Mô hình giáo dục sáng tạo, hiệu quả

19/04/2023 | 03:32 GMT+7

Nhiều trường học trong tỉnh đã và đang triển khai nhân rộng các mô hình giáo dục sáng tạo, hiệu quả trong nhà trường. Các mô hình góp phần phục vụ tốt cho hoạt động dạy học của giáo viên và trải nghiệm đối với học sinh các cấp học.

Trường Tiểu học Kinh Cùng đang triển khai thực hiện mô hình mới “Chuyển đổi số trong dạy và học”.

“Học mà chơi, chơi mà học”

 Hào hứng cùng bạn chơi trò ô ăn quan, em Trần Hoàng Mỹ Duyên, học sinh lớp 4A4, Trường Tiểu học Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Giờ ra chơi giữa buổi học của chúng em bây giờ rất vui và hấp dẫn. Có hôm chúng em được múa hát dân vũ cùng các bạn, bữa chúng em đựơc tổ chức đọc sách, chơi trò chơi dân gian, tổ chức thi cắt dán tranh ảnh, nhiều hoạt động rất thú vị, chơi không biết chán”.

Để tạo niềm vui, sự ham thích cho học sinh trong mỗi ngày đến trường, từ học kỳ II năm học 2021- 2022, trường đã triển khai thực hiện mô hình “Giờ ra chơi trải nghiệm sáng tạo” cho học sinh. Ông Võ Minh Luân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Kinh Cùng, cho biết: “Điểm hấp dẫn ở mô hình là chúng tôi tổ chức đa dạng các hoạt động, hình thức vui chơi phong phú, sôi động, linh hoạt trong mỗi tuần để giờ ra chơi thật sự bổ ích và có lợi cho từng học sinh. Thiết kế hoạt động khá cực nhưng để các em “học mà chơi, chơi mà học” thoải mái, tái tạo nguồn năng lượng tích cực cho những tiết học chất lượng tiếp theo”. Trường tổ chức giờ ra chơi cho tất cả học sinh từ khối 1 đến khối 5, mỗi tuần sẽ có 3 ngày thầy cô thiết kế hoạt động cho học sinh. Thứ hai tổ chức các hoạt động đồng diễn dân vũ múa hát sân trường trên nền nhạc tiếng Anh. Thứ tư tổ chức các trò chơi dân gian (mèo đuổi chuột, bịt mắt bắt dê, ô ăn quan, rồng rắn lên mây, chơi cò chẹp…) hoặc đọc sách, báo thiếu nhi, truyện tranh tiếng Anh tại thư viện ngoài trời hoặc tại lớp. Thứ sáu là các hoạt động trải nghiệm (thực hành thiết kế các sản phẩm khéo tay hay làm từ nguyên vật liệu bỏ đi, sản phẩm thủ công sáng tạo phục vụ học tập hoặc trải nghiệm thực hành giao lưu, thi đố vui đoán từ, con vật bằng tiếng Anh cùng thầy cô, bạn bè…

Với tính linh hoạt, hiệu quả, sáng tạo từ mô hình, kết thúc năm học 2021-2022, mô hình “Giờ ra chơi trải nghiệm sáng tạo” của trường đã được Sở Giáo dục và Đào tạo công nhận Mô hình đổi mới sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập, được chọn là 1 trong 12 mô hình triển khai nhân rộng trong toàn tỉnh. 

Duy trì và thực hiện mô hình hiệu quả trong những năm học vừa qua, năm học 2022-2023 này, Trường Tiểu học Kinh Cùng đang triển khai thực hiện mô hình mới “Chuyển đổi số trong dạy và học”, ông Võ Minh Luân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Kinh Cùng, chia sẻ: “Mỗi năm, trường chọn và thực hiện 1 mô hình mới, phù hợp theo yêu cầu thực tế từng năm học. Năm nay, thực hiện mô hình “Chuyển đổi số trong dạy và học”, chúng tôi không chỉ muốn đáp ứng theo nhu cầu của thời đại công nghệ số mà còn tập trung vào việc tăng cường hơn nữa tính tương tác giữa thầy và trò qua các bài giảng E-learning, clip… dạy học hấp dẫn, mới lạ. Quan trọng là xây dựng được kho học liệu dùng chung cho toàn trường”.

Trường giao nhiệm vụ cụ thể cho các khối: lớp 1, lớp 2 và lớp 3, mỗi giáo viên xây dựng 5 bài giảng E-learning, xây dựng tiết dạy clip, dạy qua truyền hình để lưu vào kho học liệu của trường. Đối với khối lớp 4 và lớp 5: mỗi khối sẽ thực hiện 3 bài giảng E-learning…

Tất cả vì học sinh thân yêu

Một trong những yêu cầu cơ bản của giáo viên hiện nay là phải có trình độ tin học tốt, biết sử dụng thành thạo máy vi tính, khai thác mạng, sử dụng các phần mềm thông dụng hỗ trợ cho việc dạy và học, biết thiết kế bài giảng E-learning. Chọn và thực hiện mô hình chuyển đổi số trong dạy học là yêu cầu cần thiết.

Tập trung hỗ trợ học sinh lớp 12 vừa học, vừa ôn thi tốt nghiệp THPT hiệu quả, cô Mai Kim Ngân, giáo viên dạy môn vật lý, Trường THPT Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, thổ lộ: “Thời điểm này, học sinh rất cần những bài giảng hấp dẫn để giảm áp lực thi cử, tạo tâm lý thoải mái học đến đâu chắc kiến thức đến đó. Tôi đang áp dụng “Thiết bị hỗ trợ phần mềm chấm trắc nghiệm TNMaker” do hai học sinh của trường và tôi cùng thực hiện từ năm học 2019-2020, để rút ngắn thời gian chấm bài kiểm tra trắc nghiệm, dành thêm thời gian hỗ trợ các em mở rộng thêm kiến thức nâng cao”.

Chọn thực hiện 2 mô hình mới: “Vườn rau an toàn” và “Hoa viên trường học”, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, thành phố Vị Thanh đang nỗ lực xây dựng hai mô hình thật chất lượng dành cho học sinh. Ông Lê Thanh Tuấn, Phó Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Những năm học trước, trường thực hiện mô hình “Mảng tường kiến thức”, “Lớp học thân thiện”… rất hiệu quả. Các mô hình không chỉ giúp học sinh chăm học, yêu thương thầy cô, bạn bè hơn mà còn giáo dục kỹ năng tham gia giao thông an toàn, nói không với bạo lực học đường. Năm học này, phát huy hơn nữa cơ sở vật chất, phòng lớp khang trang hiện có, trường phát động thực hiện mô hình “Vườn rau an toàn” và “Hoa viên trường học” thực hiện chất lượng 2 mô hình, tăng cường vẻ mỹ quan trường học, giúp rèn luyện, tăng cường hơn nữa giáo dục kỹ năng sống cho các học sinh trường…

Tùy theo điều kiện thực tế, mỗi trường sẽ chọn và thực hiện mô hình, giải pháp hiệu quả để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống hiệu quả. Bà Trần Thị Huyền, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Thực hiện đổi mới, sáng tạo trong hoạt động dạy và học, tôi đề nghị các trường nhân rộng mô hình hay, sáng tạo trong trường học. Các trường tiếp tục củng cố, phát triển các mô hình hiện có, đa dạng các hình thức, nội dung sinh hoạt câu lạc bộ, hoạt động phong trào tạo sân chơi học tập, rèn luyện đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh phù hợp, khuyến khích các em tham gia các mô hình, sinh hoạt trải nghiệm ngoài giờ lên lớp trong khuôn viên trường học”.

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>