Giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh

24/10/2023 | 10:35 GMT+7

Nhiều trường học trên địa bàn huyện Phụng Hiệp đã có cách làm hay, bổ ích trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

Cô Trịnh Thị Ngọc Ngân, giáo viên Trường THPT Cây Dương, thông qua tranh vẽ tăng cường rèn luyện, trau dồi kỹ năng sống cho học sinh.

Những việc làm cụ thể

Trường THPT Cây Dương rất chủ động đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho các em thông qua các hội thi, buổi tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ, giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản vị thành niên; tổ chức các hoạt động về nguồn, tham quan di tích lịch sử, thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn…

 Ông Huỳnh Văn Cừ, Phó Hiệu trưởng, cho biết: “Song song với dạy văn hóa, chúng tôi quan tâm nhiều đến việc dạy học sinh cách ứng xử có văn hóa từ những điều nhỏ nhất như: cách xưng hô với bạn bè, thầy cô, ứng xử với những người xung quanh, thái độ khi giao tiếp, cách học tập nhóm… Qua đó, giúp học sinh nâng cao ý thức, hành động đúng, hình thành lối sống đẹp”.

Trường THPT Cây Dương là đơn vị có đông học sinh nhất trong toàn huyện, với gần 2.000, gồm cả học sinh THCS và THPT, đây là 2 cấp học mà học sinh có nhiều chuyển biến mạnh về tâm sinh lý. Vì thế, ngay từ đầu năm học, trường đã xây dựng kế hoạch chi tiết với nội dung tuyên truyền phù hợp, sau đó thực hiện lồng ghép, tích hợp vào hoạt động giảng dạy chính khóa các môn học và các buổi sinh hoạt tập thể, hoạt động ngoại khóa, giáo dục ngoài giờ lên lớp; xây dựng các câu lạc bộ “Em vui học tập”, “Đôi bạn cùng tiến”, câu lạc bộ toán học phong trào nghìn việc tốt…

Hay tại Trường Tiểu học thị trấn Kinh Cùng, điều dễ thấy là có từng nhóm học sinh phấn khởi cùng nhau nhảy dây, chơi ô ăn quan, cò chẹp; nhóm khéo tay thì cắt tỉa thành hoa lá từ những chai nhựa bỏ đi để trang trí lớp học… “Đây là kết quả mà hơn 2 năm nay, trường chúng tôi duy trì hiệu quả mô hình “Giờ ra chơi trải nghiệm sáng tạo” cho học sinh. Nhờ tổ chức được cho các em trò chơi dân gian trên sân trường mát rượi mà học sinh gần gũi nhau hơn, tình bạn các em càng thêm gắn bó. Các em cũng dần tránh xa được các trò chơi điện tử vô bổ. Từ đó mỗi em ý thức hơn việc học tập, hình thành được kỹ năng sống tốt hơn”, ông Võ Minh Luân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Kinh Cùng, cho biết.

Điểm hấp dẫn ở mô hình “Giờ ra chơi trải nghiệm sáng tạo” là nhà trường đã tổ chức được nhiều hình thức vui chơi phong phú, sôi động cho tất cả học sinh từ khối 1 đến khối 5. Mỗi tuần, học sinh có 3 ngày thầy cô thiết kế các hoạt động. Thứ hai: học sinh múa hát đồng diễn dân vũ các bài hát về đội viên dưới sân trường. Thứ tư là các trò chơi ô ăn quan, rồng rắn lên mây, chơi cò chẹp… hoặc đọc sách tại thư viện hay tại lớp. Thứ sáu là các hoạt động trải nghiệm: thiết kế đồ dùng học tập, đồ trang trí từ nguyên vật liệu bỏ đi để rèn cho các em tính tiết kiệm, sự cần cù; hoặc thi kể chuyện về Bác Hồ, chia sẻ những tấm gương người tốt việc tốt… Linh hoạt sắp xếp các hoạt động, để mỗi ngày các em tự trau dồi, rèn luyện, phát triển nhân cách, kỹ năng sống cho bản thân.

Hình thành lối sống đẹp

Hiện nay, bên cạnh những học sinh chăm ngoan, học giỏi thì vẫn còn có một số ít các em đang có những biểu hiện đáng lo ngại về đạo đức như bỏ tiết, mất trật tự, không chịu học bài; nặng hơn là nói dối, không vâng lời thầy cô, vi phạm nội quy trường, lớp…

Cô Trịnh Thị Ngọc Ngân, giáo viên dạy môn giáo dục công dân Trường THPT Cây Dương, chia sẻ: “Để gắn việc dạy chữ đi đôi với dạy người, tôi đã thực hiện lồng ghép, tăng cường các trò chơi đố vui có thưởng để học sinh ham thích học tập. Cho học sinh thi vẽ tranh, đưa ra tình huống để thử đóng vai giải quyết các vấn đề: bạo lực học đường, vi phạm an toàn giao thông, tổ chức các phiên tòa giả định… để các em hiểu và nắm rõ hơn về pháp luật. Tôi đã và đang căn cứ vào các văn bản quy phạm hướng dẫn các em tìm hiểu, tăng cường thêm kiến thức để biết hành động nào là sai, vi phạm pháp luật. Từ đó các em có ý thức phòng tránh, không vi phạm”.

Tại Trường THPT Tân Long vừa ra mắt câu lạc bộ “Văn - thơ và thư pháp”. Ông Trần Văn Ánh, Hiệu trưởng, cho biết: “Câu lạc bộ ra mắt, hoạt động để học sinh có nơi để chia sẻ niềm đam mê thi họa với nhau. Thực tế, không có học sinh yếu mà tôi nghĩ mỗi em có năng khiếu, sở trường, đam mê riêng, quan trọng là làm sao khơi nguồn, tạo điều kiện, khích lệ để các em phát huy thế mạnh của bản thân. Từ đó, tự rèn luyện mình, hình thành lối sống đẹp, sống có ích”.

Theo lãnh đạo trường, sẽ có em giỏi các môn văn hóa, ham học văn hóa nhưng cũng có em sẽ có năng khiếu về các môn thể chất. Vì thế, sắp tới nhà trường dự kiến còn cho ra mắt câu lạc bộ bóng đá và câu lạc bộ tiếng Anh để tạo môi trường mới nhằm giúp học sinh có điều kiện phát triển năng lực bản thân một cách toàn diện.

Ông Trần Mê Ly, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Giáo dục đạo đức và rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh là một quá trình lâu dài, liên tục và rất cần thiết. Thời gian qua, chúng tôi đã chỉ đạo các trường tăng cường hoạt động này bằng việc nhân rộng cách làm hay, tăng cường thời lượng tích hợp các môn: giáo dục công dân, ngữ văn, lịch sử… để giáo dục đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống cho các em, tùy theo từng bài giảng mà có sự tích hợp phù hợp. Bên cạnh đó, tập trung nâng cao vai trò nêu gương, trách nhiệm của người thầy, cùng với những cách làm thiết thực, sẽ giúp học sinh ngày càng hoàn thiện nhân cách mình hơn, tránh xa những tệ nạn xã hội đang rình rập”.

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>