Nỗi lo căn tin trường học

21/12/2022 | 18:16 GMT+7

Liệu tất cả các căn tin ở các nhà trường trong tỉnh đều đáp ứng đúng quy định: Thực phẩm được bán phải có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, an toàn thực phẩm, có hạn sử dụng, giá cả phù hợp...?

Đoàn giám sát HĐND tỉnh trong đợt kiểm tra tại căn tin trường học vừa qua cho thấy vẫn còn nhiều thực phẩm không có nhãn mác, nguồn gốc, hạn sử dụng.

“2 không”...

Giờ ra chơi, căn tin Trường THPT N.S. có rất đông học sinh đến ăn uống. Thực phẩm được bày bán gọn gàng, ngăn nắp, tuy nhiên vấn đề lo ngại là khá nhiều loại “2 không” không có nhãn mác, không hạn sử dụng.

Trên quầy hàng, nhiều loại bánh tráng trộn với đủ hương vị được chia thành các bịch nhỏ, to màu sắc bắt mắt, hấp dẫn thị giác học sinh. Bà L., chủ căn tin này, cho biết: “Chúng tôi cũng chỉ quan sát thực phẩm dựa trên cảm tính, nhìn màu sắc đẹp, hấp dẫn nghĩ sẽ mới và ngon. Khi lựa chọn thực phẩm, chúng tôi cũng chú trọng lựa nơi mua có uy tín, để mua thực phẩm chất lượng về, xem hạn sử dụng. Chủ yếu lựa mua ở tiệm tạp hóa lớn”.

Tại căn tin của nhiều trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh, tình hình thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhãn hiệu lạ được ghi nhận có khá nhiều. Những thực phẩm phổ biến được học sinh chọn mua nhiều nhất là bánh tráng trộn, trà sữa, bánh ngọt, trái cây ngâm chua ngọt, chả cá chiên, mì cay… Tuy nhiên tất cả đều có đặc điểm chung là không nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, ngày sản xuất hay hạn sử dụng… Tại Trường Tiểu học H.V., một nhân viên bán tại căn tin trường cho biết: “Học sinh đa phần thích trà sữa, siro, chả cá chiên. Sau khi mua về chúng tôi sẽ chế biến nấu kỹ, chia vào những bọc, ly nhỏ và bán hết trong ngày. Một ngày bán hết hàng trăm ly, bọc, ít có dư. Cũng không rõ thực phẩm nào an toàn, nghe sản phẩm nào có nguy cơ không an toàn, đồ ăn có xuất xứ Trung Quốc thì chúng tôi dừng bán sản phẩm đó”.

Mức giá bán cao hơn bên ngoài ?

Mỗi chai nước suối, nước ngọt đóng chai bán lời khoảng từ 2.000 đến 6.000 đồng/chai là thực tế trong quá trình khảo sát tại nhiều căn tin trong nhà trường vừa qua. Chị N.T.B., một phụ huynh học sinh ở phường I, thành phố Vị Thanh, tâm sự: “Con tôi học lớp 3, sợ con uống nước căn tin pha không đảm bảo, tôi yêu cầu con nếu khát thì uống nước đóng chai. Mỗi buổi con đến trường, tôi cho 10.000 đồng mà con không sử dụng đủ để mua bánh hoặc nước uống, thấy đồ ăn trong trường có giá cao hơn bên ngoài, một chai trà sữa loại nhỏ giá bán đến 12.000 đồng. Trong khi thực tế nước uống đóng chai siêu thị giá không đến vậy”.

Bà Mã Thị Tươi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, trong buổi kiểm tra thực tế căn tin một số trường ở huyện Châu Thành vừa qua, bày tỏ lo ngại: “Kiểm tra thực tế, có căn tin trường một chai nước suối 500ml bán 12.000 đồng, trong khi giá bán tại các siêu thị chỉ khoảng 6.000 đồng/chai hoặc thấp hơn tùy loại. Bán giá vậy sẽ gây áp lực về kinh tế khá lớn, tạo thêm gánh nặng cho gia đình học sinh, nhất là với các gia đình khó khăn có đông con đi học”.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh chia sẻ: Đã có cử tri là phụ huynh có 4 con đi học phản ánh với mức giá bán thực phẩm tại trường cao, lo tiền uống nước suối cho con cũng là gánh nặng của gia đình ông, nên phụ huynh chỉ có thể đổ nước ở nhà vào chai cho 4 con mang theo đi học, không dám mua uống tại căn tin. “Tôi nghĩ vấn đề này cần chấn chỉnh sớm, giá bán thực phẩm tại căn tin trường không nên cao hơn giá bên ngoài. Mục đích chính đưa vào hoạt động căn tin trường học là phục vụ cho nhu cầu thiết yếu về ăn uống cho giáo viên và học sinh, đảm bảo nguồn thực phẩm sạch, an toàn, chất lượng cho sức khỏe, chứ không phải đấu thầu cao để trúng thầu rồi bán thực phẩm giá cao để thu lại lợi nhuận cao từ học trò”, bà Mã Thị Tươi nhấn mạnh.

 Ngoài ra, nỗi lo vấn đề chọn và bán các mặt hàng chưa phù hợp, không đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh tại các căn tin trường học cũng là trăn trở của phụ huynh, khi có không ít các loại đồ chơi nguy hiểm: vòng xoay bằng kim loại nếu chơi không cẩn thận dễ gây tai nạn cho mắt; các hạt nở ngâm ra để vào các chậu hoa, cây kiểng trang trí cho đẹp mắt có phù hợp không khi bán tại quầy bánh kẹo cho học sinh, đồ chơi mang tính chất cờ bạc như bóc thăm trúng tiền hay bánh kẹo, miếng dán hình xăm tay. Đáng nói là ngay cả các loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng đang được bán phổ biến tại một số căn tin: son môi, phấn, kẻ mắt… với giá vô cùng rẻ. Mỹ phẩm không chỉ có tại các căn tin trường THCS, THPT mà xuất hiện tại các trường tiểu học.

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở thành phố Vị Thanh cho biết: “Chúng tôi chỉ cho căn tin bán những gì được cho phép, yêu cầu thực phẩm phải luôn đảm bảo an toàn vệ sinh. Nhà trường đã có kiểm tra, có quy định bằng văn bản rất rõ không chỉ về thực phẩm an toàn mà yêu cầu nhân viên căn tin đều phải được tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ khi chế biến thức ăn…”.

Mặc dù quy định là vậy nhưng tình trạng buôn bán “chui” các loại thực phẩm, sản phẩm không an toàn cho sức khỏe trong trường vẫn nhiều. Đã có nhiều vụ việc về ngộ độc thức ăn, đau bụng hay tiêu chảy xảy ra tại một số trường học. Tác hại để lại vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và quá trình học tập của học sinh trong nhà trường.

Thiết nghĩ vấn đề này, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh cần quan tâm hơn, chấn chỉnh kịp thời để tạo được sự yên tâm, niềm tin trong xã hội về thực phẩm an toàn tại trường học.

Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư liên tịch số 13 quy định về công tác y tế trường học. Trong đó, quy định nhà ăn trong trường học, căn tin trường phải được xây dựng, bố trí chỗ thông thoáng, có đầy đủ ánh sáng, cửa sổ nhà ăn trong trường học, căn tin trong trường học phải có lưới để chống côn trùng gây bệnh; bàn ghế, dụng cụ, phương tiện trong nhà ăn, căn tin phải được làm bằng vật liệu dễ cọ rửa. Dụng cụ chứa thức ăn và sử dụng để ăn uống phải được làm bằng vật liệu dễ làm vệ sinh và không thôi nhiễm yếu tố độc hại; dụng cụ chứa thức ăn và sử dụng để ăn uống phải được vệ sinh và thay thế thường xuyên, định kỳ, có phương tiện bảo quản thực phẩm, có hệ thống cung cấp nước sạch đảm bảo theo quy định về nước sạch và chỗ rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tại nhà trường…

 

“Không phải đấu thầu cao để trúng thầu rồi bán thực phẩm giá cao để thu lại lợi nhuận cao từ học trò”

 

Bà Mã Thị Tươi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đã nhấn mạnh: “Vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm cho học sinh sẽ rất khó kiểm soát về chất lượng tại các căn tin nếu ban giám hiệu các trường thờ ơ, buông lỏng. Nếu có vấn đề cần chấn chỉnh sớm, các trường không bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, không hạn sử dụng cho học sinh. Nhà trường phải tích cực kiểm tra, nếu vi phạm cần nhắc nhở ngay, tùy theo mức độ nghiêm trọng có thể xem xét không cho hợp đồng lại ở những năm sau. Mục đích chính đưa vào hoạt động căn tin trường học là phục vụ cho nhu cầu thiết yếu về ăn uống cho giáo viên và học sinh, đảm bảo nguồn thực phẩm sạch, an toàn, chất lượng cho sức khỏe, chứ không phải đấu thầu cao để trúng thầu rồi bán thực phẩm giá cao để thu lại lợi nhuận cao từ học trò.

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích