Trường chuẩn Quốc gia Hậu Giang đứng đầu khu vực: Khi Nghị quyết đi vào cuộc sống

26/01/2023 | 06:19 GMT+7

Với quyết tâm cao, Hậu Giang phấn đấu đạt tỷ lệ 85% trường đạt chuẩn quốc gia vào năm 2025, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025.

Bài 1: Khát vọng nâng tầm chất lượng giáo dục

Ngành giáo dục và đào tạo tỉnh đã tạo được sự bứt phá ngoạn mục khi xây dựng thành công đến 6 trường tiểu học, THCS đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 trong năm 2022, riêng hành trình xây dựng trường chuẩn mức độ 1 cũng đạt được những kết quả rất đáng trân trọng.

Cơ sở vật chất khang trang, hiện đại tại Trường THCS Tân Hòa, huyện Châu Thành A. Trường đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 năm 2022.

Dấu ấn chất lượng từ sự đột phá

Ông Nguyễn Hùng Nhiên, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, chia sẻ: “Tôi vui khi biết tỉnh mình là một trong những tỉnh, thành dẫn đầu xây dựng trường chuẩn quốc gia khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2022, khi có đến 3 trường tiểu học, 3 trường THCS được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Đây là con số rất ấn tượng 18 năm qua tỉnh chưa hề có trường đạt chuẩn mức độ 2 ở cấp THCS, bởi mức chuẩn này rất cao và điều tưởng khó nhưng tỉnh đã làm được”.

Khi cơ sở vật chất được đầu tư, học sinh được thỏa sức thể hiện niềm đam mê hội họa trên giá vẽ tại các trường học.

Xuân này trở nên đặc biệt ở Hậu Giang, khi có đến 3 trường nâng tầm chất lượng, lần đầu tiên đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 ngoạn mục. Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, phấn khởi: “Trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 đã khó, vươn lên chuẩn quốc gia mức độ 2 khó hơn nhiều, nhưng không phải là tỉnh không thể đầu tư, trường không làm được. Tự hào lắm, xuân này giáo dục Hậu Giang đã có con số ấn tượng, khi có gần 83% trường học từ mầm non đến THPT đạt chuẩn, vượt chỉ tiêu phân kỳ hàng năm gần 1% trong năm 2022 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2020-2025”.

Theo đó, Trường THCS Thuận Hưng, Trường THCS Trương Tấn Lập (huyện Long Mỹ) và Trường THCS Tân Hòa (huyện Châu Thành A) lần lượt được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 vào đầu năm học 2022-2023, là một minh chứng rõ ràng cho sự quan tâm, hỗ trợ, đầu tư kịp thời cả về tinh thần lẫn vật chất của tỉnh để ngành giáo dục và đào tạo đột phá về chất lượng.

Trường THCS Trương Tấn Lập chủ động xây dựng lớp học chất lượng.

Nhìn từng nhóm học sinh thích thú trong tiết hoạt động trải nghiệm ngoài sân trường rộng, mát mẻ, bàn luận rôm rả các món bánh, mứt cổ truyền ngày tết, ông Nguyễn Văn Bé Sáu, Hiệu trưởng Trường THCS Trương Tấn Lập, huyện Long Mỹ, bộc bạch: “Hai mùa nước nổi qua, học sinh trường đã không lo cảnh xắn quần lội nước vào lớp học nữa. Nhiệm vụ của trường là phải khai thác, sử dụng sao cho cơ sở vật chất, thiết bị học tập phát huy hiệu quả đến mức cao nhất. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”. Trường THCS Trương Tấn Lập hiện đã có tổng số 36 phòng học, phòng chức năng. Trường có 19 lớp học, với 670 học sinh, đảm bảo mỗi lớp có 1 phòng học, 2 phòng máy vi tính với hơn 40 máy đang hoạt động tốt, 1 phòng học tiếng Anh với màn hình cảm ứng hiện đại…

Thành tích mới mang theo kỳ vọng cao

Niềm vui nhân đôi, động lực dạy và học tập tăng gấp bội, chính là không khí tại các trường vào dịp tết về.

Bà Trần Thị Chính, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, cho biết: “Vui lắm khi nhớ lại đúng dịp khai giảng năm học mới, trường vinh dự được công nhận trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục mức độ 3 và đón nhận danh hiệu trường chuẩn quốc gia mức độ 2. Nâng chuẩn mức độ 2, trường được đầu tư mới 7 phòng học đạt chuẩn, kinh phí xây dựng trung bình mỗi phòng học gần 800 triệu đồng…”. Trường Tiểu học thị trấn Cái Tắc được biết đến là một trong 4 trường luôn giữ vững thành tích cao trong phong trào thi viết chữ đẹp và thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.

Niềm vui của học sinh khi được học tập và bổ sung kiến thức trong phòng lớp rộng thoáng, mát mẻ.

Nếu năm 2012, chỉ có Trường Tiểu học Hùng Vương (thành phố Ngã Bảy), là ngôi trường đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, sau đó lần lượt là Trường Tiểu học Vĩnh Thuận Đông 2 (huyện Long Mỹ) năm 2018, Trường Tiểu học thị trấn Nàng Mau 1 (huyện Vị Thủy), Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (thành phố Vị Thanh) và Trường Tiểu học Đông Phú 1 (huyện Châu Thành) năm 2020, thì năm 2022, niềm vui ấy lại tiếp tục nhân đôi lên, khi Trường Tiểu học Kim Đồng, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (thành phố Vị Thanh) và Trường Tiểu học thị trấn Cái Tắc (huyện Châu Thành A), cùng đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Sau 1 năm học đặc biệt, vừa phải linh hoạt học tập để đảm bảo chất lượng chương trình giảng dạy, vừa phải phòng, chống dịch Covid-19, nhưng cấp tiểu học vẫn đảm bảo thành tích. Thành phố Vị Thanh trở thành địa phương có nhiều trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 nhất, với 3 trường.

Ông Phan Văn Nhớ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vị Thanh, cho biết: “Trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 hơn mức độ 1 ở việc đầu tư hoàn thiện tiêu chuẩn cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, đảm bảo đầy đủ phòng học bộ môn, phải có phòng học đa năng, khối phục vụ học tập đầy đủ trang thiết bị để học sinh học tập, sinh hoạt vui chơi. Tiêu chuẩn hoạt động giáo dục, kết quả giáo dục ở mức cao hơn, tạo tiền đề tiếp cận với trình độ phát triển trường học ở các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới”.

Đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm được trang bị thiết bị dạy học đầy đủ giúp phát huy tốt năng lực bản thân.

Có được thành quả xây dựng trường chuẩn như hiện nay là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh và các địa phương, với nhiều giải pháp đã được thực hiện: Tranh thủ các nguồn lực, lồng ghép vào các chương trình mục tiêu quốc gia như trong xây dựng xã nông thôn mới để hỗ trợ kinh phí cho địa phương khó khăn, ưu tiên quỹ đất mở rộng, xây dựng trường học.

Xây dựng trường chuẩn quốc gia đã giúp thay đổi mạnh mẽ diện mạo và chất lượng giáo dục ở từng trường học trong địa bàn. Hoạt động này đã trở thành điểm sáng, nhân rộng các mô hình dạy học tích cực và là giải pháp đột phá để ngành giáo dục và đào tạo nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện.

Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết thêm: “Năm 2023, ngành sẽ tập trung nâng cao chất lượng trường đã đạt chuẩn và kiểm tra để công nhận tiếp tục các trường đến niên hạn. Bằng tất cả nội lực, tranh thủ ngoại lực, ngành giáo dục và đào tạo phối hợp cùng với địa phương quyết tâm nâng chuẩn các trường theo lộ trình thật chất lượng, phấn đấu đến năm 2025 có 85% trường đạt chuẩn quốc gia từ mầm non đến THPT”.

Quyết tâm dồn sức xây trường chuẩn: Không vì số lượng xem nhẹ chất lượng!

         Tăng gần 33 lần trường chuẩn mức độ 1, 11 lần trường chuẩn mức độ 2

Đây là những con số nổi bật so với thời điểm mới chia tách tỉnh vào năm 2004. 19 năm thành lập tỉnh, Hậu Giang hiện có 263/317 trường từ mầm non đến THPT đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 (có 8 trường tiểu học, 3 trường THCS đạt mức độ 2), tỷ lệ 82,97%, vượt chỉ tiêu tỉnh giao năm 2022.

 

Bài , ảnh: CAO OANH

-----------------

Bài 2: “Chìa khóa vàng” nâng chất lượng giáo dục toàn diện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>