Trường chuẩn Quốc gia Hậu Giang đứng đầu khu vực: Khi Nghị quyết đi vào cuộc sống

27/01/2023 | 08:16 GMT+7

Bài 2: “Chìa khóa vàng” nâng chất lượng giáo dục toàn diện

Hậu Giang phấn đấu đạt tỷ lệ 85% trường đạt chuẩn quốc gia vào năm 2025. Nỗ lực về đích, lấy chất lượng làm thương hiệu giáo dục Hậu Giang theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025. Đây được xem là “Chìa khóa vàng” nâng chất lượng giáo dục toàn diện.

Được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân, thành phố Vị Thanh, quyết tâm xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.

Những con số ấn tượng

Theo chỉ tiêu phân kỳ, năm 2022, toàn tỉnh có 82% trường học đạt chuẩn quốc gia, năm 2023 là 83%, năm 2024 sẽ là 84% và năm 2025 sẽ là 85%.

Bà Trần Thị Huyền, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Chọn xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là điểm đột phá nâng chất lượng giáo dục toàn diện cho các trường. Năm 2023, ngành xác định cùng với việc kiểm tra, công nhận các trường đạt chuẩn mới, chúng tôi sẽ tập trung kiểm tra để công nhận tiếp tục trường đã đạt chuẩn sau 5 năm, nếu đạt sẽ đề nghị UBND tỉnh công nhận, kiên quyết không để nợ chuẩn. Trường nào chưa đạt 5/5 tiêu chuẩn sẽ phải chủ động khắc phục mới công nhận”.

Được Sở Giáo dục và Đào tạo thống nhất kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đạt mức độ 2 và đang đề nghị UBND tỉnh công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, đối với thầy và trò Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân, thành phố Vị Thanh là cả một niềm vui sau nhiều năm phấn đấu xây dựng chuẩn. Ông Nguyễn Minh Đoàn, Phó Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Được công nhận đạt chuẩn quốc gia là mục tiêu không hề dễ dàng, nhà trường phải bám sát rất kỹ thông tư hướng dẫn về xây dựng trường chuẩn quốc gia, để triển khai từng tiêu chuẩn một. Quá trình xây dựng các tiêu chuẩn trường phải tự đánh giá trước khi đăng ký đánh giá chính thức”.

Điểm khó của Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân khi xây dựng đạt chuẩn là tiêu chí cơ sở vật chất và thiết bị dạy học. Trước đây trường không có phòng chức năng, nhà trường chỉ có 1 văn phòng dùng chung cho ban giám hiệu, kế toán, thủ quỹ… Việc được đưa vào sử dụng 5 phòng học, 6 phòng chức năng mới đã giúp trường đảm bảo phòng lớp học tập hoàn chỉnh. Nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục từng ngày, tranh thủ các ngoại lực trong đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, đến nay trường đã có phòng lớp học tập khang trang, trang thiết bị dạy và học hiện đại, với tổng số 27 phòng học, phòng chức năng, hệ thống hàng rào khép kín toàn bộ khuôn viên, sân chơi cho học sinh, nhà xe cho giáo viên và học sinh, nhà bảo vệ… Tuy đạt chuẩn có trễ hơn so với kế hoạch 3 năm, do thiếu kinh phí xây dựng giai đoạn 2, nhưng kết quả hiện nay là một niềm tự hào, bước đệm quan trọng để nhà trường khẳng định chất lượng dạy và học.

Còn với Trường Tiểu học Kim Đồng, huyện Phụng Hiệp, không gì vui bằng sau quá trình phấn đấu, trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 vào cuối năm học 2020-2021. Ông Nguyễn Thành Trung, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Có được kết quả như hôm nay, chúng tôi đã được đầu tư, hỗ trợ rất nhiều. Nhất là cơ sở vật chất, với 14 phòng học, 8 phòng chức năng được xây dựng mới, đáp ứng đủ nhu cầu dạy 2 buổi/ngày cho học sinh. Năm học mới 2021-2022, Trường Tiểu học Kim Đồng có trên 300 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5”.

Nỗ lực về đích, lấy chất lượng làm thương hiệu giáo dục Hậu Giang 

Ông Phan Văn Nhớ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vị Thanh, cho biết: “Chúng tôi đã tiến hành rà soát và tập trung kiểm tra, đầu tư toàn diện để công nhận các trường đã đạt chuẩn sau 5 năm. Khó khăn là năm 2022, thành phố có 12 trường quá niên hạn công nhận lại, cơ sở vật chất xuống cấp nhiều, cần nguồn kinh phí rất lớn để nâng cấp, sửa chữa. Chúng tôi tranh thủ các nguồn lực, lồng ghép vào các chương trình mục tiêu quốc gia như trong xây dựng xã nông thôn mới. Năm 2022 này, tất cả các điểm trường đều đảm bảo 5/5 tiêu chuẩn theo quy định để được công nhận tiếp tục. Năm 2023, dự kiến sẽ nâng chuẩn thêm 1 trường tiểu học đạt mức độ 2”.

Xác định đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia sẽ góp phần nâng cao chất lượng toàn diện cho từng trường. Tuy nhiên, thành phố xác định: Không vì thành tích mà xem nhẹ chất lượng. Trường nào chưa hoàn thiện thì tiếp tục đầu tư, đảm bảo tất cả các tiêu chuẩn mới gửi hồ sơ tỉnh kiểm tra công nhận. Thành phố Vị Thanh hiện có 26/30 trường học từ mầm non đến THCS đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, chiếm tỷ lệ 86,7%: mầm non, mẫu giáo 10/10 trường đạt chuẩn, tiểu học 12/14 trường, THCS 4/6 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Trong đó, đã có 3 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, việc có thêm Trường Mầm non Hoa Hồng đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, đã giúp ngành giáo dục và đào tạo thành phố vươn lên dẫn đầu cả tỉnh về số lượng trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, với 4 trường đạt chuẩn.

Trường Mầm non Hoa Hồng, thành phố Vị Thanh đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Với huyện Phụng Hiệp, để đạt được chỉ tiêu 85% trường đạt chuẩn quốc gia vào năm 2025, ông Trần Mê Ly, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, chia sẻ: “Chúng tôi đã chủ động xây dựng kế hoạch và lộ trình cụ thể theo từng năm để chọn trường đầu tư phù hợp. Khó khăn trong xây dựng trường chuẩn ở huyện Phụng Hiệp là thiếu kinh phí đầu tư, số lượng trường nhiều, các trường cần đầu tư chuẩn hiện nay được xây dựng từ lâu, nên cần nguồn kinh phí sửa chữa, xây dựng mới rất lớn…”. Huyện Phụng Hiệp hiện có tỷ lệ hơn 84% trường học đạt chuẩn quốc gia.

Là trường THCS đầu tiên xây dựng đạt chuẩn mức độ 2 trong năm học 2021-2022, ông Trần Thanh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Chúng tôi đã xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Đây là cả một niềm vui và vinh dự to lớn cảu nhà trường. Nhờ tập trung xây dựng trường chuẩn, chúng tôi được đầu tư toàn diện cả về cơ sở vật chất, phòng lớp, bổ sung trang thiết bị dạy học, xây dựng các mô hình học tập tích cực nâng cao chất lượng giáo dục, rèn kỹ năng sống cho học sinh trường”.

Chia sẻ về mục tiêu phấn đấu xây trường chuẩn, bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Chính sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời, sâu sát của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân và phát huy sức mạnh nội lực của toàn ngành giáo dục và đào tạo, đã góp phần giúp chúng tôi luôn hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao”. Xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn này sẽ khó khăn, cần sự kiên quyết, hỗ trợ nhiều hơn trước. Hiện nay, các trường đạt chuẩn mới và tiếp tục được công nhận lại cần nguồn kinh phí rất lớn, quỹ đất nhiều. “Lãnh đạo tỉnh và ngành cũng xác định: Trường chuẩn quốc gia phải thực chất, phải điển hình, để khẳng định thương hiệu giáo dục của tỉnh nhà với các tỉnh bạn và khu vực”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định.

19 năm xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, Hậu Giang luôn để lại những dấu ấn nổi bật và thành quả đáng tự hào, khơi nguồn, tạo sự bứt phá nâng tầm chất lượng giáo dục và đào tạo! Với quyết tâm cao, Hậu Giang phấn đấu đạt tỷ lệ 85% trường đạt chuẩn quốc gia vào năm 2025, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025.

Tăng 255 trường chuẩn so với khi mới thành lập tỉnh

Đầu nhiệm kỳ 2015-2020, toàn tỉnh có 141/339 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 41,6%, tăng 133 trường so với năm 2004 và chỉ có 1 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Sau thời gian phấn đấu, đến nay con số này đã được tăng lên gần gấp đôi với 263/317 trường học từ mầm non đến THPT đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 82,97%.

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>