Nhận diện âm mưu, thủ đoạn chống phá sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh

21/09/2022 | 08:43 GMT+7

Sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nền tảng, cơ sở, động lực, mục tiêu cho mọi giai đoạn xây dựng và phát triển Việt Nam. Đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển Việt Nam hòa bình, thịnh vượng như hôm nay là biểu hiện thực tiễn sinh động của việc Đảng ta kế thừa, vận dụng linh hoạt tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng nước nhà. Việc nhận diện đúng bản chất, biểu hiện âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch đang sử dụng để chống phá sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng bảo vệ sự nghiệp cách mạng của Người, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay.

Quan điểm sai trái, thù địch luôn xuất hiện trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta với mức độ và thủ đoạn diễn biến phức tạp, bản chất chống phá chế độ ta vẫn không thay đổi. Hiện nay, mức độ chống phá phức tạp hơn, thủ đoạn tinh vi hơn, phạm vi chống phá rộng lớn hơn và vì vậy, tác động tiêu cực của nó đối với đất nước cũng ngày càng nhiều hơn. Ngoài các vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền, dân chủ, các thế lực thù địch còn tập trung vào chống phá sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh – sự nghiệp thành lập Đảng, hướng dẫn, lãnh đạo Đảng và nhân dân ta đấu tranh giải phóng đất nước, xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa, trong đó, chúng “coi việc chống phá Đảng Cộng sản là một nhiệm vụ cơ bản, một khâu đột phá quyết định”[[1]]. Bản chất của những quan điểm sai trái, thù địch vẫn nhằm thực hiện đạt mục tiêu của chiến lược “diễn biến hòa bình” trên mọi lĩnh vực nhằm xóa bỏ vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam; chặn đứng mục tiêu định hướng đi lên xã hội xã hội chủ nghĩa; thay đổi chế độ chính trị theo hướng biến Việt Nam thành “sân sau”, thành bộ phận cấu thành lệ thuộc vào hệ thống tư bản chủ nghĩa trên thế giới.

Hiện nay, lực lượng thù địch, phản động tiếp tục tung ra nhiều chiêu trò, mánh khóe nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo, định hướng cách mạng của Bác, vì mục tiêu xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng, phủ nhận và xóa bỏ những thành tựu chính trị, kinh tế-xã hội to lớn đạt được dưới chế độ xã hội chủ nghĩa mà ta đang xây dựng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Chúng xuyên tạc sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có khi trực tiếp công kích tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người; có khi tấn công vào cương lĩnh, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta; đặc biệt nguy hiểm hơn, hiện nay chúng đang có xu hướng tán phát những sản phẩm, nếu ta không nghiên cứu kỹ thì như là đang “ca tụng”, “nâng tầm”, “mở rộng giá trị” sự nghiệp cách mạng của Người, nhưng thực chất là thêu dệt sai trái nhằm mục đích hình thành tư tưởng chủ nghĩa dân tộc cực đoan trong lòng dân tộc Việt Nam, vì (theo mục tiêu của chúng) khi Người đã quá vĩ đại rồi thì không cần đến chủ nghĩa Mác nữa.

            Thứ nhất, các thế lực thù địch chống phá chủ nghĩa Mác-Lênin nhằm phủ nhận nguồn gốc quan trọng, giá trị cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh

Tư tưởng Hồ Chí Minh được hình thành từ nhiều nguồn gốc, trong đó chủ nghĩa Mác-Lênin là một nguồn gốc quan trọng, quyết định đến việc hình thành thế giới quan, nhân sinh quan khoa học, nhân đạo, văn minh trong tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người sau này. Do vậy, để chống phá sự nghiệp cách mạng do Người lãnh đạo, các thế lực thù địch đã tập trung phủ nhận nền tảng, nguồn gốc làm hình thành nên một Hồ Chí Minh vĩ đại – phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin.

Các thế lực phản động luôn tập trung xuyên tạc, cắt xén, bác bỏ những luận điểm cơ bản nhất của chủ nghĩa Mác-Lênin, như: quy luật vận động và phát triển của xã hội, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, chuyên chính vô sản, chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân… và rêu rao quan điểm cho rằng: chủ nghĩa Mác-Lênin đã lỗi thời, chủ nghĩa xã hội khoa học không có sức sống, là “bóng ma ám ảnh Châu Âu”, những thất bại của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là do “những chính sách Mác-Lênin bắt nguồn từ một nhận thức sai về lịch sử và về bản chất con người”; “chủ nghĩa Mác-Lênin đã không thấy trước và không hiểu những lực lượng cơ bản trong các vấn đề quốc tế ở thế kỷ XX, đã đánh giá thấp vai trò các dân tộc và chủ nghĩa dân tộc”[[2]].

Để từ đó, các thế lực thù địch tiếp tục xâm phạm thô thiển đời tư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng đã nêu các quan điểm có tính chất xuyên tạc, bóp méo, thậm chí vu cáo, dựng chuyện, nhằm bôi nhọ đời tư, hạ thấp uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng thường xuyên lếu láo một cách thô bỉ rằng: “Nhật ký trong tù không phải của Hồ Chí Minh”, “Hồ Chí Minh không phải là nhà văn”, “Hồ Chí Minh bắt đầu nảy ra tư tưởng cứu nước kể từ khi Pháp bác đơn cho họ Hồ theo học trường thuộc địa”, rằng Đảng Cộng sản Việt Nam “sáng tác ra tư tưởng Hồ Chí Minh để giúp Đảng chỉnh hướng trong cơn bối rối”,…[3]

Như vậy, việc tuyên truyền các quan điểm sai trái, thù địch tấn công vào chủ nghĩa Mác-Lênin và đời tư của Chủ tịch Hồ Chí Minh của kẻ thù là nhằm xuyên tạc sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đánh vào nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản, gốc rễ của chủ nghĩa xã hội, đánh vào thế giới quan, cơ sở khoa học của đường lối chính trị của Đảng, là phá vỡ truyền thống yêu nước, đoàn kết, yêu chuộng hòa bình, nhân văn, tiến bộ của nhân dân ta.

Thứ hai, các thế lực thù địch chống phá cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng.

Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng là phương thức tồn tại và lãnh đạo của Đảng đối quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Chính việc xác định cương lĩnh, đường lối đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh nên từ sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (03/02/1930), không chỉ lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi trong 2 cuộc cách mạng thần thánh chống Pháp, Mỹ giải phóng dân tộc, mà ngay từ sau 1975 đến nay, Việt Nam từng bước vượt qua khủng hoảng đường lối chính trị, kinh tế; trở thành quốc gia đang phát triển mạnh ở khu vực Đông Nam Á; trở thành thành viên trách nhiệm, tích cực trong cộng đồng quốc tế; xử lý hài hòa mối các quan hệ lớn giữa kinh tế với chính trị; giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường; giữa đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và vai trò làm chủ của nhân dân; giữa hội nhập và giữ vững độc lập, tự chủ… vì mục tiêu đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Tuy nhiên, thực hiện mưu đồ xuyên tạc sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế lực thù địch luôn miệng tuyên truyền một cách trơ trẽn rằng “Chủ nghĩa xã hội có trăm nghìn thứ khuyết tật, tội ác, không dân chủ, thiếu nhân quyền, nhân đạo”. Đặc biệt, có những lúc sản xuất kinh tế khủng hoảng, đời sống nhân dân gặp khó khăn, đói nghèo, chúng tại có dịp lu loa lên rằng, đó hoàn toàn “là hậu quả của chính sách cai trị độc tài dựa trên chủ nghĩa Mác-Lênin mà Đảng Cộng sản áp đặt trên đất nước Việt Nam”. Đồng thời, chúng cổ xúy, ca ngợi cho chủ nghĩa tư bản, xã hội dân chủ, yêu cầu cần thực hiện tư nhân hóa hoàn toàn theo kiểu tư bản, đổi mới mạnh mẽ hệ thống chính trị và chế độ chính trị, thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập… Nếu không thực hiện như thế, có nghĩa là Đảng Cộng sản Việt Nam đang “bảo thủ, giáo điều, cứng nhắc, lỗi thời” [[4]].

Như vậy, kẻ thù chống phá cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng nhằm phủ nhận vai trò tích cực và những giá trị thực tiễn lãnh đạo cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngay sau ngày Đảng được thành lập (03/2/1930) và tiếp tục được kế thừa, bổ sung, phát triển cho đến nay. Không dừng lại ở đó, thông qua việc làm này, các thế lực thù địch muốn từng bước xóa bỏ vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiến tới thiết lập chế độ đa đảng (dĩ nhiên đảng cầm quyền sẽ thuộc về chủ nghĩa tư bản).

Thứ ba, các thế lực thù địch chống phá nguyên tắc tổ chức xây dựng Đảng.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công nghiên cứu, chắt lọc từ lý luận và thực tiễn hoạt động của các tổ chức đảng trên thế giới, từ đó xây dựng được hệ thống các nguyên tắc xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam vững mạnh. Cho đến hiện nay, tổ chức Đảng phải được xây dựng trong sạch, vững mạnh, đạo đức, văn minh, đủ năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu. Đây là nhiệm vụ, mục tiêu xuyên suốt, cốt lõi, đảm bảo sự tồn tại và giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng. Với 92 năm ra đời, trưởng thành và lớn mạnh, không lúc nào Đảng ngơi nghỉ công tác xây dựng tổ chức Đảng, luôn xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp và dân tộc, là biểu tượng của trí tuệ, lương tâm và danh dự của dân tộc.

Trong công tác tổ chức Đảng, các thế lực thù địch tập trung chống phá các nguyên tắc xây dựng Đảng, đặc biệt là nguyên tắc “Tập trung dân chủ”. Chúng cho rằng: “nguyên tắc dân chủ đến nay đã lỗi thời, thực hiện tập trung dân chủ sẽ dẫn đến mất dân chủ trong Đảng, làm cho Đảng rơi vào quân phiệt, độc đoán, độc tài” và tích cực tuyên truyền, tán dương, khuyến khích thực hiện dân chủ tự do, dân chủ cực đoan, trong Đảng nên có nhiều phe cánh đối lập để đấu tranh, bàn cãi, tranh luận. Đồng thời, chúng ra sức cổ vũ, động viên sự bất đồng ý kiến về quan điểm trong Đảng, sau đó thổi phồng, bơm căng, thêu dệt để tạo thành những mâu thuẫn, chia rẽ trong nội bộ Đảng thành phe phái. Tiếp sau đó, chúng tích cực tâng bốc, ve vãn, lôi kéo, mời chào những phần tử bất mãn, cơ hội, hữu khuynh, xét lại và tặng cho những tên gọi tốt đẹp, mỹ miều; với những đảng viên chân chính, chúng sẽ tiếp tục “nhạo báng, chế giễu là bảo thủ, cứng nhắc, giáo điều, nịnh hót. Họ đối lập những người lãnh đạo Đảng với đông đảo đảng viên, chia rẽ lớp đảng viên này với lớp đảng viên khác, mưu toan gây ra mâu thuẫn nội bộ”[[5]].

Như vậy, với những quan điểm sai lầm, thù địch tấn công vào nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức Đảng của ta, các thế lực phản động hướng đến mục tiêu phá vỡ sự thống nhất, đoàn kết của Đảng, làm phân liệt hoặc tan rã tổ chức Đảng. Với chiêu bài này, kẻ thù làm cho năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, của đảng viên suy yếu dần, tạo mảnh đất màu mỡ cho việc nuôi trồng các “thế lực dân chủ” của kẻ thù.

Thứ tư, các thế lực thù địch chống phá về mối liên hệ giữa Đảng với nhân dân.

Kế thừa truyền thống dân tộc, từ khi Đảng ra đời đến nay luôn xác định mối liên hệ gắn bó máu thịt với nhân dân, Đảng luôn xác định vị trí là đầy tớ trung thành của nhân dân, nhân dân là chủ và làm chủ đất nước. Trong mọi cương lĩnh, đường lối đề ra, Đảng luôn quán triệt nguyên tắc “lấy dân làm gốc”, bao nhiêu quyền hành đều từ dân, bao nhiêu lực lượng đều do dân; Đảng luôn giáo dục mọi đảng viên phải tuyệt đối “trung với nước, hiếu với dân”, cán bộ, công chức phải yêu dân, kính dân, lắng nghe dân, thấu hiểu dân và phải hết sức làm điều có lợi cho nhân dân.

Tuy nhiên, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để chia rẽ giữa Đảng với dân, chúng tuyên truyền, kích động để lôi kéo dân ra khỏi ảnh hưởng của Đảng bằng nhiều luận điệu vu cáo, xuyên tạc trắng trợn, như “Đảng Cộng sản chiếm quyền của dân, vi phạm dân chủ, nhân quyền, độc đoán, đảng trị” hay là “thực hiện sự chuyên chính của một đảng”, là “sự thống trị quan liêu của giới thượng lưu”[[6]]. Bên cạnh đó, chúng cố tình tạo dựng những hạn chế, thiếu sót một cách giả dối trong công tác hoạch địch chính sách của Đảng, Nhà nước để hủy hoại niềm tin của nhân dân với Đảng; chúng khoét sâu những hạn chế của cá nhân cán bộ, đảng viên, thổi phồng, quy chụp, phức tạp hóa, chính trị hóa những hạn chế đó, để rồi tuyên bố Đảng ta “dốt nát, võ biền, thất nhân tâm, làm hại đất nước và dân tộc”. Đặc biệt, chúng thường xuyên tận dụng triệt để các phần tử bất mãn, phản động đội lốt tôn giáo, dân tộc kích động, tuyên truyền trong đồng bào có đạo, trong cộng đồng các dân tộc tư tưởng kỳ thị, hiềm khích, ích kỷ, hẹp hòi, khơi lên ngọn lửa hận thù dân tộc, nhằm gây bất ổn trong nhân dân, tạo đà để tiến hành các hoạt động lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa của ta từ bên trong.

Thứ năm, các thế lực thù địch lợi dụng những hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm cục bộ, cá biệt trong thực tiễn quá trình xây dựng, kiến thiết đất nước đang diễn ra hằng ngày xuyên tạc sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Việt Nam đang vững bước tiến lên xây dựng xã hội “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” với rất nhiều thành tựu đạt được trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đưa đất nước bước vào thời đại với cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế to lớn, vững chắc. Trong suốt quá trình này, Đảng ta xác định phải kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa kế thừa và sáng tạo, giữa cái cũ và mới, giữa truyền thống và hiện đại, giữa “xây” và “chống”… do vậy, không thể tránh khỏi kết quả thu được có sự đan xen giữa thành tích giá trị và cả những hạn chế, khuyết điểm trên các lĩnh vực. 

Các thế lực thủ địch có những luận điệu xuyên tạc, vu khống, nói xấu Đảng, Nhà nước ta trong giải quyết các vấn đề cắm mốc biên giới trên đất liền với Trung Quốc, Cambuchia; vấn đề khẳng định chủ quyền biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trước hành vi xâm chiếm ngang ngược của Trung Quốc; vấn đề dự thảo Luật khu hành chính, kinh tế đặc biệt... Đồng thời, chúng tăng cường kích động, gây chia rẽ nội bộ Đảng trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc (khóa XIII), phân rã khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong đợt bầu cử ĐBQH (khóa XV) và HĐND các cấp (nhiệm kỳ 2021-2026); xuyên tạc, bóp méo chủ trương, chính sách, cơ chế về công tác cán bộ gây hoang man trong cán bộ, công chức… Đặc biệt, nguy hiểm hơn ở hiện nay là có những luận điểm mà bọn phản động sử dụng để xuyên tạc, chống phá ta được chúng sử dụng từ kết quả của sự tự phê phán để đổi mới của chính chúng ta (như kết quả chống tham nhũng), thậm chí có những câu chữ, quan điểm, chúng sử dụng lại nguyên văn như chúng ta dùng, như phải đổi mới, phải dân chủ, phải chỉnh đốn… nhưng thêm thắt, dẫn dắt người dân đến sự cực đoan khuyết điểm, hạn chế và trong thực tế là đã có một bộ phận người dân, cán bộ, đảng viên chưa nhận ra điều này.  

Bên cạnh đó, các thế lực thù địch điên cuồng sử dụng những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, đối với đời sống nhân dân để phê phán, bài xích vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực kinh tế, như vấn đề xuất nhập khẩu hàng hóa với Trung Quốc; vấn đề sự cố ô nhiễm môi trường biển do Formosa gây ra; vấn đề cho các nhà đầu tư Trung Quốc thuê đất xây dựng công ty, xí nghiệp; vấn đề bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công nhân, người lao động ở các công ty, xí nghiệp, nhất là ở các công ty, xí nghiệp do người Trung Quốc làm chủ; vấn đề hạn chế, thất thoát, tiêu cực ở các doanh nghiệp Nhà nước, các tập đoàn quốc doanh;…

  Ngoài ra, các thế lực phản động tích cực tận dụng mạng xã hội để giở nhiều thủ đoạn tuyên truyền các quan điểm sai trái, thù địch chống phá ta ở nhiều lĩnh vực văn hóa-xã hội, trong đó tập trung ở một số biểu hiện cơ bản, như: xuất bản các ấn phẩm sách, tài liệu phản động, chứa những thông tin vi phạm chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, phủ nhận những giá trị lịch sử truyền thống của dân tộc. Đặc biệt, hiện nay đang xuất hiện rất nhiều bộ sách, tài liệu nghiên cứu liên quan đến tôn giáo, dân tộc, địa danh, nhân vật, lịch sử-chính trị đội lốt nghiên cứu, sưu tầm… có khuynh hướng xét lại, phủ nhận quan điểm chính thức của Đảng, Nhà nước, khơi mào cho sự trỗi dậy của tư tưởng phản động, lạc hậu thậm chí kích động sự thù hận mù quáng trong lòng thế hệ con cháu của lực lượng chế độ ngụy quân, ngụy quyền.

Đồng thời, các thế lực phản động còn tung các bài viết vu cáo sai trái, cắt xén nội dung, xuyên tạc các hình ảnh, hoạt động, chủ trương, chính sách của Chính phủ trong cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19 trong thời gian qua. Bên cạnh đó, chúng còn thường xuyên có những bài viết không đúng sự thật nhằm bôi nhọ danh dự, phủ nhận công lao, phẩm chất đạo đức, nhân cách của các vị lãnh tụ, anh hùng dân tộc; chúng xuyên tạc, bóp méo quan điểm của lãnh đạo các cấp, nhất là cấp Trung ương; thường xuyên đăng bài viết ngắn có các ảnh, clip cắt ghép, ngụy tạo nhân chứng, vật chứng để quy kết cán bộ, đảng viên sai phạm trong quan hệ xã hội, trong đạo đức lối sống nhằm gây bất bình, mất niềm tin trong nhân dân; tích cực đội lốt các hoạt động từ thiện, hỗ trợ, cứu trợ đồng bào khó khăn để tuyên truyền chống phá chế độ, đồng thời tung tin thất thiệt liên quan đến văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, y tế, giáo dục, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chế độ chính sách, … gây hoang man, bất ổn trong nhân dân.

Âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh có khi trực tiếp tấn công vào tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, có khi gián tiếp tấn công vào cương lĩnh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và phủ nhận thành tựu kinh tế - xã hội đạt được do sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong đó, những luận điệu xuyên tạc gián tiếp là hết sức nguy hiểm, khó nhận diện, khó đấu tranh.  Do vậy, việc nhận diện rõ âm mưu, phương thức, thủ đoạn của kẻ thù để xác định trách nhiệm, nghĩa vụ tham gia bảo vệ sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Để bảo vệ sự nghiệp cách mạng của Bác, yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải quán triệt, hiểu rõ bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin; tuyệt đối trung thành, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; nâng cao trí tuệ, bản lĩnh cách mạng, lập trường tư tưởng chính trị; tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống trong sạch, văn minh, tiến bộ; nêu cao ý thức trách nhiệm, phát huy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc; kiên quyết, tỉnh táo, khôn khéo đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa.

HUỲNH THANH HIẾU

 

[1]. GS. TS Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng – Một số vấn đề Lý luận và Thực tiễn, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2012, tr.301.

[2]. GS. TS Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng – Một số vấn đề Lý luận và Thực tiễn, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2012, tr.304, 305.

[3]. GS. TS Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng – Một số vấn đề Lý luận và Thực tiễn, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2012, tr.305, 306.

[4]. GS. TS Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng – Một số vấn đề Lý luận và Thực tiễn, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2012, tr.306.

[5]. GS. TS Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng – Một số vấn đề Lý luận và Thực tiễn, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2012, tr.309.

[6]. GS. TS Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng – Một số vấn đề Lý luận và Thực tiễn, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2012, tr.309.

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>