Kiểm tra học kỳ phản ánh đúng năng lực học sinh

13/12/2022 | 05:38 GMT+7

Tất cả các trường học từ tiểu học đến THPT trong toàn tỉnh đang nỗ lực tăng cường, bổ sung kiến thức cơ bản, ôn tập khoa học, để kỳ kiểm tra chất lượng học kỳ I năm học 2022-2023, phản ánh đúng năng lực học sinh.

Học sinh lớp 9A8, Trường THCS Nguyễn Văn Quy, huyện Châu Thành, ôn tập trong giờ học tiếng Anh.

Điểm mới...

Điểm mới của kỳ kiểm tra chất lượng học kỳ I năm nay là với khối lớp 9, đề kiểm tra 3 môn: toán, ngữ văn và tiếng Anh, sẽ do Sở Giáo dục và Đào tạo ra đề. Những năm trước đề thi ở tất cả các môn kiểm tra cấp THCS đều giao các phòng giáo dục và đào tạo ra đề. Trong đó, môn toán và tiếng Anh sở sẽ tổ chức hình thức thi: tự luận kết hợp trắc nghiệm; môn ngữ văn thi bằng hình thức tự luận.

Ông Trần Hiền Hòa, Trưởng phòng Giáo dục trung học, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Để nâng cao chất lượng kỳ kiểm tra học kỳ I, ngoài tập trung làm đề thi cho học sinh lớp 12 như hàng năm, từ năm học này đề thi 3 môn: toán, ngữ văn và tiếng Anh của học sinh khối lớp 9 sẽ do Sở Giáo dục và Đào tạo ra đề. Điểm mới này sẽ giúp học sinh làm quen dần với cấu trúc đề thi, biết chủ động học tập, không bị bỡ ngỡ trước đề thi chính thức trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trong năm học tới”.

Đây cũng là giải pháp nâng cao chất lượng kỳ tuyển sinh vào lớp 10, để các trường THPT có thêm cơ hội tuyển sinh đầu vào vào lớp 10 năm học tới chất lượng hơn. Môn toán, phần tự luận chiếm 80% tổng số điểm, phần trắc nghiệm chiếm 20% tổng số điểm. Môn tiếng Anh, phần tự luận chiếm 20%, phần trắc nghiệm chiếm 80% tổng số điểm. Môn ngữ văn, phần đọc hiểu chiếm khoảng 30% và phần làm văn chiếm khoảng 70% tổng số điểm. Các phòng giáo dục và đào tạo sẽ nhận đề, chuyển giao các trường tổ chức kiểm tra, chấm thi. Thời gian kiểm tra cũng sẽ đồng loạt trong toàn tỉnh vào ngày 26 và 27-12. Các môn còn lại, ở các khối lớp còn lại sẽ do phòng giáo dục và đào tạo thực hiện ra đề thi. Nội dung đề kiểm tra: tập trung trong học kỳ I, năm học 2022-2023.

Hiện các trường đã và đang đưa ra các biện pháp ôn luyện hiệu quả, ôn tới đâu, chắc tới đó. Cô Cao Ngọc Ái Diễm, giáo viên tiếng Anh, Trường THCS Nguyễn Văn Quy, huyện Châu Thành, cho biết: “Để học sinh không bị “ngán” với môn thi tiếng Anh, tôi yêu cầu các em học tới đâu làm bài tập đến đó, sau mỗi bài học, các em rèn và học các từ mới để không bị bỡ ngỡ, khi đề kiểm tra năm nay sẽ do Sở Giáo dục và Đào tạo ra đề, phạm vi kiến thức tuy chỉ giới hạn trong học kỳ I nhưng sẽ không hề dễ”.

Khuyến khích giáo viên dành thời gian 5-10 phút sau khi tiết học kết thúc để kiểm tra lại lượng kiến thức học sinh tiếp thu, học sinh chủ động ôn bài sau mỗi môn học, bà Bạch Thị Duy Liên, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quí Đôn, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Cách dạy học đó sẽ giúp học sinh trong quá trình ôn tập giải quyết luôn những khúc mắc. Những chỗ chưa hiểu, học sinh hỏi thầy cô và bạn bè ngay. Còn nếu hiểu bài rồi các em có thể tranh thủ làm thêm bài tập nâng cao. Học tới đâu chắc tới đó, giúp giáo viên nắm được năng lực từng em để ôn tập hiệu quả hơn”.

Học chương trình mới: Nội dung, hình thức kiểm tra sẽ mới

Ông Đỗ Thanh Hùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Hữu Hạnh 6, huyện Châu Thành, cho biết: “Ở những khối lớp 1, lớp 2 và lớp 3 thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên phải thay đổi cách dạy học, hình thức kiểm tra đánh giá cũng phải khác. Tập trung theo hướng thực tế, kiểm tra ứng dụng nhiều hơn. Tùy theo từng khối lớp, trường tổ chức ra đề thi phù hợp để đánh giá kỹ năng đọc thông, viết thạo của học sinh, việc ứng dụng làm các bài tập để đánh giá năng lực học tập thực tế của từng em…”.

Đổi mới cách ra đề, không để học sinh học tủ, là cách Trường THPT chuyên Vị Thanh thực hiện trong kỳ kiểm tra học kỳ I này. Ông Lưu Văn Lập, Phó Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Chúng tôi yêu cầu các giáo viên ôn tập cho học sinh các khối lớp thật khoa học, nhẹ nhàng, không áp lực. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hướng đến mục tiêu, định hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học. Vì vậy, đề kiểm tra và đánh giá kết quả học tập của học sinh lớp 10 năm nay, trường có đổi mới trong cách ra đề, hạn chế tình trạng học thuộc lòng, ghi lại, chép lại các kiến thức lý thuyết, thay vào đó là các tình huống thực tiễn để học sinh vận dụng kiến thức giải quyết”.

Dồn sức ôn tập cho kỳ kiểm tra này, em Nguyễn Ngọc Đầy, học sinh lớp 12A2, Trường THPT Lê Hồng Phong, huyện Vị Thủy, cho biết: “Thầy cô nói đợt kiểm tra này đề thi khối lớp 12 do Sở Giáo dục và Đào tạo ra đề, cấu trúc, hình thức thi sẽ giống như tổ chức thi tốt nghiệp THPT. Đề ra không đánh đố học sinh, nhưng không dễ nên chúng em cần thi hết mình. Từ kỳ thi sẽ giúp chúng em quen dần, để không bị bỡ ngỡ khi kỳ thi tốt nghiệp chính thức diễn ra”. 

Xác định “Dạy - học đến đâu, chắc đến đó” các thầy, cô giáo, từng em học sinh đang nỗ lực, để có một kỳ kiểm tra chất lượng. Kết quả học kỳ I là cơ sở quan trọng để các trường, giáo viên điều chỉnh, xây dựng kế hoạch giảng dạy phù hợp, nhất là ở các lớp giảng dạy theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đề thi với khối 9 và 12 sẽ do Sở Giáo dục và Đào tạo ra

Học sinh lớp 9 sẽ kiểm tra tập trung trong 2 ngày 26 và 27, với 3 môn thi: toán, tiếng Anh và ngữ văn; học sinh lớp 12 kiểm tra trong 4 ngày 26, 27, 29 và 30-12, với 9 môn thi: toán, ngữ văn, tiếng Anh, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, giáo dục công dân, địa lý; đề thi, thời gian thi do Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện.

Sở yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo, trường THPT tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc ở tất cả các khâu từ sao in đề, coi thi, chấm thi và nhận xét, đánh giá học sinh. Các phòng giáo dục và đào tạo chỉ đạo tổ chức kiểm tra các môn còn lại, các khối lớp THCS, cấp tiểu học tự sắp xếp thời gian kiểm tra phù hợp, thời gian hoàn thành trước ngày 15-1-2023.

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>