Giáo dục thường xuyên bớt lo nhưng còn khó...

27/10/2023 | 08:03 GMT+7

Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - giáo dục thường xuyên (GDTX) tại tỉnh năm học mới này tuyển sinh khả quan hơn mọi năm, số lượng lớp tăng lên, thực hiện những giải pháp nâng cao chất lượng dạy học. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn đang tồn tại...

Số lượng học sinh theo học tại các trung tâm GDNN-GDTX những năm gần đây đã tăng đáng kể.

“Tuyển được 1 lớp 10 đã là rất quý”

Đến các trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn tỉnh không khó bắt gặp không khí học tập nhộn nhịp. Ông Lê Văn Mai, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Năm nay, học sinh đầu cấp lớp 10 tuyển được 3 lớp với khoảng 120 học sinh, tăng 1 lớp so với năm học trước. Được UBND huyện quan tâm, năm học này trung tâm mở được 1 lớp 10 đặt trên địa bàn xã Tân Long, nhờ vậy, chúng tôi đảm bảo tuyển sinh đạt mục tiêu đề ra từ số học sinh trường THPT phân luồng”.

Thay vì đến tận nhà để vận động học sinh tốt nghiệp THCS không thi đậu vào trường THPT, để theo học tại trung tâm, nay nhiều người học đã chủ động đến đăng ký học. Ông Đinh Trung Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Long Mỹ, thông tin: “Tuy tình hình tuyển sinh lớp 10 ở trung tâm không bằng các đơn vị bạn, nhưng nhìn chung hệ GDTX đã bắt đầu khởi sắc được học sinh và phụ huynh quan tâm. Lớp 10 năm nay, trung tâm tuyển được 16 học sinh, hiện cơ sở vật chất phải mượn nhờ của Trường THPT Tây Đô trên địa bàn, nên mỗi năm tuyển được 1 lớp đã là rất quý”.

Là một trong những đơn vị được đánh giá cao về công tác tuyển sinh đầu cấp và chất lượng dạy học, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Châu Thành A tiếp tục tuyển sinh vượt kế hoạch đề ra. Trung tâm tuyển được 4 lớp 10, với khoảng 180 học sinh đăng ký theo học. Ông Hồ Thanh Trí, Giám đốc Trung tâm, cho biết: “Phụ huynh đã thay đổi cách nhìn về GDTX rất nhiều, họ không còn nghĩ trung tâm chỉ là một nơi bổ túc văn hóa như trước. Nhờ vậy, số lượng học sinh theo học những năm gần đây đều tăng đáng kể qua mỗi năm. Bên cạnh quan tâm đầu tư cho công tác giảng dạy, chúng tôi chú trọng phụ đạo học sinh yếu, tạo điều kiện cho học sinh khá, giỏi nghiên cứu sáng tạo”.

Nhiều khó khăn cần được tháo gỡ...

So với cách đây 3 năm, tình hình tuyển sinh ở hệ GDTX đã có nhiều thay đổi tích cực, nếu trước đây mỗi năm học mới, các trung tâm chỉ tuyển được 1 lớp với khoảng 12 đến 30 học sinh, nay số lượng này đã tăng gấp đôi, gấp ba. Tuy nhiên, khi số lượng học sinh tăng, đang kéo theo tình trạng thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên.

Không đảm bảo cơ sở vật chất, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Long Mỹ cũng không có đội ngũ giáo viên để thực hiện chức năng ở hệ GDTX. Để khắc phục khó khăn trên, nhiều năm nay, trung tâm này phải mượn 1 phòng và thỉnh giảng giáo viên trường THPT trên địa bàn.

Nhiều trung tâm khác cũng có những khó khăn tương tự. Ông Nguyễn Kim Cương, Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Châu Thành, chia sẻ: “Năm nay, trung tâm có 4 lớp 10, tăng thêm 1 lớp so với năm học trước, về cơ sở vật chất hiện đơn vị tổ chức cho học sinh học chéo buổi. Riêng về đội ngũ giáo viên, chúng tôi có 10 giáo viên bộ môn, thiếu 1 giáo viên địa lý từ năm 2014 đến nay, dù đã có tham mưu xin tuyển dụng thêm nhưng vẫn không có nguồn tuyển. Khó khăn lớn nhất của trung tâm hiện nay là có giáo viên tin học, nhưng thiết bị máy tính để giảng dạy không còn đáp ứng nhu cầu. Rất mong UBND huyện, Sở Giáo dục và Đào tạo xem xét, đầu tư thêm trang thiết bị để trung tâm giảng dạy môn tự chọn cho học sinh là tin học. Có giáo viên, nhu cầu học sinh có, nhưng không có thiết bị sẽ lãng phí nguồn lực”. Năm học 2023-2024, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Châu Thành có khoảng 339 học sinh theo học ở 9 lớp. 

Thực tế khi năm thứ hai triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, hầu hết các trung tâm GDNN-GDTX phải đối diện nhiều khó khăn. Ông Hồ Thanh Trí, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Châu Thành A, bộc bạch: Cơ sở vật chất, phòng học, phòng học bộ môn, phòng thiết bị, thư viện, thiết bị dạy học ở các trung tâm đa phần chưa đáp ứng đủ số lượng, điều kiện tiêu chuẩn theo quy định. Thiết bị phục vụ thực hành thí nghiệm hầu như không có, đa phần các lớp “dạy chay” là chính. Chúng tôi rất muốn xin được đầu tư, bởi những năm gần đây chất lượng đầu ra của hệ GDTX đã được tính bằng với học sinh các trường THPT”.

Không chỉ khó về cơ sở vật chất, trang thiết bị, theo Trung tâm GDNN-GDTX huyện Châu Thành A, khó khăn về đội ngũ giáo viên cũng là rào cản lớn trong nâng cao chất lượng. “Do trước đây, hệ GDTX tuyển sinh gặp khó, một số giáo viên đã xin chuyển công tác, rồi số ít bị cắt giảm, khi tuyển sinh khởi sắc, đa phần các trung tâm đều thiếu giáo viên giảng dạy. Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi phải thỉnh giảng giáo viên từ các trường THPT, ngoài ra phải trả kinh phí quy mô dạy thêm giờ cho giáo viên, khiến các trung tâm gặp khó nhiều hơn trong khi nguồn thu hệ GDTX không nhiều”, ông Hồ Thanh Trí, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Châu Thành A, chia sẻ thêm.

Học ở hệ GDTX, chương trình tuy giảm một phần khối lượng kiến thức so với THPT, nhưng chuẩn đầu ra khi tốt nghiệp là như nhau và được cấp cùng một bằng tốt nghiệp THPT. Vì vậy, để góp phần đưa chất lượng hệ GDTX từng bước ngang bằng với các trường THPT là con đường dài và có những khó khăn phải từng bước được tháo gỡ...

Trên địa bàn tỉnh hiện có 7 trung tâm GDNN-GDTX tại huyện Vị Thủy, thị xã Long Mỹ, huyện Long Mỹ, huyện Phụng Hiệp, thành phố Ngã Bảy, huyện Châu Thành, huyện Châu Thành A và Trung tâm GDTX tỉnh đặt tại thành phố Vị Thanh có chức năng giảng dạy chương trình THPT hệ GDTX.

Năm học 2023-2024, qua số liệu thống kê thực hiện công tác tuyển sinh đầu cấp lớp 10, toàn tỉnh có khoảng 991 học sinh tốt nghiệp THCS đăng ký học chương trình THPT ở hệ GDTX tại các trung tâm. 

 

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích