Chủ nhiệm lớp đâu phải đơn giản !

12/04/2023 | 07:51 GMT+7

Định kỳ 4 năm tổ chức một lần, Hội thi giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi THCS, THPT và giáo dục thường xuyên cấp tỉnh được tổ chức. Năm nay, có nhiều cách làm mới, sáng tạo được “trình làng” tại hội thi, hứa hẹn nhân rộng hiệu quả.

Cô Lý Cẩm Nhung, giáo viên chủ nhiệm lớp 6A1, Trường THCS Hoàng Diệu, mời người đan cần xé đến lớp học trong hoạt động trải nghiệm.

Sáng tạo trong cách truyền thụ kiến thức cho học sinh

Khác với những lần tổ chức hội thi trước, năm nay các giáo viên tham gia hội thi đều có sự đa dạng, đầu tư và đổi mới, sáng tạo trong cách truyền thụ kiến thức mới cho học sinh qua từng bài giảng.

Mang đến tiết dạy Hoạt động trải nghiệm cho học sinh lớp 6, với chủ đề “Tìm hiểu nghề truyền thống Việt Nam”, theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đầy hào hứng, cô Lý Cẩm Nhung, giáo viên chủ nhiệm lớp 6A1, dạy môn lịch sử, địa lý Trường THCS Hoàng Diệu, thành phố Vị Thanh mời cả người làm nghề đan sọt ở địa phương thực hành cách lựa tre, đan sọt, làm ra một chiếc sọt tre cho học sinh xem ngay tại lớp học. Tiết thi hoàn toàn không áp lực mà trở thành một giờ dạy trải nghiệm sinh động, thu hút học sinh từng phút dạy. Cô Nhung chia sẻ: “Mình dạy suông, không có dẫn chứng, miêu tả thực tế sẽ không gây được sự hấp dẫn, thu hút các em. Nếu không thu hút, tiết học hoạt động trải nghiệm thất bại. Vì thế, tôi tìm nhiều phương pháp dạy trực quan kết hợp thực nghiệm, trải nghiệm, thực hành, chơi trò chơi… để mỗi em chủ động học tập, được khám phá thực tế, thực hành qua cuộc sống đời thường”.

Với việc chủ động, tìm tòi đổi mới, giờ học sôi động, đầy hứng khởi, có chất lượng, cô Nhung đã xuất sắc giành giải nhất cấp THCS trong hội thi.

Điểm mới của hội thi lần này là giáo viên tham dự chỉ thực hiện 2 phần thi: Trình bày một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác chủ nhiệm lớp và thực hành một tiết tổ chức hoạt động giáo dục (tiết sinh hoạt lớp hoặc tiết hoạt động trải nghiệm hoặc tiết hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp). So với hội thi cách nay 4 năm giảm 2 phần thi: Viết sáng kiến kinh nghiệm và kể chuyện về công tác chủ nhiệm.

Còn cô Nguyễn Ngọc Tuyết, giáo viên Trường THPT Ngã Sáu, huyện Châu Thành đạt giải nhất cấp THPT, thổ lộ: “20 năm giảng dạy, tham gia chủ nhiệm rất nhiều lớp, mỗi lớp chủ nhiệm đều có kỷ niệm riêng. Điểm mấu chốt ở giáo viên chủ nhiệm là làm sao phải gần gũi, nắm bắt được những thay đổi năng lực, tâm lý, nhu cầu, hoàn cảnh thực tế của từng học sinh, để có những hỗ trợ, điều chỉnh hành vi, thái độ học tập của các em kịp thời theo hướng tích cực nhất. Nói thì đơn giản nhưng làm rất kỳ công”.

Chọn giải pháp “Phát huy đoàn kết cho học sinh lớp 10T2 bằng các trò chơi tập thể trong tiết sinh hoạt”, với các trò chơi truyền tin, trò chơi yêu thương đồng đội, trò chơi ai làm ca sĩ, trò chơi hợp sức, gắn kết tình yêu thương chia sẻ trong lớp học… theo chủ đề hàng tháng, cô Tuyết gắn kết phù hợp để các em có tâm lý thoải mái, học tập chất lượng nhất với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, lần đầu tiên áp dụng cho học sinh khối lớp 10 năm học 2022-2023.

Đề xuất nhân rộng các giải pháp hay

Tập trung nhiều vào các hoạt động giảng dạy ở Chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên tham gia hội thi đã có nhiều sáng tạo trong dạy học, ứng dụng tiến bộ của công nghệ thông tin vào công tác thực tế của mình.

Chẳng hạn như biện pháp “Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chủ nhiệm lớp, của giáo viên Nguyễn Hồng Hiển, Trường THPT Tân Long, huyện Phụng Hiệp; biện pháp “Kết nối trái tim - tận tâm chia sẻ cùng những học sinh chưa ngoan lớp chủ nhiệm 8A5 Trường THCS Nguyễn Văn Quy” của giáo viên Lê Thị Huyền Trang, Trường THCS Nguyễn Văn Quy, huyện Châu Thành… Cô Huyền Trang chia sẻ: “Phần thi trình bày biện pháp nâng cao chất lượng công tác giảng dạy với tôi rất ý nghĩa. Nhờ tham gia hội thi, tôi học hỏi được nhiều kỹ năng quản lý lớp chặt chẽ, phù hợp hơn từ các đồng nghiệp trường bạn. Nhất là ở công tác phối hợp nhịp nhàng giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh trong quản lý giờ giấc, nâng cao năng lực học tập của học sinh”.

Ông Trần Hiền Hòa, Trưởng phòng Giáo dục trung học - Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo, Phó Ban tổ chức hội thi, cho biết: “Qua hội thi có 9 biện pháp được chúng tôi đánh giá hay, chất lượng, xoáy sâu vào đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh nên đã tổ chức khen thưởng và đề xuất nhân rộng trong toàn ngành trong thời gian tới, nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục”.

Đa dạng hình thức, phương pháp giảng dạy bằng cách mời cả diễn giả là các bí thư đoàn thanh niên của trường, địa phương đến giao lưu thực tế với học sinh qua hoạt động trải nghiệm, chia sẻ với đoàn viên ưu tú, thực hành làng nghề truyền thống, ngành nghề mũi nhọn của tỉnh… các giáo viên đã mang một luồng gió mới, đầy hấp dẫn, sáng tạo, linh hoạt trong từng giờ học, với phương châm “Học mà chơi, chơi mà học”, “Lý thuyết đi đôi với thực hành”…

Giáo viên đã có nhiều đổi mới khi làm công tác chủ nhiệm

 

Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, chia sẻ: “Những biện pháp, giải pháp giáo dục hay của các giáo viên chủ nhiệm lớp đều sẽ được ghi nhận. Cách thức, biện pháp giáo dục mới, tiến bộ trên lớp thông qua các tiết thực hành được ngành giáo dục khuyến khích nhân rộng trong đội ngũ nhà giáo ở từng cấp học. Giáo viên đã có nhiều đổi mới từ chú trọng truyền thụ, cung cấp kiến thức, sang rèn luyện, phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, làm tốt mối quan hệ phối hợp giữa nhà trường với phụ huynh, xã hội… góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục”.

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích