Xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao

30/03/2018 | 11:18 GMT+7

Để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết về “Xây dựng và phát triển Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang đến năm 2025” nhằm sử dụng, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Công ty thực phẩm của Hàn Quốc cũng đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: TRÚC LINH

Việc phát triển Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ từng bước đưa ngành nông nghiệp Hậu Giang phát triển đột phá theo hướng công nghệ cao, góp phần tăng trưởng GRDP theo hướng bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Những kết quả bước đầu

Qua 4 năm triển khai thực hiện, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từng bước đi vào ổn định và đạt được một số kết quả bước đầu. Nhất là đã lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang đến năm 2025; lập và phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu vực trung tâm 415ha, Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Tiểu khu hành chính 14ha và đang triển khai lập đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu thực nghiệm, trình diễn 31,95ha. Ngoài ra, cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh thực hiện theo Quyết định số 1066/QĐ-TTg ngày 03/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang đến năm 2025. Lập Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư; triển khai nâng cấp tuyến Đường tỉnh 930 nối từ trung tâm thị xã Long Mỹ đến Khu nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng một cầu tạm và một đường tạm trong khu vực trung tâm.

Nhiều mô hình trình diễn giống lúa tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang cho kết quả khả quan. Ảnh: CHÍ CÔNG

Bên cạnh đó, còn thực hiện được 2 dự án khoa học cấp bộ và cấp tỉnh là dự án “Ứng dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến và công nghệ sản xuất giống hiện đại phát triển giống lúa chất lượng cao tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”, thời gian thực hiện 36 tháng; dự án “Trình diễn và xây dựng quy trình kỹ thuật phù hợp cho các giống lúa có năng suất, chất lượng cao làm nền tảng phục vụ cho phát triển sản xuất của Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”, thời gian thực hiện 30 tháng. Đã ban hành cơ chế, chính sách sử dụng đất tại Khu nông nghiệp công nghệ cao; quy định về chính sách ưu đãi và hỗ trợ trong thu hút đầu tư và quy định về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2015-2020. Tổ chức, tham gia nhiều hội nghị, sự kiện kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản...; tham gia Câu lạc bộ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của các tỉnh phía Nam; ký kết hợp tác với Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. Đến nay, đã có một nhà đầu tư được UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư, đang triển khai thực hiện thủ tục giải phóng mặt bằng.

Ông Lê Hoàng Xuyên, Giám đốc Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang, cho biết: Khu nông nghiệp được chọn là nơi có tập quán sản xuất lúa lâu đời. Bên cạnh đó, vùng này dần hình thành nhiều loại cây ăn trái có giá trị cao và người dân bắt đầu nuôi tôm tại vùng ven đê bao vào mùa xâm nhập mặn. Trong các phân khu thì có khu kêu gọi đầu tư thủy sản, lúa, cây trồng cạn và vi sinh; khu thực nghiệm trồng cây trồng cạn và vi sinh, khu thực nghiệm và trình diễn lúa. Hiện nay, Ban quản lý và địa phương đã vận động được nhiều hộ tham gia các dự án thử nghiệm, bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực.

Vẫn còn nhiều vướng mắc

Điều dễ nhận thấy là hệ thống cơ sở hạ tầng tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh còn thiếu và yếu, chưa được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh. Tuyến Đường tỉnh 930 từ trung tâm thị xã Long Mỹ đến Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tuy đang được nâng cấp, mở rộng nhưng phạm vi còn hẹp và yếu về tải trọng, chưa đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến đầu tư tuy có chú trọng nhưng hiệu quả còn thấp; việc huy động, kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT, BT, PPP, vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác còn hạn chế.

Ngoài ra, chưa xây dựng được quy định về giá đất cho thuê tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để làm cơ sở cho việc xem xét tính tiền thuê đất, giảm, miễn tiền thuê đất khi doanh nghiệp vào đầu tư. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng Khu vực trung tâm để tạo quỹ đất sạch chưa được triển khai. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc xây dựng và phát triển Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thời gian qua tuy được quan tâm nhưng chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Đặc biệt là sự phối hợp, liên kết với các viện, trường trong việc đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu các đề tài khoa học chưa đi vào chiều sâu, chưa phát huy hiệu quả.

Theo nhận định của Tỉnh ủy Hậu Giang, vấn đề này là do nguồn lực đầu tư cho hệ thống kết cấu hạ tầng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa đáp ứng so với nhu cầu. Nguồn vốn đầu tư chủ yếu là từ ngân sách nhà nước, chưa huy động được nguồn vốn đầu tư từ xã hội. Các ngành chức năng chưa chủ động trong tham mưu, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, nhất là các giải pháp chiến lược, đột phá đủ mạnh để vực dậy nguồn lực từ xã hội tham gia đầu tư. Cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi trong thu hút đầu tư chưa thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư, nhất là đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền trong xây dựng và phát triển Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tuy có quan tâm nhưng chưa đi vào chiều sâu, chưa đúng mức. Các ngành chuyên môn liên quan, Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang chưa vận dụng, phát huy hết nội lực hiện tại.

Bí thư Tỉnh ủy Lữ Văn Hùng cho rằng phải tiếp tục tuyên truyền, quán triệt rộng rãi trong hệ thống chính trị và Nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Khẳng định ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của phát triển ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp là nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, giúp ngành nông nghiệp Hậu Giang phát triển bền vững, có tính cạnh tranh cao. Bên cạnh đó, xây dựng và phát triển Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm phát huy thế mạnh và tiềm năng, lợi thế về tài nguyên, đất đai, thổ nhưỡng... tại huyện Long Mỹ nói riêng, phát triển toàn ngành nông nghiệp của tỉnh nói chung. Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư theo các hình thức đầu tư hiệu quả, đảm bảo tính công khai, minh bạch. Tăng cường nguồn lực của tỉnh, tranh thủ nguồn vốn từ Trung ương và các nguồn vốn hợp pháp khác từ xã hội để đầu tư nâng cấp, hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng. Ưu tiên đầu tư thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng các tuyến đường, dự án trọng điểm trong Khu vực trung tâm theo quy hoạch được duyệt.

Bí thư Tỉnh ủy cũng cho rằng, cần xây dựng cơ chế giám sát, quản lý, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, trong đó ưu tiên đổi mới cách thức thẩm định, đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư vừa đạt hiệu quả kinh tế, vừa đạt hiệu quả trong đầu tư. Xây dựng giải pháp, kế hoạch cụ thể, phân kỳ thực hiện; xác định nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ cấp bách, đột phá phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và nhu cầu của xã hội. Trong đầu tư xây dựng và phát triển Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần có cách tiếp cận mang tính căn cơ, lâu dài, có cân nhắc, tính toán, quản trị rủi ro, tránh việc đầu tư manh mún, “nhỏ giọt” không tạo ra giá trị gia tăng, dẫn đến hao phí nguồn lực. Ngoài ra, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý, ưu đãi, hỗ trợ thu hút đầu tư; đẩy mạnh phối hợp, nghiên cứu giống mới chất lượng cao và chuyển giao khoa học công nghệ, cũng như tăng cường phối hợp giữa các ngành, địa phương, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư...

HOÀI THU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>