Hậu Giang thực hiện khát vọng phát triển theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng

21/09/2022 | 08:41 GMT+7

Lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc đã được Đảng Cộng sản Việt Nam đề cập cụ thể trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII, đây là một điểm mới vô cùng nổi bật của Đại hội. Văn kiện nhấn mạnh: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị của nền văn hoá, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước”. Khát vọng phát triển dân tộc giàu mạnh, hùng cường là một động lực thúc đẩy dân tộc ta tiến lên, khắc phục đói nghèo, lạc hậu, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, nguy cơ tụt hậu về kinh tế. Đó là khát vọng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, cũng là khát vọng của nhân dân Hậu Giang.

Hậu Giang là tỉnh trẻ mới được chia tách từ năm 2004 và là một tỉnh thuần nông với quy mô kinh tế nhỏ so với các tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và trong cả nước. Sau hơn 15 năm phát triển và trưởng thành, Hậu Giang đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nếu như khi tách tỉnh Hậu Giang chỉ có 01 cụm công nghiệp, thì đến nay, năm 2020, Hậu Giang đã xây dựng được 02 khu công nghiệp và 08 cụm công nghiệp; cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, nhiều khu đô thị mọc lên khắp nơi; tốc độ tăng trưởng trung bình khá (6,3%/năm); GRDP hàng năm luôn tăng (năm 2020 là 49,96 triệu đồng/người)...

Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 11% - cao nhất từ trước đến nay, đứng thứ nhất Đồng bằng sông Cửu Long – xếp thứ 8 cả nước. Trong đó, công nghiệp tăng trưởng đột phá 30,8%, nông nghiệp tăng trưởng 4,49% - đây là mức tăng cao nhất trong 10 năm qua. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 68,8% dự toán Trung ương giao. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được chú trọng, an ninh, chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Thành quả trên chính là công sức của nhiều thế hệ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên và nhân dân Hậu Giang đã đồng lòng, chung sức vượt qua vô vàng khó khăn, thách thức để vươn lên bằng ý chí và khát vọng phát triển Hậu Giang văn minh, giàu đẹp.

Tuy nhiên, theo đánh giá chung, bên cạnh những kết quả ấn tượng trong phát triển kinh tế - xã hội, Hậu Giang còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Ông Nghiêm Xuân Thành - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhận định: kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu đồng bộ, còn nhiều điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội, quy mô kinh tế nhỏ, nguồn thu ngân sách thấp… Do đó, để phát triển Hậu Giang, phải có đủ quyết tâm để biến tiềm lực thành nguồn lực, biến khát vọng thành hành động thiết thực và hiệu quả.

Với chủ trương xây dựng đất nước phồn vinh, Văn kiện Đại hội XIII cũng xác định mục tiêu cụ thể: Phấn đấu đến năm 2025, nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Chung tay thực hiện khát vọng phát triển đất nước, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hậu Giang cũng quyết tâm thực hiện khát vọng phát triển tỉnh nhà với mục tiêu: “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng Đảng bộ, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát triển bền vững, hài hoà giữa kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường; huy động nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên công nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững; khuyến khích đầu tư lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khá”. Để biến mục tiêu thành hiện thực, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, chính sách thiết thực, quyết liệt với mục tiêu cụ thể như: đưa Hậu Giang vào top 3 các địa phương có môi trường kinh doanh tốt nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt từ 8 - 10%/năm; đến năm 2030 trở thành tỉnh có nền công nghiệp ở mức khá, không còn là tỉnh khó khăn.  Đồng thời, tranh thủ và tận dụng tối đa sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Trung ương vào công cuộc xây dựng, kiến thiết tỉnh nhà.

Trong buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hậu Giang vào ngày 17/7/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Hậu Giang cần phát huy mạnh mẽ nội lực, đi lên với tinh thần tự lực, tự cường, tận dụng tiềm năng, lợi thế của tỉnh, nhất là từ nguồn lực con người, điều kiện thiên nhiên, văn hoá, lịch sử…Từ đó, Thủ tướng cũng gợi mở một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và đồng thời cũng lưu ý rằng “Hậu Giang phải tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung, trong đó có nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị”.

Trên cơ sở gợi mở của Thủ tướng Phạm Minh Chính và các ý kiến của lãnh đạo bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đã và đang mạnh dạn tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá: Một là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực lãnh đạo chủ chốt các cấp; Hai là, hoàn thiện đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách, tập trung cải cách hành chính mạnh mẽ; Ba là, xây dựng chiến lược phát triển và quy hoạch tỉnh Hậu Giang. Để hiện thực hoá khát vọng, lãnh đạo tỉnh cũng chỉ đạo thực hiện các hoạt động hết sức thiết thực như: thư kêu gọi hiến kế ý tưởng của Bí thư Tỉnh uỷ Hậu Giang; khuyến khích cán bộ, đảng viên, người lao động thực hiện “6 dám”; xây dựng các đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới hình thức tuyển chọn các chức danh lãnh đạo, quản lý trên địa bàn; thực hiện quy hoạch tỉnh theo “nhất tâm, nhị tuyến, tam thành, tứ trụ, ngũ trọng tâm”…

Hậu Giang là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng, nằm ở nơi tương đối trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có vai trò kết nối và phát triển vùng. Xây dựng và phát triển tỉnh Hậu Giang theo đúng định hướng của Văn kiện Đảng bộ lần thứ XIV của tỉnh Hậu Giang, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là nhiệm vụ chính trị quan trọng và có ý nghĩa nhiều mặt của tỉnh, của vùng và của cả nước.

Thực tiễn chứng minh rằng, dù trong bất kỳ khó khăn, thử thách nào, nếu chúng ta đủ quyết tâm, đủ sức mạnh và ý chí thì sẽ có cơ hội để biến mục tiêu thành hiện thực. Do đó, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hậu Giang có đủ cơ sở để tin tưởng rằng, với quyết tâm và ý chí chính trị như hiện nay, tỉnh Hậu Giang sẽ hiện thực hoá được khát vọng phồn vinh, hạnh phúc, góp phần đưa Hậu Giang ngày càng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng nâng cao, từng bước thực hiện những nhiệm vụ, mục tiêu của Đảng trong việc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo Văn kiện Đại hội XIII.

Đại hội XIII của Đảng với những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ, hợp lòng dân, hợp thời đại, với sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, ý chí mạnh mẽ, khát vọng phát triển mãnh liệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta tin tưởng rằng Đảng Cộng sản Việt Nam nhất định sẽ hoàn thành xuất sắc trọng trách của mình. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta sẽ chung sức, đồng lòng, vượt qua được những khó khăn, thử thách, phát huy được thuận lợi, thời cơ, sẽ thực hiện được những mục tiêu của Đại hội đề ra, đưa nước ta trở thành nước phát triển, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội./.

NGUYỄN THỊ HOÀNG MINH

Tài liệu tham khảo:

1.Nguyễn Phú Trọng: “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới” Tạp chí Cộng sản, số 949, trang 10-11.

2.Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 110.

3. Văn kiện Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV (nhiệm kỳ (2020 – 2025).

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>