên, nên khó bố trí cáng đáng, chia sẻ công việc, không có người dạy thay thế để những giáo viên chưa đủ chuẩn đi học là nút thắt của nhiều trường hiện nay.

Khó nhất là các môn tin học, tiếng Anh, âm nhạc, mỹ thuật… hiện thiếu rất nhiều, có trường chỉ có 1 giáo viên/môn học, nhiều trường không có giáo viên. Trong khi năm học 2022-2023 sắp đến, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, ở bậc tiểu học, lớp 3 môn tin học, tiếng Anh chính thức trở thành môn học bắt buộc. Trong khi toàn tỉnh chỉ có 167 giáo viên dạy tiếng Anh, 85 giáo viên dạy tin học. Tỉnh cần tuyển bổ sung thêm 105 giáo viên cho 2 môn học này. Đối với khối lớp 10, có thêm môn mỹ thuật, âm nhạc… nhưng tỉnh chưa có giáo viên, cần tuyển bổ sung 23 giáo viên dạy mỹ thuật, 23 giáo viên dạy âm nhạc cho 23 trường THPT cả tỉnh.

Thiếu giáo viên dạy tin học, nhiều trường gặp khó trong lộ trình nâng chuẩn giáo viên theo quy định.

Không nâng chuẩn kịp, có được giảng dạy tiếp ?

Toàn tỉnh thiếu 862 giáo viên ở các cấp học từ mầm non đến THPT, thiếu nhiều ở cấp học mầm non, tiểu học, với các môn chuyên nhưng lại thừa 17 giáo viên các môn toán, ngữ văn… ở cấp THCS, THPT. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ là chuyện biết rồi khổ lắm nói mãi!

 Ông Lê Hoàng Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành A, cho biết: “Nguyên nhân thiếu giáo viên là do số lượng học sinh ngày càng tăng nhưng biên chế của ngành không tăng, giáo viên hợp đồng không mặn mà với nghề, khan hiếm nguồn tuyển giáo viên, một số môn học mới được áp dụng trong chương trình sách giáo khoa mới… Chúng tôi luôn tranh thủ tuyển giáo sinh để đặt hàng, giáo viên để hợp đồng giảng dạy. Bổ sung cho các trường đã khó, chứ đừng nói đến tuyển giáo viên có trình độ cao đẳng, đại học đạt chuẩn theo Luật Giáo dục mới”.

Theo thống kê, toàn tỉnh có hơn 1.070 giáo viên chưa đạt chuẩn về trình độ đào tạo. Trong đó, có 222 giáo viên (do quá tuổi) không thuộc đối tượng đào tạo nâng chuẩn, có 566 người đang học tự túc, có 286 người được cử đi đào tạo nâng chuẩn theo Nghị định 71 của Chính phủ (mầm non 7 người, tiểu học 175 người, THCS 104 giáo viên), đào tạo trình độ đại học sư phạm ở tất cả các môn như: giáo dục thể chất, tiếng Anh, âm nhạc, mỹ thuật, tin học, công nghệ, địa lý, giáo dục công dân, hóa học, lịch sử... Điều phân vân là trong số trên, có 20% giáo viên không thuộc diện đào tạo nâng chuẩn, vậy liệu họ có thể đứng trên bục giảng tiếp tục hay không?

Trong khi đó, để chuẩn bị nguồn thay thế số giáo viên sắp nghỉ hưu hoặc lớn tuổi, các trường phải tìm nguồn tuyển giáo viên mới, mà tìm chưa chắc đã có. Ông Trần Thanh Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Châu Văn Liêm, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Cuối năm học này trường có 1 giáo viên nghỉ hưu trước tuổi, xét về lợi ích sẽ thiệt thòi về nhiều mặt nhưng do sức khỏe không đảm bảo, khó học liên thông lên, giáo viên có nguyện vọng xin nghỉ hưu. Chúng tôi đã báo cáo về Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố để chờ bổ sung thêm, kiến nghị tuyển giáo viên mới đạt chuẩn luôn để chúng tôi không phải cần thêm thời gian đào tạo chuẩn”. Trường này có 39/41 giáo viên có trình độ đại học, chỉ còn 2 giáo viên trình độ cao đẳng.

Hiện nay, chương trình tập huấn nâng hạng giáo viên và nâng chuẩn đang có sự chồng chéo gây tốn thời gian, kinh phí, áp lực cho giáo viên. Cả tuần vừa đi dạy, vừa bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu, kém, tham gia nghiên cứu khoa học… rồi đi học vào cuối tuần, liệu thầy cô có đủ tâm huyết, sức khỏe theo đuổi để có được tấm bằng đại học đủ chuẩn?

Bốn trường hợp không phải nâng chuẩn trình độ

 

Bà Lê Hồng Đào, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Theo Nghị định 71 năm 2020 của Chính phủ, có 4 trường hợp giáo viên không phải nâng chuẩn trình độ, tính từ ngày 1-7-2020 là giáo viên mầm non chưa có bằng cao đẳng nhưng còn ít hơn 7 năm công tác; giáo viên tiểu học có bằng cao đẳng còn ít hơn 7 năm công tác; giáo viên tiểu học có trình độ trung cấp còn ít hơn 8 năm công tác; giáo viên THCS chưa có bằng cử nhân còn ít hơn 7 năm công tác. Ngoài 4 trường hợp này thì tất cả giáo viên đang giảng dạy trong biên chế và cả giáo viên hợp đồng đều phải tham gia học nâng chuẩn đào tạo”.

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Bài 3: Có thể đặt hàng các trường đại học đào tạo ?

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>