Đã chuẩn bị gì để dạy và học trực tuyến ?

20/09/2021 | 09:20 GMT+7

Từ ngày 20-9, cấp THCS và THPT sẽ bước vào kỳ học trực tuyến. Vậy các trường, phụ huynh và học sinh đã chuẩn bị gì cho một đợt học tình thế do dịch bệnh còn diễn biến phức tạp ?

Giáo viên Trường THPT chuyên Vị Thanh hỗ trợ học sinh cài đặt phần mềm học trực tuyến.

Chủ động các phương án học tập kịp thời

Ông Lê Chí Đức, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong, huyện Vị Thủy, cho biết: “Chúng tôi đang sắp xếp lại thời khóa biểu học tập phù hợp để chuyển sang dạy trực tuyến cho học sinh, cũng đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm các lớp hướng dẫn học sinh, phụ huynh các em về chương trình học, cách thức học trực tuyến, cài đặt phần mềm... Nhất là yêu cầu giáo viên chủ nhiệm phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh để chung tay cùng với nhà trường trong công tác hỗ trợ, quản lý học sinh học tập trực tuyến tại nhà. Cơ bản nhà trường sẵn sàng cho các tiết dạy trực tuyến”.

Để không bị động, sẵn sàng với các tình huống dịch bệnh Covid-19, phương án dạy và học trực tuyến đã được Trường THPT Lê Hồng Phong thực hiện từ đầu năm học. Nhà trường đã phân công tổ trưởng chuyên môn, giáo viên bộ môn linh hoạt, biên soạn lại tập bài giảng phù hợp, hấp dẫn để dạy trực tuyến. Trường đã chuẩn bị đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, đội ngũ giáo viên cũng đã được tập huấn các phần mềm ứng dụng từ các năm học trước. Việc rà soát số lượng học sinh chưa có thiết bị học trực tuyến để đề xuất về Sở Giáo dục và Đào tạo có phương án hỗ trợ kịp thời cũng đã hoàn tất. Năm học 2021-2022, trường có khoảng 650 học sinh học tập, với 16 lớp, qua khảo sát sơ bộ, có khoảng 20 học sinh chưa có thiết bị học tập trực tuyến.

Cô Nguyễn Thị Mai, giáo viên dạy môn lịch sử, chủ nhiệm lớp 11A1 của trường, chia sẻ: “Tranh thủ ngày tựu trường vừa rồi, tôi đã tạo một nhóm học tập qua zalo cho lớp để kịp thời thông báo lịch học, chương trình học, thời gian học tập… cho học sinh. Bên cạnh đó, yêu cầu học sinh cung cấp số điện thoại của phụ huynh để giáo viên tiện liên hệ khi cần. Nhờ vậy khi có thông báo toàn tỉnh chuyển sang học trực tuyến các học sinh và phụ huynh đã nắm bắt kịp thời và chuẩn bị sẵn sàng thiết bị học tập cho con em”. Lớp cô Mai chủ nhiệm có 43 học sinh, trong đó có 2 em chưa có thiết bị học tập trực tuyến tại nhà. Giải pháp trước mắt học sinh học nhóm cùng bạn gần nhà hoặc mượn điện thoại người thân học tập…

Chuẩn bị sẵn sàng 2 phòng tin học, với 52 máy vi tính đang hoạt động tốt, Trường Tiểu học Kim Đồng, thành phố Vị Thanh đã sẵn sàng hỗ trợ học sinh khối lớp 3, lớp 4, lớp 5 học tập trực tuyến. Thầy Nguyễn Văn Thức, giáo viên của trường, chia sẻ: “Nhà trường đã tập huấn cho giáo viên chúng tôi sử dụng linh hoạt phần mềm Google Meet. Dự kiến chúng tôi cũng sẽ sử dụng phần mềm này để dạy trực tuyến. Giáo viên sẽ sử dụng PowerPoint để tạo các slide trình chiếu với nhiều nội dung hấp dẫn, hình ảnh mới lạ, sinh động để thu hút học sinh vào bài giảng, tránh sự nhàm chán với câu chữ”.

Trường Tiểu học Kim Đồng đã tổ chức họp hội đồng trực tuyến để thống nhất trong phương pháp dạy và sử dụng cơ sở dữ liệu giảng dạy. Việc tổ chức họp trực tuyến thời gian qua được xem là các bước thử nghiệm hiệu quả trong việc tương tác, sử dụng phần mềm, giúp giáo viên có nhiều kinh nghiệm trong các thao tác sử dụng công nghệ, thực hiện hiệu quả khi bắt tay vào giảng dạy thực tế trực tuyến cho học sinh.

Qua thống kê sơ bộ, toàn tỉnh, hiện nay có khoảng 60.000 học sinh không có điều kiện mua sắm trang thiết bị học trực tuyến. Khó khăn này được tỉnh quan tâm, hỗ trợ bằng các chỉ đạo quyết liệt, kịp thời nhất trên tinh thần tất cả vì học sinh thân yêu, không để một học sinh nào bị bỏ lại phía sau. Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản thống nhất toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh, đóng góp một ngày lương ủng hộ Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, để hỗ trợ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn còn thiếu trang thiết bị học trực tuyến, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục.

Học trực tuyến hay trực tiếp thì chất lượng đều phải đặt lên hàng đầu

Xác định quan trọng nhất thời điểm này là giáo viên tạo tâm thế sẵn sàng học trực tuyến cho học sinh, các trường học đã phối hợp cùng với phụ huynh các em hỗ trợ trong quá trình học tập để học sinh không quá lo lắng khi học trực tuyến, nhất là đối với học sinh khối lớp đầu cấp. Cô Trần Thị Hoàng Diệu, Tổ trưởng Tổ tiếng Anh, Trường THPT chuyên Vị Thanh, chia sẻ: “Việc học tập trực tuyến sẽ rất nhẹ nhàng, đôi khi hấp dẫn hơn so với học trên lớp, nên các em hãy thoải mái học tập. Giáo viên sẽ hỗ trợ các em nhiệt tình”. Trường THPT chuyên Vị Thanh đang biên soạn bài giảng ngắn gọn, vào trọng tâm, tạo sự tương tác cao dựa trên công văn hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS và THPT năm học 2021-2022 ứng phó với dịch Covid-19 của Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành.

Với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”, bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021-2022, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có chỉ đạo kịp thời trong phương án tổ chức dạy học ứng phó với dịch Covid-19. Theo đó, cấp mầm non không học trực tuyến, chờ đến khi có thông báo mới; Cấp tiểu học học từ ngày 27-9, cấp THCS, THPT và giáo dục thường xuyên học trực tuyến từ ngày 20-9. Riêng lớp 1, lớp 2 học qua truyền hình, không dạy học trực tuyến, không kiểm tra đánh giá định kỳ trong thời gian này. Lớp 3, lớp 4, lớp 5 dạy học trực tuyến là chủ đạo, tổ chức học qua truyền hình là bổ trợ, nhà trường chỉ đạo tổ/khối chuyên môn tinh giản nội dung đảm bảo yêu cầu cần đạt về kiến thức, kỹ năng đối với từng môn học… Cấp THCS, THPT và giáo dục thường xuyên: tổ chức học trực tuyến đối với một số môn cơ bản gồm: toán, ngữ văn, vật lý, hóa học, sinh học, tiếng Anh, lịch sử, địa lý, môn khoa học tự nhiên, môn lịch sử và địa lý, môn giáo dục công dân lớp 12…

Với phương châm “Thầy dạy tốt, trò học tốt”, ngành giáo dục và đào tạo đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ  kép: an toàn phòng dịch Covid-19, dạy và học chất lượng trong năm học 2021-2022.

Dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho học sinh thân yêu!

Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, nhấn mạnh: “Khó khăn có thể gặp phải trong quá trình dạy và học trực tuyến được xác định là phải có, nhưng với tinh thần dành tất cả những gì tốt đẹp nhất dành cho học sinh thân yêu, sẽ không để một em nào bị bỏ lại phía sau, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm, hỗ trợ kịp thời để thầy trò được giảng dạy và học tập trong môi trường an toàn, chất lượng nhất. Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, quan điểm chung là “dừng đến trường, không dừng việc học”, phải tạo điều kiện học tập công bằng đối với tất cả các em học sinh, nhất là các em thuộc diện gia đình nghèo, cận nghèo, khó khăn, các em ở vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc...”.

 

Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Chúng tôi chỉ đạo các trường trong quá trình học online cần có sự quản lý giáo viên, biên soạn bài giảng một cách phù hợp, giảng dạy sinh động, nhẹ nhàng không tạo áp lực học tập cho học sinh. Dạy học bất cứ hình thức nào thì chất lượng cũng phải đặt lên hàng đầu, dù rằng đây là giải pháp tình thế trong thời điểm dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Trong dạy học trực tuyến, các trường không kéo dài thời gian như học trực tiếp trên lớp để đảm bảo sức khỏe, tâm sinh lý của học sinh khi phải tiếp xúc với máy tính, điện thoại, ti vi...

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>