Nhân rộng “Trường học hạnh phúc”

27/01/2023 | 07:57 GMT+7

Để “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, một số trường học trong tỉnh đang triển khai nhân rộng mô hình “Trường học hạnh phúc” phù hợp theo điều kiện thực tế.

Trường Tiểu học thị trấn Cái Tắc nỗ lực thực hiện mô hình “Trường học hạnh phúc” trong năm học 2022-2023.

Yêu thương, tôn trọng và an toàn

Hào hứng cùng các bạn tham gia hoạt động trải nghiệm về “Ngày tết quê em” dưới sân trường có mái lưới che mát, Nguyễn Thị Ngọc Nhi, học sinh lớp 5B, Trường Tiểu học Đông Phú 1, huyện Châu Thành, bộc bạch: “Em rất vui khi được học tập tại trường, trường em an toàn, mát mẻ và rộng. Thầy cô yêu thương, gần gũi, quan tâm chúng em. Giờ học em thấy nhẹ nhàng, thoải mái, chúng em được rèn nhiều kỹ năng học tập, giao tiếp”.

Trường Tiểu học Đông Phú 1 là ngôi trường đầu tiên của tỉnh thực hiện thí điểm mô hình “Trường học hạnh phúc” vào năm học 2020-2021. Từ đó đến nay, mô hình mới này càng phát huy hiệu quả. Cô Phạm Thị Trúc Linh, giáo viên dạy âm nhạc của trường, chia sẻ: “Quan trọng ở mô hình này là trước khi học sinh hạnh phúc thì bản thân giáo viên chúng tôi phải thấy hạnh phúc khi dạy các em. Khi bắt tay vào thực hiện mô hình, khó nhất là sắp xếp giờ đến trường đón học sinh sớm hơn thường lệ (6 giờ 30 phút thay vì gần 7 giờ giáo viên mới đến trường). Tuy nhiên, sau gần 3 năm thực hiện, đã thành thói quen rồi, giờ không bắt buộc tôi cũng 6 giờ 30 phút đến trường”. Đến trường sớm, sẽ hỗ trợ học sinh được nhiều việc hơn như: tạo tâm lý vui tươi thoải mái cho các em, các em bắt đầu một ngày học chất lượng hơn, đi học đúng giờ vào nề nếp học tập tốt.

Ông Dương Văn Sáu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Phú 1, cho biết: “Mô hình tập trung vào 3 tiêu chí: yêu thương, tôn trọng và an toàn. Mô hình mới đương nhiên sẽ có nhiều điểm khó và một vài tiêu chí trường đã phải linh động thay đổi phù hợp theo điều kiện thực tế của trường. Hiệu quả mang lại rõ nét từ mô hình là chất lượng, thái độ học tập, giảng dạy của học sinh, giáo viên trường nâng lên nhiều. Lớp học cũng xanh, sáng và mỹ quan hơn”.

Trường Tiểu học Đông Phú 1 có hơn 500 học sinh với 22 phòng học, phòng chức năng hiện đại. Nhiều năm liền, trường giữ vững tỷ lệ 100% học sinh hoàn thành chương trình học, là một trong những trường tiểu học đi đầu trong việc thực hiện clip bài giảng qua truyền hình, dạy trực tuyến cho học sinh học tập phòng dịch Covid-19, trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 từ năm 2020 đến nay.

Trường học phải thân thiện, học sinh phải tích cực

Bắt tay vào thực hiện mô hình “Trường học hạnh phúc” vào năm học 2022-2023 này, Trường Tiểu học thị trấn Cái Tắc đã và đang xây dựng các tiêu chí cụ thể để đảm bảo thực hiện mô hình chất lượng nhất. Ông Lê Viết Phúc, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Xây dựng “Trường học hạnh phúc” nghe có vẻ dễ, các tiêu chí xét ra cũng tương tự như “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” ngành đã thực hiện nhiều năm qua nhưng thực tế khó hơn nhiều. Trường bắt tay làm từng yêu cầu”.

Nhà trường xây dựng “Trường học hạnh phúc” phải là nơi an toàn cho các hoạt động dạy và học của thầy trò, không tồn tại cách hành xử bạo lực, không diễn ra các hành vi phi đạo đức. Bên cạnh truyền thụ kiến thức, kỹ năng, thái độ cho học sinh, trường còn chú trọng giáo dục bồi đắp tâm hồn đẹp cho các em như thông qua việc trang trí phòng lớp, mảng tường kiến thức về những câu chuyện dân gian, câu danh ngôn giáo dục, gương học tập và làm theo lời Bác. “Mọi xúc cảm riêng biệt, cá tính sáng tạo của thầy và trò xác định là phải luôn được tôn trọng, không bị áp đặt một cách máy móc, rập khuôn”, ông Lê Viết Phúc nhấn mạnh.

Trường Tiểu học thị trấn Cái Tắc là một trong những trường có số lượng học sinh nhiều của huyện Châu Thành A, với hơn 1.200 học sinh đang theo học. Để nâng chất lượng dạy và học, nhà trường đang rất quyết tâm thực hiện mô hình mới.

Năm học 2019-2020, thông điệp được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra để xây dựng “Trường học hạnh phúc” là các cán bộ quản lý, các thầy cô hãy thay đổi để hướng đến môi trường sư phạm lành mạnh, văn minh, thân thiện, với giá trị cốt lõi: “Yêu thương, an toàn và tôn trọng”. Xác định thông điệp này, một vài trường học đã nhân rộng một số tiêu chí trong mô hình “Trường học hạnh phúc” phù hợp dựa trên điều kiện thực tế của trường. Thầy Trịnh Nguyễn Thanh Tâm, giáo viên chủ nhiệm lớp 7A2, Trường THCS Hoàng Diệu, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Triển khai toàn trường thì rất khó vì nhiều tiêu chí trường chúng tôi chưa hoàn thiện nên tôi đã đăng ký thí điểm mô hình “Lớp học hạnh phúc” từ năm học 2020-2021 đến nay. Theo tôi, điều quan trọng là giáo viên phải tăng cường kỹ năng giao tiếp, mình là bạn các em và cho học sinh lời khen đúng lúc. Để các em biết những gì các em đang làm đúng, những gì đang tiến bộ và những gì các em cần phải cải thiện thêm”.

Học sinh đến trường được trải nghiệm giờ học hạnh phúc và giờ chơi hạnh phúc; giao lưu sau giờ ra chơi và gửi thông điệp “Những mong muốn của các em về ngôi trường hạnh phúc”…

Năm học 2022-2023, Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai nhân rộng mô hình “Trường học hạnh phúc” ở tất cả các cấp học trên địa bàn tỉnh có đủ điều kiện. Để hỗ trợ các trường thực hiện mô hình hiệu quả, sở đã phối hợp với Công ty Cổ phần đầu tư giáo dục Go Global Education tổ chức Hội thảo triển khai Chương trình giáo dục kỹ năng sống và mô hình “Trường học hạnh phúc” ở tất cả các cấp học trên địa bàn tỉnh trong năm học 2022-2023.

Ông Trần Hiền Hòa, Trưởng phòng Giáo dục trung học - Giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Theo cách dễ hiểu nhất, trường học hạnh phúc là một ngày đến trường, giáo viên, học sinh đều cảm thấy là một ngày vui và thực sự ý nghĩa. Nhiệm vụ của thầy cô giáo không chỉ đơn giản là lên lớp giảng trong sách vở và những vận dụng thực tế, mà còn là làm thế nào để học sinh thấy được ngôi trường của mình trở thành một nơi thú vị, yêu thích đến trường hơn. Yếu tố tâm huyết với nghề và tình cảm yêu thương dành cho các em chính là nên tảng lớn nhất để phát triển mô hình trường học hạnh phúc”.

Toàn tỉnh có 319 trường học từ mầm non đến THPT. Năm học 2022-2023, tất cả các trường học đảm bảo các điều kiện (từ tiểu học đến THPT) sẽ nhân rộng mô hình “Trường học hạnh phúc”. Mô hình này đã được một số trường tiểu học thực hiện thí điểm cách nay gần 3 năm. Tập trung vào 3 tiêu chí cốt lõi: Yêu thương, an toàn và tôn trọng. Giáo viên không chỉ truyền tải kiến thức văn hóa, mà còn dạy học sinh đạo đức làm người, lối sống lành mạnh, biết quan tâm và giúp đỡ mọi người.

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>