Quyết tâm đổi mới, sáng tạo, thi đua “Dạy tốt – Học tốt”

12/02/2024 | 06:16 GMT+7

Đón xuân Giáp Thìn 2024, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh nhà tròn 20 tuổi, tập trung cho những giải pháp đột phá, đổi mới, sáng tạo cùng khát vọng vươn tầm, ngành giáo dục kỳ vọng sẽ tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành công mới hơn. Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng (ảnh), Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, có cuộc trao đổi với phóng viên dịp năm mới và khẳng định: Giáo dục Hậu Giang đã tự tin “thoát vùng trũng” chất lượng.

- Khi mới thành lập năm 2004, tỉnh chỉ có 260 trường học mầm non và phổ thông, 8 trường chuẩn quốc gia, còn 27 xã chưa có trường mầm non, mẫu giáo, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn còn rất thấp so với quy định và chỉ 2 thạc sĩ. Cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học thiếu trầm trọng. Chất lượng giáo dục thấp so với cả nước và vùng đồng bằng sông Cửu Long, tỷ lệ học sinh bỏ học cao… Nhưng đó chỉ là câu chuyện khó của quá khứ.

Hiện nay, ngành giáo dục và đào tạo đã phát triển toàn diện, tỉnh dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, với tỷ lệ hiện nay là 83,17%, (tăng gần 80% so với năm 2004), tỷ lệ học sinh bỏ học giảm, tăng tỷ lệ học sinh khá giỏi, giảm học sinh yếu kém. Toàn ngành hiện có 283 thạc sĩ (năm 2004 có 2 thạc sĩ) và 123 Nhà giáo ưu tú…

Đâu là động lực để ngành đạt được kết quả toàn diện như vậy, thưa bà ?

- Những năm đầu mới thành lập, đứng trước muôn vàn khó khăn nhưng chúng tôi được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, kịp thời của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự hỗ trợ có hiệu quả của các ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền các cấp.

Sau 20 năm vượt khó, giờ đây ngành giáo dục và đào tạo phát triển toàn diện. Việc xóa các điểm trường lẻ, sáp nhập các cơ sở giáo dục có quy mô nhỏ được thực hiện hiệu quả, phù hợp. Đến năm 2023, toàn tỉnh có 262/315 trường học từ mầm non đến THPT đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ đạt 83,17% (tăng gần 80% so với năm 2004). Tích cực tham mưu để từng bước hoàn thiện các công trình phụ như nhà đa năng, hàng rào, sân chơi, nhà vệ sinh, hệ thống nước sạch,… đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cho học sinh; đặc biệt là đã hoàn thành 100% việc xây dựng nhà vệ sinh cho các trường mầm non, phổ thông trên địa bàn.

Chúng tôi có được đội ngũ nhà giáo đầy tâm huyết, yêu nghề và sẵn sàng cống hiến trí, lực vì sự nghiệp “trồng người”. Người ta thường nói “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, điều đó rất đúng với giáo dục tỉnh mình. Khó khăn không làm nản chân những nhà giáo yêu nghề.

Điểm mạnh của giáo dục Hậu Giang là phong trào xã hội hóa giáo dục, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Công tác huy động từ các lực lượng xã hội đã đóng góp hàng trăm tỉ đồng; vận động Nhân dân hiến trên 70.400m2 đất để xây dựng trường lớp học, vận động quỹ khuyến học, khuyến tài… giúp hàng chục ngàn học sinh viết tiếp ước mơ phát triển tương lai bằng con đường học vấn…

Phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” được quan tâm triển khai mạnh mẽ trong toàn ngành, đã có hàng trăm mô hình, giải pháp được công nhận cấp tỉnh, cấp bộ; hàng năm, ngành đã tổ chức thi giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi các cấp, thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia, đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học trong nhà trường… để tạo phong trào, động lực góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của tỉnh. Kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, kết quả trên 98,77% học sinh đậu tốt nghiệp năm 2023.

Thưa bà, với phương châm “Hình thức tập trung, nội dung thiết thực, hiệu quả thực chất”, đâu sẽ là nhiệm vụ đột phá của ngành trong năm mới ?

- Thực hiện lời dạy của Bác “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua Dạy tốt - Học tốt”, chúng tôi nhận diện rõ những thách thức để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học.

Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định, một trong ba nhiệm vụ đột phá chiến lược của nhiệm kỳ là: “Thực hiện cải cách hành chính mạnh mẽ, gắn với xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực, phát triển đô thị thông minh, kinh tế số; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội”. Không đứng ngoài cuộc, thời gian qua, toàn ngành đã chủ động triển khai và thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính một cách toàn diện và hiệu quả. Xem đây là bước đột phá, tạo nền tảng vững chắc trong công tác quản lý, giảng dạy.

Ngoài ra, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục cả về đại trà và mũi nhọn, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học trong nhà trường, tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh.

Rà soát, đánh giá tính hiệu quả của việc sáp nhập một số cơ sở giáo dục trong thời gian qua; kịp thời tham mưu, đề xuất quy hoạch lại các cơ sở giáo dục, tăng cường thu hút đầu tư xây dựng hệ thống trường ngoài công lập để giảm đầu tư công và giảm áp lực biên chế cho ngành.

Đẩy mạnh triển khai Đề án số 07 về “Xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030”…

Quyết tâm đổi mới, sáng tạo, thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, mùa xuân mới 2024, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh nhà tiếp tục nỗ lực, lấy chất lượng giáo dục làm nên vị thế, nâng tầm giáo dục.

Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng: Từ chỗ thiếu, yếu đến nay, toàn ngành hiện có 9.780 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trong đó, tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên cấp học mầm non đạt chuẩn 96,55%, trên chuẩn 71,23%; cấp tiểu học đạt chuẩn 82,30%, trên chuẩn 0,25%; cấp THCS đạt chuẩn 91,06%, trên chuẩn 0,98%; cấp THPT đạt chuẩn 100%, trên chuẩn 20,61%; trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh đạt chuẩn 100%, trên chuẩn 13,33%. Toàn ngành hiện có 283 thạc sĩ (năm 2004 có 2 thạc sĩ) và 123 Nhà giáo ưu tú. Đội ngũ nhà giáo chủ động, tự học, sáng tạo, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, phần mềm giáo dục vào trong giảng dạy và quản lý giáo dục...

 

Xin cảm ơn bà !

CAO OANH thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>