Học sinh yếu, kém, chưa hoàn thành chương trình: Có còn cơ hội lên lớp ?

26/07/2022 | 08:07 GMT+7

Các trường học đang tận dụng thời gian này để rèn luyện hè, bồi dưỡng kỹ năng, giúp học sinh cải thiện năng lực học tập các môn còn yếu, không để học sinh “ngồi nhầm lớp”, phụ đạo hè được xem như trao thêm cho các em một cơ hội.

Giờ học phụ đạo hè của cô và trò Trường Tiểu học thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A.

Học sinh không đạt yêu cầu sau rèn luyện hè phải ở lại lớp

Cô Lê Thị Bảo Anh, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A4, Trường Tiểu học thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Lớp tôi có 2 em phải rèn luyện lại trong hè. 2 em này năng lực tiếp thu khá chậm, nhất là phần đọc, nên phải dạy từ từ, kỹ lại cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết ở mức độ cơ bản nhất. Tôi cũng phối hợp chặt với phụ huynh cùng ôn, động viên, rèn luyện thêm ở nhà để các em tiến bộ tốt ở môn học tiếng Việt còn yếu”. Sau hơn 1 tháng phụ đạo, chỉ 1 học sinh lớp cô Bảo Anh đủ điều kiện lên lớp, khi năng lực học tập của em đã cải thiện rõ rệt, đọc thông, viết thạo; còn 1 học sinh sẽ phải ở lại học lớp 1 do kỹ năng đọc vẫn không đạt yêu cầu.

Kết thúc năm học 2021-2022, Trường Tiểu học thị trấn Cái Tắc có tỷ lệ học sinh hoàn thành, hoàn thành tốt chương trình năm học đạt hơn 97%, còn khoảng 2,7% học sinh chưa hoàn thành (với 33 học sinh) thuộc khối lớp 1, lớp 2. Bắt đầu từ ngày 10-6, trường đã tổ chức phụ đạo cho học sinh chưa hoàn thành chương trình học, bố trí 9 giáo viên chủ nhiệm lớp phụ đạo cho các em vào 3 buổi sáng/tuần. Trong đó, tập trung vào rèn luyện các kiến thức, kỹ năng cơ bản cho 2 môn là toán và tiếng Việt. So với năm học 2020-2021, tỷ lệ học sinh phải phụ đạo hè của trường năm nay nhiều hơn khoảng 0,7%.

Bà Trần Thị Chín, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Khối lớp 1 và lớp 2 do các em còn quá nhỏ, học qua truyền hình trong đợt phòng dịch Covid-19 nên hạn chế kỹ năng, phụ huynh ít quan tâm nên yếu kiến thức cả 1 học kỳ, dù giáo viên luôn nhiệt tình hỗ trợ khi trở lại học trực tiếp nhưng nhiều em năng lực yếu không nắm bắt kịp. Chúng tôi xác định, chất lượng là ưu tiên hàng đầu. Phụ đạo phải tạo được sự chuyển biến rõ rệt trong năng lực học tập của học sinh, để không một học sinh nào “ngồi nhầm lớp”. Sau phụ đạo, nhà trường tổ chức kiểm tra lại kiến thức học sinh 1 lần nữa. Em nào tiến bộ sẽ cải thiện điểm số và xét lên lớp. Học sinh nào không đạt yêu cầu sẽ ở lại lớp”.

Kết thúc năm học 2021-2022, ở cấp tiểu học tỷ lệ học sinh chưa hoàn thành chương trình học với môn toán là 1,2% (tăng 0,5%) môn tiếng Việt là 1,65% (tăng 0,76% so với năm học trước)…

Khó khăn trong việc phụ đạo hè cho các em học sinh này là năng lực học tập của các em quá yếu, ý thức học tập một số em chưa cao… Tìm hiểu nguyên nhân, nhiều giáo viên chia sẻ, có em do trí tuệ chậm, phát triển kém, sức khỏe yếu nghỉ học nhiều, có em do sự lười học lâu ngày thành ra hỏng kiến thức, không có động cơ học tập, do hoàn cảnh khó khăn, điều kiện học tập thiếu thốn, cha mẹ thiếu quan tâm đến việc học của con, một số học sinh chưa có phương pháp học tập khoa học dẫn đến bị thụt lùi trong thời gian chuyển sang học trực tuyến, học qua truyền hình để phòng dịch Covid-19. Nguyên nhân này ảnh hưởng nhiều là đối với cấp tiểu học, nhất là đối với lớp 1, lớp 2…

Tạo thêm cho các em một cơ hội

Dốc hết sức khi học kỹ từng phần theo tài liệu được giáo viên giao, N.V.B, học sinh Trường THPT Chiêm Thành Tấn, bộc bạch: “Do học không tốt nên hè này em phải ôn tập để kiểm tra lại môn ngữ văn. Vừa có kết quả kiểm tra, điểm số của em đã được cải thiện và được lên lớp 11. Nhờ thầy cô đã tận tình hướng dẫn, rèn lại kỹ năng mà em có thêm động lực học tập”.

Năm học 2021-2022, Trường THPT Chiêm Thành Tấn chỉ có duy nhất 1 học sinh khối lớp 10 có học lực yếu, phải phụ đạo hè để không bị lưu ban ở lại lớp. Ông Nguyễn Quốc Sở, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Dạy và thi phải chất lượng, vì sự tiến bộ của học sinh, dù 1 học sinh yếu, nhà trường vẫn cử giáo viên hướng dẫn, phụ đạo. Tôi yêu cầu mỗi giáo viên quan tâm, tạo động lực để nâng cao ý thức học tập cho học sinh. Dạy, giao bài tập, bổ trợ từ những kiến thức cơ bản nhất để em tiếp thu, tiến bộ dần đến đạt yêu cầu”.

Để mỗi học sinh đều đọc thông, viết thạo khi lên lớp, Trường Tiểu học Hòa An 1, huyện Phụng Hiệp tổ chức phụ đạo hè cho 27 học sinh trường có năng lực học tập chưa tốt. Cô Phạm Thị Thanh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trường có 27/321 học sinh toàn trường cần rèn luyện trong hè. Trong đó, khối lớp 1, lớp 2 chiếm nhiều nhất. Các em này đã hoàn thành chương trình học nhưng ở một vài kỹ năng như nghe, đọc hay viết, nói… còn yếu, chậm nên nhà trường bố trí giáo viên hỗ trợ, rèn luyện, 3 buổi/1 tuần. Chúng tôi rèn luyện cho học sinh từ ngày 15-6 đến nay, cuối tháng 7 sẽ kết thúc và cho kiểm tra lại, để tất cả học sinh lên lớp đều phải đáp ứng được các kỹ năng đọc thông, viết thạo, làm toán đạt yêu cầu”.  

Phụ đạo, rèn luyện hè không chỉ là thêm 1 cơ hội để học sinh bổ sung lại được kiến thức cơ bản đang thiếu mà còn là hoạt động tạo nền tảng vững chắc, hình thành những kỹ năng cao hơn, đem lại sự tự tin cho các em trong học tập cho năm học mới. Các trường học đã linh hoạt trong mọi hình thức như phụ đạo dạy trực tiếp ở trường, giao bài cho học sinh rèn luyện ở nhà, hỗ trợ qua zalo học tập... Ông Hồ Văn Bé Hai, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học - Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo, chia sẻ: “Tuy là học phụ đạo, nhưng yêu cầu quá trình rèn luyện giáo viên phải tâm lý, nhẹ nhàng, thoải mái trong tiết học để tạo động lực vươn lên, tự tin trong học tập cho các em. Có phụ đạo sẽ có kiểm tra, đánh giá lại quá trình tiến bộ của học sinh. Quan trọng là mỗi em lên lớp đều có sự cải thiện thành tích học tập rõ rệt. Yêu cầu mọi hoạt động ra đề kiểm tra, đánh giá, nhận xét học sinh đều phải khách quan, minh bạch, công bằng… phản ánh đúng năng lực học sinh”.

Dạy để học sinh học giỏi đã khó, nhưng để vực dậy được tinh thần học tập của từng học sinh yếu, kém, năng lực học tập chưa tốt càng khó khăn bội phần.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, nhấn mạnh: “Mỗi thầy, cô giáo hãy luôn là người đồng hành, hướng dẫn, chia sẻ, động viên kịp thời đối với học sinh năng lực học chưa tốt. Thầy cô phải tùy theo từng đối tượng học sinh, quan sát, có biện pháp phù hợp để hỗ trợ kịp thời, tiếp thêm động lực cho các em tự tin trong học tập, phấn đấu vươn lên cải thiện thành tích, năng lực học tập của bản thân, học chăm chỉ, chất lượng vì tương lai học sinh”.

Tỷ lệ học sinh chưa hoàn thành chương trình ở cấp tiểu học tăng

 

Kết thúc năm học 2021-2022, ở cấp tiểu học tỷ lệ học sinh chưa hoàn thành chương trình học hơn 1,3% (trong đó, chưa hoàn thành với môn toán là 1,2% (tăng 0,5%) môn tiếng Việt là 1,65% (tăng 0,76% so với năm học 2020-2021); ở cấp THCS học sinh xếp loại học lực yếu, kém chiếm 3,21% (giảm hơn 1,7%) và ở cấp THPT tỷ lệ học sinh yếu, kém là 4,1% (giảm hơn 0,4% so với năm học trước). Với học sinh chưa hoàn thành chương trình học đối với cấp tiểu học, học sinh yếu, kém cấp THCS, THPT sẽ được phụ đạo hè, sau đó có đợt kiểm tra để đánh giá lại năng lực học tập.

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>