Tuyên truyền miệng góp phần định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân

19/07/2022 | 01:13 GMT+7

Phát huy kết quả đạt được về tuyên truyền miệng, ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, vừa yêu cầu các cấp ủy đảng tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 17. Đối với các báo cáo viên Trung ương, báo cáo viên cấp tỉnh, cấp huyện cần phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong công tác tuyên truyền miệng.

Một hội nghị tuyên truyền do phường IV, thành phố Vị Thanh tổ chức trong đồng bào dân tộc Khmer.

Tỉnh ủy đánh giá, qua 15 năm thực hiện Chỉ thị số 17 ngày 15/10/2007 của Ban Bí thư khóa X về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Tuy nhiên, để công tác tuyên truyền miệng từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn mới, thời gian tới cần đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức, phương thức hoạt động tuyên truyền, góp phần ổn định tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Công tác tuyên truyền miệng được thực hiện hiệu quả

Xác định Chỉ thị số 17 của ý nghĩa quan trọng nên Đảng ủy phường IV, thành phố Vị Thanh đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt chỉ thị này, nổi bật là tập trung xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đảm bảo về số lượng và chất lượng, đủ khả năng thực hiện tốt nhiệm vụ trong tình hình mới.

Ông Phan Văn Quý, cán bộ tuyên giáo - dân vận Đảng ủy phường IV, cho biết, trên địa bàn phường hiện có 26 báo cáo viên, tuyên truyền viên được lựa chọn theo hướng chú trọng chất lượng, hiệu quả hoạt động. Nhờ đó mà hoạt động tuyên truyền miệng trên địa bàn huyện ngày càng đi vào chiều sâu; lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên thực sự là cầu nối giữa dân với Đảng trong công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, tình hình thời sự của địa phương. Đa số báo cáo viên, tuyên truyền viên trên địa bàn đều được bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công tác tuyên truyền miệng, công tác tuyên giáo ở cơ sở.

“Sự phát triển của công nghệ thông tin đã tạo điều kiện cho lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên tiếp cận nhanh hơn với nội các văn bản chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, cũng như các thông tin thời sự cần phải tuyên truyền. Nhờ vậy mà nội dung thông tin tuyên truyền bảo đảm được tính kịp thời, toàn diện, nâng cao tính định hướng, tính chiến đấu, tính thiết thực. Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ chuyển tải thông tin đến với người nghe, đội ngũ báo cáo viên còn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, kịp thời phản ánh để các cơ quan chức năng xem xét giải quyết theo thẩm quyền”, ông Quý chia sẻ.

Những năm qua, lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên của phường IV đã tuyên truyền có chiều sâu các thông tin thời sự, nhiệm vụ chính trị, phong trào thi đua do các cấp, các ngành phát động đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Nổi bật là tuyên truyền về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; công tác phòng, chống dịch Covid-19…

Đáng chú ý là phường đã thực hiện tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị kể trên bằng tiếng Việt và tiếng Khmer tại chùa Pô Thy Răng Sây, ở khu vực 1, nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống. Theo đó, cán bộ tuyên giáo, báo cáo viên của phường tuyên truyền bằng tiếng Việt trước, sau đó đại đức Danh Vũ Linh, Trụ trì chùa Pô Thy Răng Sây, sẽ tuyên truyền lại các nội dung bằng tiếng Khmer.

Ông Phan Văn Quý, cán bộ tuyên giáo - dân vận Đảng ủy phường IV, cho biết: “Việc tuyên truyền bằng tiếng Việt và tiếng Khmer nhằm giúp cho đồng bào dân tộc Khmer dễ dàng tiếp thu được các nội dung tuyên truyền. Bởi trong thực tế, có một số người dân tộc Khmer biết tiếng dân tộc mình rành rọt hơn tiếng Việt. Do đó, việc tuyên truyền bằng cả tiếng Việt và tiếng Khmer như vậy sẽ giúp chất lượng, hiệu quả tuyên truyền trong đồng bào dân tộc Khmer được cao hơn”.

Ông Danh Xem, ở khu vực 1, phường IV, chia sẻ: “Tôi thấy việc tuyên truyền bằng cả tiếng Việt và tiếng Khmer như vậy là rất hiệu quả, giúp đồng bào Khmer sẽ tiếp thu hơn các nội dung tuyên truyền. Từ đó, nắm rõ và góp sức thực hiện các phong trào, nhiệm vụ ở địa phương”.

Không riêng ở phường IV, công tác tuyên truyền miệng ở thành phố Vị Thanh luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội quan tâm thực hiện. Ông Huỳnh Văn Hưởng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Vị Thanh, cho biết, các cấp ủy đảng trên địa bàn thành phố xem công tác tuyên truyền là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, trong đó công tác tuyên truyền miệng được đánh giá là hiệu quả nhất, là một kênh tuyên truyền nhanh, kịp thời và dễ thực hiện nhất.

“Sự quan tâm giúp đỡ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã giúp lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên của thành phố ngày càng nâng cao sự hiểu biết để làm phong phú thêm thông tin tuyên truyền. Bên cạnh đó, trong những năm qua, lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên thành phố cũng hạn chế được tình trạng bám vào tài liệu, đọc suông, không sát thực tế, điều đó nói lên sự không ngừng nghiên cứu, học hỏi nâng cao nhận thức, nắm chắc chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước của lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên”, ông Hưởng chia sẻ.

Cần phát huy hết trách nhiệm trong tuyên truyền miệng

Kết quả nổi bật qua 15 năm thực hiện Chỉ thị số 17 là hệ thống báo cáo viên, tuyên truyền viên được tổ chức đồng bộ, công tác tiếp nhận, xử lý, chọn lọc và truyền đạt thông tin từ Trung ương đến cơ sở được thực hiện thường xuyên, thông suốt; phương thức tuyên truyền miệng từng bước được đổi mới theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường trao đổi, đối thoại và phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể, giữa lực lượng báo cáo viên cấp tỉnh, cấp huyện và tuyên truyền viên cơ sở với từng đối tượng tuyên truyền.

Ông Phan Minh Chiến, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cho biết, lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên trong tỉnh đã tập trung tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm theo chủ đề hàng năm, các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của tỉnh trong từng nhiệm kỳ đại hội, các sự kiện chính trị, các ngày lễ, kỷ niệm quan trọng của đất nước, của tỉnh, chuyên đề học tập Bác hàng năm và các nội dung tuyên truyền theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương… Qua đó, góp phần định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân trước các vấn đề thời sự quan trọng trong nước và quốc tế, góp phần tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận trong toàn xã hội; củng cố niềm tin, cổ vũ phong trào cách mạng ở địa phương.

Đáng chú ý là tỉnh có một số cách làm hay để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng. Đó là hầu hết báo cáo viên khi thực hiện tuyên truyền miệng đều vận dụng kết hợp thuyết trình với ứng dụng công nghệ thông tin, trình chiếu để minh họa cho các chuyên đề, tạo được sức hấp dẫn, tính thuyết phục, thu hút được sự chú ý của người nghe. Đối với các nội dung liên quan đến công tác chuyên môn của các ngành thì báo cáo viên ngành đó tham gia triển khai báo cáo, đưa ra các thông tin liên hệ thực tiễn và dẫn chứng đa dạng, có số liệu chứng minh, từ đó, chất lượng các chuyên đề được nâng cao, thuyết phục được người nghe.

Đặc biệt là từ năm 2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo thường trực cấp ủy cấp huyện (tương đương) tham gia báo cáo viên cấp tỉnh; cơ cấu thường trực các xã, phường, thị trấn và các đảng ủy trực thuộc cấp ủy cấp huyện vào báo cáo viên cấp huyện. Đây là bước đi đột phá, có ý nghĩa vực dậy mạnh mẽ công tác báo cáo viên, tuyên truyền miệng ở cấp huyện và cơ sở trong thời gian qua. Ngoài ra, tùy điều kiện thực tế, nhiều địa phương triển khai hội nghị báo cáo viên cấp huyện theo hình thức luân phiên, theo cụm; hoặc tổ chức hội nghị báo cáo viên bằng hình thức tập trung, mở rộng thành phần báo cáo viên cấp xã, phường, thị trấn cùng dự. Cách làm này giúp thông tin tuyên truyền được triển khai nhanh chóng và tiết kiệm được kinh phí, thời gian cho đại biểu...

Đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị số 17 của Ban Bí thư, ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, cho rằng nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về vai trò, vị trí, ý nghĩa của công tác tuyên truyền miệng được nâng lên, từ đó tạo được sự chuyển biến rõ rệt trong công tác lãnh đạo điều hành. Chỉ thị số 17 đã được lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Về cơ cấu tổ chức, hình thức, nội dung tuyên truyền đã bám sát hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tỉnh trong từng giai đoạn.

Bên cạnh kết quả đạt được, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng vẫn còn một số cấp ủy chưa quan tâm, xác định đầy đủ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, chưa thật sự coi trọng, phát huy tính tiên phong, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ công tác tuyên truyền. Thủ trưởng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị ít tham gia báo cáo viên mà cử cấp phó hoặc các phòng chuyên môn tham gia. Một số báo cáo viên, tuyên truyền viên chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, chưa chủ động tham mưu và nắm bắt thông tin, còn trông chờ vào sự chỉ đạo của cấp trên. Lực lượng này thường xuyên thay đổi, thiếu tính kế thừa.

Để phát huy kết quả đạt được và khắc phục hạn chế còn tồn tại, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp ủy đảng tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 17. Đối với các báo cáo viên Trung ương, báo cáo viên cấp tỉnh, cấp huyện cần phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong công tác tuyên truyền miệng. Thường xuyên phối hợp tổ chức nắm tình hình diễn biến tâm trạng, tư tưởng, dư luận xã hội qua nhiều kênh thông tin; kịp thời giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc nảy sinh từ thực tiễn, tránh để phát sinh điểm nóng về các vấn đề chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác quản lý lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp; phát động phong trào thi đua để qua đó phát hiện, biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên...

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>