Phổ cập giáo dục, xóa mù chữ đi vào chiều sâu

11/01/2023 | 05:35 GMT+7

Quyết tâm của Hậu Giang là đưa công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ (PCGD, XMC) đi vào chiều sâu, chất lượng bền vững, nâng mức độ đạt chuẩn PCGD lên cao hơn.

PCGD, XMC nâng chất đã góp phần thực hiện tốt mục tiêu “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”.

2 huyện đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 3

Năm 2022, thành phố Vị Thanh có 9/9 xã, phường đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 3. Ông Phan Văn Nhớ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố, chia sẻ: “Chúng tôi tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng bằng nhiều hình thức; tập trung nhiều vào công tác phối hợp liên ngành để thực hiện đảm bảo tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đến trường, ngăn dòng bỏ học như tăng cường xã hội hóa, hỗ trợ học sinh khó khăn, giáo viên sẵn sàng phụ đạo học sinh yếu, kém miễn phí, động viên khích lệ tinh thần học tập của học sinh. Chúng tôi quan tâm nhiều đến lứa tuổi THCS, hỗ trợ toàn diện rèn kỹ năng, để học sinh có mọi điều kiện học tốt”.

Năm 2021, thành phố Vị Thanh có 8/9 xã, phường đạt chuẩn PCGD THCS đạt mức độ 3 (riêng phường IV còn mức độ 2). Đến năm 2022, trở thành địa phương thứ 2 trong 8 huyện, thị, thành phố đủ điều kiện đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 3; nâng cao chất lượng, tỷ lệ PCGD mầm non trẻ 5 tuổi, PCGD tiểu học đạt mức độ 3, XMC đạt mức độ 2; có 26/30 trường học đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 86,7%...

Bà Nguyễn Kim Liên, ở khu vực 4, phường IV, cho biết: “Con gái út đang học lớp 9. Điều kiện kinh tế gia đình tôi khó khăn nhưng vợ chồng luôn xác định phải cho con đến trường. Học tập để sau này có cuộc sống tốt hơn”.

Cũng quan tâm, đầu tư, tập trung mọi điều kiện để con, em đến trường, bà Phan Thị Út, ở ấp Nhơn Phú 2, xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, bộc bạch: “Không đợi địa phương đến tuyên truyền đi học, gia đình tôi luôn động viên con, cháu học hành. 6 đứa cháu đều học rất giỏi, cháu trai lớn đã học xong đại học và đi làm, cháu gái kế đang là sinh viên năm 2 ngành công nghệ thông tin”.

Sự quan tâm của phụ huynh học sinh là nhân tố góp phần thực hiện tốt công tác PCGD, XMC ở các địa phương. Huyện Châu Thành A đã giữ vững thành tích 3 năm liên tục (từ năm 2020 đến nay) đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 3. Năm 2020, đây là huyện đầu tiên của tỉnh vinh dự đạt chuẩn cao này. Ông Lê Hoàng Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Chúng tôi được sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phòng, lớp học, tuyển dụng giáo viên, sự phối hợp đồng hành, trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể, phụ huynh học sinh… Ban chỉ đạo các xã, thị trấn đều chủ động, tích cực nên chất lượng PCGD, XMC của huyện được duy trì, ngày càng bền vững”.

Cuối năm 2022, huyện Châu Thành A có 100% xã, thị trấn đạt chuẩn XMC mức độ 2, 10/10 xã, thị trấn đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ em 5 tuổi; 10/10 xã, thị trấn đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3...

Nâng chất, duy trì kết quả bền vững

Hàng năm, ban chỉ đạo PCGD, XMC các huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn được kiện toàn, hoạt động hiệu quả. Các cấp, các ngành, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, vận động học sinh, học viên ra lớp, quan tâm giúp đỡ về kinh tế, động viên về tinh thần, phối hợp quản lý, duy trì sĩ số học sinh, học viên ra lớp, tham gia dạy trực tiếp các lớp XMC.

Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế năm 2022, Đoàn kiểm tra Ban chỉ đạo PCGD, XMC tỉnh cũng ghi nhận nhiều khó khăn trong công tác này. Điểm khó ở các địa phương là phần lưu giữ hồ sơ, cập nhật số liệu chưa khoa học, các minh chứng số liệu thống kê còn thay đổi, chưa khớp với thực tế; việc thay đổi người phụ trách nhiều, làm chưa quen việc, chưa nắm rõ đối tượng diện PCGD, XMC dẫn đến lúng túng, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin còn yếu.

Nhất là thực trạng còn thiếu nhiều giáo viên cấp học mầm non, mẫu giáo ở huyện Long Mỹ, thị xã Long Mỹ, huyện Phụng Hiệp, huyện Vị Thủy. Theo quy định, tỷ lệ giáo viên trên lớp cấp học mầm non, mẫu giáo là 2 giáo viên/lớp/35 trẻ. Tuy nhiên, hiện các đơn vị chỉ đạt từ 1,5 đến 1,8 giáo viên/lớp.

Bà Trần Thị Huyền, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Trưởng đoàn kiểm tra Ban Chỉ đạo PCGD, XMC của tỉnh, cho biết: “Chúng tôi đã có những đề xuất cụ thể trong quá trình kiểm tra thực tế, tập trung nhiều ở giải pháp khắc phục của từng địa phương. Quan tâm nhất là giải pháp khắc phục đảm bảo đủ giáo viên ở cấp học mầm non, tiểu học và điều kiện cơ sở vật chất, phòng lớp trong nhà trường. Đoàn chỉ đề xuất UBND tỉnh công nhận các huyện, thị, thành phố đạt theo các tiêu chuẩn quy định, kiên quyết không cho nợ chuẩn”.   

Năm 2022, với sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác PCGD, XMC trên địa bàn tỉnh có những bước tiến, mức độ PCGD ở các cấp học tiếp tục được duy trì và nâng cao ở từng địa phương. Chất lượng PCGD, XMC là ưu tiên hàng đầu, hoạt động đã và đang góp phần thực hiện tốt mục tiêu “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”, đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

3 nhiệm vụ trọng tâm

 

Bà Trần Thị Huyền, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, nhấn mạnh: Để phát huy hiệu quả công tác PCGD, XMC, các đơn vị cần xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm: Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, thực chất; duy trì, củng cố vững chắc, nâng cao chất lượng PCGD mầm non trẻ 5 tuổi, tiểu học, THCS bền vững. Các đơn vị đủ điều kiện nên nỗ lực nâng chuẩn PCGD THCS lên mức độ 3. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành huy động học sinh đến trường; bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên; có giải pháp nâng cao chất lượng dạy học và giáo dục theo mục tiêu của từng cấp học và chương trình đổi mới giáo dục phổ thông...

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>