Giáo dục nghề nghiệp linh hoạt giữa khó khăn

11/01/2022 | 08:38 GMT+7

Năm qua là một năm đầy khó khăn với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, bằng sự chủ động, linh hoạt, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh nỗ lực đảm bảo được chất lượng giảng dạy.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh linh hoạt trong tuyển sinh và mở các lớp phù hợp trong một năm nhiều biến động. (Ảnh chụp trước đợt dịch)

Chủ động khắc phục khó khăn

Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, nơi có thực hiện chức năng đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh có nhiều quyết tâm thu hút người học. Hàng năm, các trung tâm đều phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn để điều tra, khảo sát, xây dựng kế hoạch tuyển sinh, chọn lựa nghề phù hợp với đặc điểm, thế mạnh của địa phương. Ông Hồ Thanh Trí, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Dựa trên nhu cầu người lao động của địa phương, mỗi đầu năm, chúng tôi sẽ triển khai kế hoạch vận động, tuyên truyền để thu hút học viên tham gia học nghề. Năm 2021, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng do từ đầu năm chúng tôi đã chủ động chiêu sinh mở lớp, nên đến cuối năm qua, trung tâm đã hoàn thành chỉ tiêu đào tạo nghề được giao”.

Tính đến cuối năm 2021, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Châu Thành A mở được 12 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, với khoảng 300 học viên tham gia đào tạo. Hiện tại, trung tâm đã phối hợp với các xã, thị trấn và các tổ chức, đoàn thể tổ chức thăm dò nắm bắt nhu cầu học tập của người dân. Qua đây, khi được giao chỉ tiêu cụ thể cho năm 2022, trung tâm sẽ mở các lớp nghề đáp ứng kịp thời nhu cầu cho học viên.

Còn ông Lê Văn Mai, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Do dịch Covid-19, nên việc mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm nay gặp rất nhiều khó khăn. Nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch mỗi lớp đều chia đôi để giảng dạy. Thông thường, các lớp đào tạo nghề được mở tại địa phương, nên giáo viên ngoài phải trực tiếp xuống địa bàn để giảng dạy, thì việc chia lớp nhỏ mỗi lớp cũng làm giáo viên mất nhiều thời gian hơn”.

Năm 2021, trung tâm đã mở được 12 lớp đào tạo nghề: đan dây nhựa, may, xây dựng… Theo chia sẻ của Ban Giám đốc trung tâm, khó khăn nhất trong công tác đào tạo nghề hiện nay, là một số trang thiết bị dạy nghề lạc hậu. Một số nghề khi người lao động đã học tại trung tâm, sau khi hoàn thành khóa học đến làm việc ở công ty, học viên phải mất thời gian tiếp cận lại với thiết bị hiện đại.

Linh hoạt trong tuyển sinh

Ngay từ đầu năm 2021, Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang đã lên phương án trực tiếp đến từng trường THCS, THPT để tư vấn, tuyển sinh cho năm học 2021 - 2022. Thế nhưng, do dịch Covid-19 bùng phát đúng vào cao điểm tuyển sinh, để đảm bảo kế hoạch đề ra, trường đã linh động chuyển sang phương án tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến qua trang zalo, facebook, đài phát thanh… Nhờ đó, trường đã tuyển sinh được 671/735 chỉ tiêu đăng ký xét tuyển vào các ngành bậc trung cấp và cao đẳng, đạt gần 92% kế hoạch được giao trong năm 2021.

Bà Nguyễn Thị Thúy Kiều, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang, chia sẻ: “Để thích ứng với tình hình thực tế, trong năm 2021, Ban Giám hiệu nhà trường đã ban hành hẳn quy chế về đào tạo trực tuyến, tuyển sinh trực tuyến và thi năng khiếu trực tuyến… nhằm đảm bảo các kế hoạch hoạt động của trường không vì chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà gián đoạn. Trong năm, trường tăng cường công tác tuyền thông qua các kênh cũng như, đẩy mạnh tương tác qua zalo, facebook với người học có nhu cầu. Trường còn xây dựng kênh Youtube để đăng tải các thông tin tuyển sinh của trường”.

Những năm gần đây, công tác tuyển sinh ở các trường trung cấp, cao đẳng được đánh giá là rất khó khăn, các trường phải nỗ lực rất nhiều để có thể hoàn thành chỉ tiêu đề ra trong năm. Nếu những năm trước, để hoàn thành đạt kế hoạch tuyển sinh, bộ phận tư vấn, tuyển sinh phải trực tiếp đến các trường để tư vấn, giới thiệu về ngành nghề, cơ hội việc làm cho học sinh và phụ huynh, thì năm nay mọi công việc đều chỉ có thể thực hiện gián tiếp. Dù cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhưng bằng sự chủ động riêng, các trường đã tự khắc phục được khó khăn và hoàn thành khá tốt kế hoạch tuyển sinh năm qua.

Ông Thái Quốc Phong, quyền Trưởng phòng Đào tạo và Công tác học sinh, sinh viên, Trường Cao đẳng Luật miền Nam, thông tin: “Tính đến thời điểm hiện nay, nhà trường đã tuyển sinh đạt 110% kế hoạch của nghề trung cấp pháp luật và đạt 100% các ngành ở bậc cao đẳng. Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, công tác tư vấn, tuyển sinh trực tiếp tại trường và các địa phương không thể triển khai theo đúng kế hoạch. Những tháng cuối năm, chúng tôi phải chạy nước rút để đảm bảo hoàn thành được chỉ tiêu đề ra trong năm”.

Trường Cao đẳng Luật miền Nam đã chủ động xác định chỉ tiêu tuyển sinh cho năm 2022. Theo đó, dự kiến trong quý I-2022, trường sẽ tập trung tuyển sinh cho nghề trung cấp pháp luật với 150 chỉ tiêu; riêng quý II và III đẩy mạnh công tác tuyển sinh cho các ngành ở bậc cao đẳng.

Hiện nay, tỉnh chưa có chủ trương cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đón học sinh, sinh viên và học viên trở lại trường học trực tiếp. Dù vậy, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động lên phương án để có thể tổ chức dạy ngay sau khi có chủ trương đón học sinh, sinh viên, học viên trở lại, phối hợp cơ quan y tế tiến hành vệ sinh khử khuẩn các lớp học, nhà xưởng, trang thiết bị đào tạo và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện vệ sinh phòng bệnh...

Khi học viên, học sinh, sinh viên đi học trở lại, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức thông tin, tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 để các em hiểu và chủ động phòng tránh; xây dựng kế hoạch đào tạo theo hướng sắp xếp giảng dạy thực hành theo từng nhóm nhỏ, tránh tập trung đông người. Bằng sự chủ động, linh hoạt, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã từng bước khắc phục khó khăn vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, vừa góp phần vào công tác phòng, chống dịch ở địa phương.

Theo thống kê từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh có 18 cơ sở giáo dục nghề nghiệp: 3 trường cao đẳng, 7 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, 3 trung tâm giáo dục nghề nghiệp tư thục và 5 cơ sở khác có tham vào đào tạo nghề. Trong đó, năm 2021 có 14 cơ sở đăng ký tuyển sinh, đào tạo ở trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Tính đến cuối năm 2021, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh được 8.908 học viên.

 

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích