Chuyển đổi số trong xây dựng xã hội học tập

12/01/2022 | 07:27 GMT+7

Phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đã được cụ thể hóa với nhiều mô hình hay, trong đó chuyển đổi số được xác định là xu thế tất yếu, mở ra phương pháp tiếp cận mới để thúc đẩy văn hóa học tập suốt đời.

Từ phong trào học tập suốt đời, góp phần giúp cộng đồng và xã hội có cái nhìn toàn diện hơn, thấu đáo hơn về học tập thường xuyên, học tập suốt đời.

Tạo cơ hội học tập bình đẳng

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên ngay khi cậu con trai bắt đầu học vào lớp 5, phải chuyển sang học trực tuyến tại nhà, chị Nguyễn Thị Huyền Diệu, ở xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, mua một chiếc điện thoại thông minh, để con thuận tiện hơn trong việc học trực tuyến. Đối với chị, đây là quyết định đúng đắn, bởi ngoài đáp ứng nhu cầu học tập, qua điện thoại thông minh còn giúp con chị dễ dàng tiếp cận với các kiến thức trong thời đại công nghệ số. Chị Diệu tâm sự: “Nếu trước đây, việc học tập của con tôi chủ yếu được tiếp cận qua sách, vở, thì nay bé có thể tận dụng thời gian rảnh để lên mạng tìm các tài liệu học tập cần thiết, ứng dụng bổ ích, thấy bé rất hứng thú với các bài học”.

Không thể phủ nhận vai trò tích cực của công nghệ số trong kích thích sự chủ động, sáng tạo của các em. Công nghệ số đã và đang góp phần thu hẹp dần khoảng cách học tập của mọi người dân ở khắp nơi, nhất là đối với người lớn ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Qua đây, không chỉ tạo cơ hội cho trẻ em, mà còn có cả người lớn được học tập, trau dồi, tích lũy kiến thức phục vụ lao động sản xuất, cuộc sống.

Ở tuổi ngoài 60, bên cạnh tham gia công tác hội, tranh thủ thời gian rảnh rỗi, ông Nguyễn Văn Hùng, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, cũng thường lên mạng để tìm kiếm các thông tin hữu ích ở các lĩnh vực, những chủ trương mới… để tuyên truyền rộng rãi cho người dân được biết. Ông Hùng chia sẻ: “Trước khi nghe được triển khai văn bản, chính sách mới tại cơ sở, tôi thường chủ động lên mạng để tìm hiểu trước. Không chỉ vậy, thời gian rảnh rỗi tôi còn lên Youtube xem các video hướng dẫn trồng trọt để áp dụng vào sản xuất trong gia đình. Tôi còn lập nhóm zalo kết nối cùng người dân địa phương, khi có thông tin tuyên truyền gì mới sẽ thông tin cho mọi người nắm”.

Với suy nghĩ phải tiếp thu cái hay, cái mới để theo kịp thời đại, bắt kịp thị trường, ông Hùng đã tự tìm hiểu, học hỏi, tham khảo nhiều kiến thức phục vụ cho công việc và cuộc sống. Bằng kinh nghiệm học hỏi từ internet, mỗi năm diện tích canh tác lúa của ông luôn cho năng suất khá cao. Riêng vườn cây ăn trái do chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, các loại nông sản của vườn ông Hùng luôn được các thương lái ưa chuộng. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình ông ngày càng khấm khá, có của ăn, của để.

Thúc đẩy phong trào học tập suốt đời

Huyện Long Mỹ là một trong những địa phương còn khó khăn, có có đông đồng bào dân tộc, những năm qua, tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách đối với giáo dục và đào tạo, trong đó có vấn đề xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời. Đối với huyện Long Mỹ, việc xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời càng có ý nghĩa lớn hơn khi qua phong trào, người dân đã ý thức hơn trong việc phát triển kinh tế cũng như quan tâm hơn đến việc học tập để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ông Trịnh Văn Xe, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Long Mỹ, bộc bạch: “Những năm gần đây, số lượng gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị được công nhận trên địa bàn mỗi năm đều tăng đáng kể, điều này cho thấy phong trào xây dựng xã hội học tập đã góp phần làm thay đổi không nhỏ ý thức người dân địa phương. Nổi bật nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc người dân đã chủ động quan tâm đến việc học của con em mình, linh hoạt tham gia học tập, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, đời sống”.

Tổ chức Hội khuyến học trên địa bàn tỉnh đã phủ kín 100% các huyện, thị, thành phố, xã, phường, thị trấn, ấp, khu vực. Phát huy sứ mệnh khuyến học trong thời đại số, những năm qua các cấp hội đã thường xuyên tuyên truyền, vận động, khuyến khích cán bộ, hội viên khai thác và sử dụng thông tin trên mạng internet, phục vụ cho học tập, lao động và cuộc sống hàng ngày. Từ đó, nhiều mô hình học tập được hình thành, phát triển, phong trào học tập suốt đời đã thật sự lan tỏa, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi cộng đồng và toàn xã hội có cái nhìn toàn diện hơn, thấu đáo hơn về học tập thường xuyên, học tập suốt đời.

Ông Bùi Văn Liễm, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, cho biết: “Học tập suốt đời là nhu cầu tất yếu của con người và xã hội, trong thời đại công nghệ hiện nay nhu cầu đó càng trở nên cấp thiết hơn. Qua nhiều năm, phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị… đã trở thành hoạt động thường xuyên, có nề nếp, phát triển rộng khắp. Tuy nhiên, để áp dụng công nghệ trong xây dựng xã hội học tập ở các cấp hội hiện nay gặp không ít khó khăn do một số cán bộ lớn tuổi, thiết bị phục vụ chưa đáp ứng nhu cầu… Thời gian tới, tôi tin sẽ khắc phục được khó khăn, vận dụng lợi thế đắc lực của công nghệ số, tinh thần “học nữa học mãi”, phong trào sẽ tiếp tục được nhân lên và lan tỏa trong toàn xã hội”.

Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh đã công nhận được 134.218 “Gia đình học tập”; 354 “Dòng họ học tập”; 503 “Cộng đồng học tập” (ấp, khu vực); 518 “Đơn vị học tập” và 74/75 “Cộng đồng học tập” (xã, phường, thị trấn). Nhằm đẩy mạnh phong trào xây dựng xã hội học tập hàng năm, hội khuyến học các cấp đều vận động các gia đình, dòng họ, đơn vị… cùng đăng ký xây dựng xã hội học tập.

 

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>