Người thầy mang “vàng” về cho giáo dục Hậu Giang

20/01/2023 | 06:42 GMT+7

Nghe Podcast:

/uploads/Audio/News/2023/01/21/053612nguoi thầy mang vàng về cho giáo dục hậu giang.mp3

Hơn 14 năm qua, thầy Lê Hữu Kỳ Quan, Tổ trưởng Tổ tin học - công nghệ, Trường THPT chuyên Vị Thanh, đã mang nhiều “vàng” về cho giáo dục tỉnh nhà từ các giải thưởng cao cấp khu vực, quốc gia và quốc tế.

Nhiệt tình, hết lòng vì học sinh thân yêu, thầy Quan đã tạo nên sự yêu thích học tập trong học sinh.

“Lửa thử vàng”

Trần Trọng Nguyễn, học sinh lớp 12T, Trường THPT chuyên Vị Thanh, hồ hởi chia sẻ về dự án “Nghiên cứu về hệ thống Iot trong ươm giống cây ớt Aji Charaptita” đạt giải nhất Cuộc thi Artificial Intelligence Competition 2022 (Cuộc thi quốc tế về trí tuệ nhân tạo), do FUNIX và Đại học Deakin (Australia) lần đầu tiên tổ chức dành cho học sinh, sinh viên Việt Nam và Ấn Độ, với chủ đề “AI và các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc: “Đây là dự án khó với chúng em, thầy nói quan trọng là chuyển kiến thức đã được thầy bồi dưỡng về trí tuệ nhân tạo, thành một sản phẩm có thực, có ích cho mọi người. Không để thầy thất vọng, chúng em trau dồi kỹ năng giao tiếp tiếng Anh để tự tin thuyết trình với ban giám khảo là người nước ngoài, tăng cường kiến thức từ tài liệu chính thống, chỉnh sửa dự án đến đạt yêu cầu…”.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, đây là thử thách lần thứ hai thầy Quan mạnh dạn thực hiện để học sinh làm quen với AI, một lĩnh vực còn mới lạ với học sinh trường. Trước đó, lần đầu tiên là khi học sinh tham gia Cuộc thi “Thử thách Nhà bảo vệ môi trường trẻ 2021” do Trường Đại học Quốc tế phối hợp cùng Đại học Deakin (Australia), Viện Hoàng Gia Colombo (Sri Lanka) tổ chức, với dự án “Hệ thống phân hủy nilon xốp bằng phương pháp sinh học”, tuy các em chỉ dừng lại ở vòng chung kết quốc gia (tại Việt Nam) không đại diện dự thi vòng chung kết quốc tế được tổ chức tại Đại học Deakin, nhưng bấy nhiêu đó cũng là tín hiệu vui, đòn bẩy để thầy trò nỗ lực giành vinh dự cao nhất tại Cuộc thi quốc tế về trí tuệ nhân tạo năm 2022 này.

Thầy Quan chia sẻ: “Sân chơi quốc tế rất khó nhưng có lẽ việc chọn đề tài mang tính thời sự (ươm mầm hạt giống cây ớt Aji Charaptita có hàm lượng dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao, hiện nay giá thành ớt này hơn 2 triệu đồng/kg), nghiên cứu đúng hướng chủ đề xóa đói giảm nghèo, ứng dụng cài đặt trí tuệ nhân tạo phù hợp, với các cảm biến thông minh, giúp hạt giống nảy mầm chất lượng, dự án có sự mới lạ, đúng yêu cầu cuộc thi đề ra nên thầy trò tôi đã có kỳ tích bất ngờ”.

Ông Lưu Văn Lập, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Vị Thanh, cho biết: “Nhiều học sinh giỏi, với thành tích nổi bật đã mang rất nhiều giải thưởng cao về cho nhà trường. Chúng tôi trân trọng, quý giá và ví nó như vàng”.

Bén duyên với nghiên cứu khoa học nhờ “chữa bệnh” cho máy tính

Thầy Quan kể: “Tôi mê máy tính từ khi mình còn là sinh viên, ngành sư phạm toán - tin, Trường Đại học Cần Thơ. Khi đó, điều kiện khó khăn, mình là sinh viên thì làm gì có máy vi tính riêng để nghiên cứu, thực hành. Mỗi lần được thầy giáo gọi đi sửa máy tính cùng thầy tại các phòng, khoa, tôi mừng lắm. Dần dà tích lũy nhiều kinh nghiệm, tôi mạnh dạn tự sửa luôn máy tính cho các bạn. Lúc đó, sửa máy vi tính, laptop trở thành nghề tay trái. Từ nghề bất đắc dĩ ấy, giúp tôi tiếp xúc được nhiều máy tính, biết nhiều “bệnh” của các dòng máy rồi tôi mê công nghệ, yêu và muốn khám phá nó”.

Năm 2008, sau khi tốt nghiệp đại học, thầy Quan về dạy tại Trường THPT Vị Thanh, rồi được điều động chuyển công tác về Trường THPT Chuyên Vị Thanh từ năm 2013. Cũng năm đó, thầy được bổ nhiệm làm Tổ trưởng Tổ tin học - Công nghệ đến nay. Nhận nhiệm vụ mới, với nhiều băn khoăn làm sao nâng chất lượng môn tin học, thầy Quan chọn điểm đột phá là phát triển đam mê nghiên cứu khoa học, nhằm giúp giáo viên trong tổ nâng cao trình độ chuyên môn, vun bồi cho học sinh thêm đam mê. Nghĩ rồi bắt tay làm...

Đôi mắt sáng lên đầy tự hào, thầy Quan nói thêm về những ngày đầu tìm ý tưởng nghiên cứu hướng dẫn học sinh: “Ý tưởng có ngay trong cuộc sống. Khi tôi đi uống cà phê với đồng nghiệp, nghe giáo viên nói nhiều cái khó khi thiếu thiết bị dạy học. Học sinh chia sẻ ám ảnh khi thấy hỏa hoạn ở khu chung cư, nhiều người không thoát ra được, phải chi có sản phẩm công nghệ gì đó cảnh báo mọi người, thế là mọi nghiên cứu bắt đầu từ đó”.

Thầy Quan và nhóm học sinh bên dự án “Nghiên cứu về hệ thống Iot trong ươm giống cây ớt Aji Charaptita” đạt giải cấp quốc tế.

Gieo hạt mầm chất lượng cho tương lai

Dấu mốc quan trọng trong hoạt động nghiên cứu khoa học của thầy Quan và học trò là vào năm 2012, với “Ứng dụng Calc cho Android” cài đặt phần mềm điện thoại rất tiện lợi, học sinh có thể học tập mọi lúc mọi nơi đã xuất sắc đạt giải nhì Cuộc thi Tin học trẻ toàn quốc năm đó. Sau dự án thành công đó, là ý tưởng cứu giúp người khi hỏa hoạn ở khu chung cư “Bộ thiết bị hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn” cũng đã đạt giải nhất Cuộc thi Tin học trẻ toàn quốc năm 2017. Năm 2018, là giải khuyến khích với dự án “Thiết bị hỗ trợ an toàn giao thông đường sắt”, dự án manh nha cho nghiên cứu khoa học về AI…

Dành nhiều tâm huyết, thời gian bồi dưỡng học sinh giỏi, bản thân thầy cũng luôn chủ động đào sâu nghiên cứu kiến thức, thực hiện nhiều sáng kiến, giải pháp hiệu quả trong giảng dạy. Nhiều dự án thầy mang về giải thưởng cao. Giải ba toàn quốc Cuộc thi Giáo viên sáng tạo Parners in Learning do Mirosoft Việt Nam tổ chức năm 2011. Giải nhất quốc gia Cuộc thi dạy học theo chủ đề tích hợp do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức năm 2013 với dự án “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”. Giải ba Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hậu Giang năm 2021 với dự án “Nghiên cứu thiết kế website truy xuất thông tin thiết bị dạy học cải tiến dành cho môn khoa học tự nhiên theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018”… 

Lấy năng lực toán học làm nền tảng, khả năng thuyết phục, tư vấn người khác làm chất xúc tác, kết hợp niềm đam mê môn tin học, thầy Quan đã chiêu mộ được nhiều học sinh giỏi có nhiều đam mê khoa học, đến giờ có em đã trở thành nhân viên chính tại các công ty công nghệ danh tiếng. Thầy Quan cười: “Chắc nhờ trước đây tôi là học sinh giỏi văn cấp tỉnh năm lớp 12 nên có khả năng ăn nói, vì thế không khó để thuyết phục học trò mình”.

Phong trào nghiên cứu khoa học trong giáo viên và học sinh thời gian qua đã đánh dấu nhiều đổi mới sáng tạo trong dạy và học. Hoạt động không chỉ là sân chơi trí tuệ mà còn là dấu son khẳng định “thương hiệu” nhiều năm nay của giáo dục và đào tạo tỉnh nhà.

Lên kế hoạch trong mùa xuân mới, thầy Quan bày tỏ: “Tôi sẽ tiếp tục truyền lửa đam mê với nghề để mỗi học sinh thêm ham học và có nhiều dự án chất lượng giúp ích cuộc sống mọi người. Học sinh tỉnh mình giờ giỏi, năng lực, trí tuệ không thua bất kỳ ai, tôi tin nếu được bồi dưỡng trong môi trường tốt, có sân chơi chất lượng để cọ xát, mở rộng kiến thức, các em sẽ phát huy được tối ưu năng lực. Các cuộc thi khu vực, quốc gia, cả tầm quốc tế đều không khó vươn tới”.

Hơn 14 năm giảng dạy, thầy Quan cùng học trò mang về 2 giải thưởng quốc tế, hơn 15 giải thưởng quốc gia, trên 60 giải thưởng cấp tỉnh. Năm học 2021-2022, thầy nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, bằng khen Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Trước đó, thầy nhận bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 5 bằng khen của UBND tỉnh, bằng khen của Trung ương Đoàn, Công đoàn Giáo dục Việt Nam và nhiều danh hiệu, khen thưởng khác...

 

CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>