Cậu học trò lớp 9 trường xã mê sáng tạo

05/12/2022 | 19:39 GMT+7

Lần đầu tham gia phong trào sáng tạo, nhưng em Nguyễn Thanh Phong, học sinh lớp 9A2, Trường THCS Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đó là động lực để em tiếp tục giữ lửa đam mê, tìm tòi, nghiên cứu những sản phẩm hữu ích hơn.

Em Nguyễn Thanh Phong (bìa trái) nhận bằng khen tại Lễ Tổng kết và trao giải Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 18 năm 2022. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Những ngày cuối tháng 11, Phong đã có một trải nghiệm khó quên khi được ra Thủ đô Hà Nội để dự Lễ Tổng kết và trao giải Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 18-2022. Chia sẻ sau chuyến đi, cậu học trò này vẫn còn nguyên những cảm xúc phấn khởi, hào hứng và đầy tự hào. Cách đây hơn một năm, khi mới tham gia vào đội học sinh nghiên cứu khoa học của trường, Phong chưa bao giờ nghĩ sản phẩm đầu tay của mình sẽ đạt giải nhất tại Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ IX năm 2022, rồi giải ba tại cuộc thi toàn quốc như hiện tại.

Sản phẩm của Phong là “Thiết bị hỗ trợ tốt, chủ đề các phép đo môn Khoa học tự nhiên 6”, được em ấp ủ hình thành trong thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19 vào cuối năm 2021. Bấy giờ, tất cả học sinh đều phải học trực tuyến tại nhà với nhiều sự bất tiện. Phong kể: “Lúc đó, em có một đứa em họ đang học lớp 6. Thấy em học môn Khoa học tự nhiên trực tuyến không thể thực hành được, mỗi lúc muốn thực hành thì phải chạy vào trường nên em nghĩ là cần tạo ra một thiết bị để các em có thể thực hành dễ dàng hơn ở bất cứ đâu”.

Sau khi trình bày ý tưởng với cô Nguyễn Trần Kim Phúc, giáo viên của trường, em được cô ủng hộ và hỗ trợ nghiên cứu sản phẩm. Những ngày đầu làm quen với việc thiết kế, lập trình và lắp ráp sản phẩm, Phong cũng gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ, nhưng em quyết tâm khắc phục những vấn đề đó. Bên cạnh sự hướng dẫn của thầy cô, khi về nhà, em còn tranh thủ tìm hiểu, học hỏi thêm qua mạng internet, qua sách báo. Nhờ đó, mà em ngày càng nắm vững kiến thức và hoàn thiện sản phẩm như mong muốn của mình.

“Thiết bị hỗ trợ tốt, chủ đề các phép đo môn Khoa học tự nhiên 6” của Phong ứng dụng công nghệ vi điều khiển để đo các đại lượng cơ bản trong chương trình học của môn Khoa học tự nhiên 6 như đo khối lượng, độ dài, thể tích, lực, nhiệt độ,... Thiết bị bao gồm các cảm biến đo được gắn với bộ phận vi xử lý trung tâm. Bộ phận này đã được lập trình để phân tích số liệu và hiển thị kết quả trên màn hình LCD. Thiết bị còn có thể cài đặt thông số để đưa ra các cảnh báo phục vụ cho quá trình thí nghiệm.

Nếu như sách giáo khoa hiện nay chỉ giới thiệu các dụng cụ đo truyền thống, thì “Thiết bị hỗ trợ tốt, chủ đề các phép đo môn Khoa học tự nhiên 6” lại giúp học sinh thực hành đo bằng phương pháp hiện đại hơn. Qua thiết bị này, học sinh còn có thể tiếp cận với việc sáng tạo, ứng dụng linh hoạt trong đời sống hàng ngày. Với thiết kế nhỏ gọn, giá thành thấp, dễ sử dụng và đa chức năng, sản phẩm giúp cho các em học sinh, đặc biệt là học sinh khối 6 tiếp thu kiến thức môn Khoa học tự nhiên một cách trực quan và hiệu quả hơn. Vì vậy, sản phẩm được ban giám khảo Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng các cấp đánh giá cao với những giải thưởng xứng đáng.

Em Nguyễn Thanh Phong hiện đang ấp ủ, nghiên cứu các sản phẩm sáng tạo mới để tham gia các cuộc thi, hội thi năm nay. 

Không chỉ đạt thành tích trong phong trào sáng tạo, Phong còn là học sinh giỏi suốt nhiều năm liền. Với cậu học trò này, những thành quả đạt được là động lực lớn cho em trong chặng đường học tập, nghiên cứu sắp tới. Hiện Phong vừa ôn luyện cùng đội tuyển học sinh giỏi môn Toán của trường, vừa tiếp tục ấp ủ, nghiên cứu sản phẩm sáng tạo mới cho các cuộc thi, hội thi năm nay. Tuy cùng lúc theo đuổi nhiều mục tiêu, nhưng Phong luôn cố gắng học ở trên lớp, học từ thầy cô, bạn bè và tự tìm tòi, bổ sung thêm kiến thức tại nhà.

Cô Nguyễn Trần Kim Phúc, giáo viên Trường THCS Trường Long Tây, cho biết: “Là học sinh ở nông thôn, ít có điều kiện tiếp cận với các sản phẩm sáng tạo nên những ngày đầu mới tập tành nghiên cứu Phong cũng có nhiều điều chưa biết. Nhưng khi cô giao nhiệm vụ về nhà tìm hiểu thêm thì em đã rất tự giác, chủ động. Qua quá trình làm sản phẩm và tham gia các cuộc thi, em ngày càng tiến bộ và vững vàng hơn. Nay em đã có thể tự làm nhiều việc và chia sẻ với các bạn, các em trong đội nghiên cứu của trường”.

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>