Giáo dục nghề nghiệp gắn kết doanh nghiệp: Cách làm hay cần phát huy

11/06/2024 | 07:54 GMT+7

“Gắn kết cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp” là cách làm hay, góp phần quan trọng trong giải quyết những vấn đề còn tồn tại của 3 khâu: Tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm.

Sinh viên Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang được tạo điều kiện thực hành, thực tập tại doanh nghiệp, dung nạp nhiều kỹ năng thực tiễn.

Lời giải cho bài toán thiếu kỹ năng khi đã qua đào tạo

Thực tiễn cho thấy trong quá trình đào tạo lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, có 3 yếu tố quan hệ mật thiết với nhau: Tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm sau đào tạo.

Trong đó, tuyển sinh là yếu tố quan trọng đầu tiên, vì đây là khâu đầu vào, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo. Nâng cao chất lượng đào tạo là yếu tố then chốt giúp cải thiện, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sản phẩm đầu vào, góp phần khẳng định và xây dựng thương hiệu của nhà trường. Cùng với đó, giải quyết việc làm sau đào tạo là yếu tố rất quan trọng, phản ánh kết quả của khâu đào tạo và cả tuyển sinh.

Với kinh nghiệm phối hợp cùng nhiều trường cao đẳng, đại học lớn đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, bà Đinh Thị Tuyết Trinh, Giám đốc Nguồn lực của ALTA Group, cho rằng: Sinh viên tại các trường cao đẳng và đại học đã có nền tảng kiến thức vững chắc, nhưng khi ứng dụng vào thực tế tại doanh nghiệp, nhất là khi tiếp cận công nghệ mới trong quá trình làm việc còn thiếu nhiều kỹ năng. “Các trường nghề có thể nghiên cứu cách đào tạo kép trong đó, sinh viên học năm cuối có thể đề cập doanh nghiệp nhận vào đào tạo khoảng 3 tháng, sau thời gian đó doanh nghiệp tiếp tục cho các em thực tập. Mô hình đào tạo này, giúp sinh viên biết áp dụng những cái đã học vào thực tế và nhanh chóng hoà nhập môi trường làm việc, doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng khi phải đào tạo lại”, bà Tuyết Trinh nhấn mạnh.

Không chỉ hạn chế trong tiếp cận với các thiết bị, máy móc hiện đại khi làm việc, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt giữa các công ty trong nước cùng lĩnh vực, ngành nghề và những công ty nước ngoài, yêu cầu của doanh nghiệp đối với nhân viên rất cao. Ông Nguyễn Tấn Thụ, Giám đốc Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Putin, cho biết: “Qua quá trình tuyển dụng sinh viên sau khi tốt nghiệp ở các trường đại học, cao đẳng tôi nhận thấy, các em thiếu khả năng chịu áp lực công việc, nhất là những em mới ra trường. Giải quyết vấn đề này, doanh nghiệp và trường học nên có những chương trình gắn kết để các em vừa học, vừa thực hành, vừa được đào tạo. Trong đó, nhà trường dạy kiến thức chuyên môn, khoa học chuyên sâu còn ở doanh nghiệp là kiến thức thực tiễn. 

Theo các doanh nghiệp, công tác đào tạo hiện nay của các trường là đang đào tạo tổng thể, nhưng thực tế doanh nghiệp chỉ cần một lĩnh vực cụ thể. Nhiều chương trình đào tạo còn khá mơ hồ trong định hướng nghề nghiệp và đáp ứng nhu cầu thực tiễn, cho nên mới có chuyện sinh viên không biết lúc học xong ra sẽ làm công việc gì?

Đào tạo xong phải giải quyết được việc làm

Bàn vấn đề đào tạo và giải quyết việc làm ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ông Nguyễn Thanh Thế, Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm Dược phẩm - Mỹ phẩm - Thực phẩm - Thiết bị y tế tỉnh, chia sẻ: “Để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp, các trường cao đẳng cần phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để tìm hiểu rõ nhu cầu thực tế. Không nên đào tạo những cái chung chung, phải đào tạo những cái thị trường cần, có thể điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp bằng cách chú trọng khảo sát thị trường đối với từng ngành, nghề. Các trường nên thành lập hội đồng tư vấn để khi xây dựng chương trình đào tạo, có thể mời doanh nghiệp đóng góp, chương trình sát với yêu cầu xã hội góp phần khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”.

Với 22 ngành, nghề đào tạo với 10 ngành trình độ cao đẳng (thời gian đào tạo từ 2,5-3 năm) và 12 nghề trình độ trung cấp (đào tạo từ 1,5-2 năm), Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang xác định muốn tạo được thương hiệu phải làm tốt công tác tuyển sinh, xây dựng chương trình đào tạo sát thực tế và giải quyết việc làm hiệu quả cho học viên, sinh viên sau tốt nghiệp, nhưng trường nhìn nhận vấn đề này có những lúc làm chưa được tốt.

Ông Nguyễn Hữu Văn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang, chia sẻ: “Phải nhìn nhận là mình đang đào tạo những gì mình có, chưa nắm bắt theo nhu cầu của xã hội chính, khi đào tạo ra sinh viên không có việc làm, kiến thức, kỹ năng, thái độ chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Việc nhà trường gắn kết với doanh nghiệp sẽ có rất nhiều ý nghĩa quan trọng góp phần giải quyết vấn đề cung - cầu hiệu quả”.

Bức tranh tổng thể của giáo dục nghề nghiệp những năm gần đây dù đã có nhiều khởi sắc, khi công tác tuyển sinh đã bắt đầu đạt kết quả cao, tuy nhiên để khẳng định chất lượng đào tạo đòi hỏi các trường cao đẳng phải chủ động thấy rõ hạn chế, khó khăn, đặc biệt đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, của xã hội khi đào tạo bất cứ ngành nghề, lĩnh vực nào.

Theo các doanh nghiệp, công tác đào tạo hiện nay của các trường là đang đào tạo về tổng thể, nhưng thực tế doanh nghiệp chỉ cần một lĩnh vực cụ thể. Nhiều chương trình đào tạo còn khá mơ hồ trong định hướng nghề nghiệp và đáp ứng nhu cầu thực tiễn, cho nên mới có chuyện sinh viên không biết lúc học xong ra sẽ làm công việc gì?

 

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>