Thi đua đổi mới phát triển toàn diện

26/02/2019 | 08:18 GMT+7

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh có bước chuyển mình tích cực, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

Chất lượng dạy và học ở các trường ngày càng tăng.

Chất lượng giáo dục được nâng cao

Cụ thể, chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non, mẫu giáo được nâng lên, số trường thực hiện bán trú đã đạt 83/85 trường, tăng hơn 15 trường so với thời điểm bắt đầu thực hiện Nghị quyết 29 vào năm học 2013-2014. Cấp tiểu học, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp học năm 2017-2019 đạt 99,35%, tăng 0,5% so với năm học trước. Trong 5 năm, giáo viên, học sinh cấp tiểu học mang về 115 giải thưởng từ các cuộc thi, hội thi cấp quốc gia. Cấp THCS, tỷ lệ học sinh khá, giỏi đạt hơn 67,6%. Cấp THPT đạt hơn 59%, giảm tỷ lệ học sinh yếu kém. Để đạt kết quả trên ngành giáo dục và đào tạo tỉnh đã chỉ đạo các trường tập trung vào đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp học. Triển khai nhân rộng các mô hình học tập hiệu quả để nâng cao ý thức chủ động học tập của học sinh như: Tự hào trang sử Việt Nam, Chia sẻ yêu thương, gây quỹ giúp bạn, Sáng tạo VNEN... Ông Huỳnh Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thuận Hưng 2, huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Từ năm học 2012-2013 đến nay, với việc đưa vào thực hiện mô hình Trường học mới Việt Nam (VNEN), chất lượng giáo dục của trường nâng lên rõ rệt. Giáo viên quan tâm, gần gũi hơn với học trò, học sinh ham thích học tập, tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa hơn”.

Điểm đột phá khi thực hiện Nghị quyết 29 đó là đổi mới căn bản hình thức thi cử và phương pháp kiểm tra đánh giá. Cụ thể, thực hiện thường xuyên đánh giá học sinh bằng nhiều hình thức khác nhau như: đánh giá qua quan sát các hoạt động trên lớp, qua hồ sơ học tập, vở hoặc sản phẩm học tập, kết quả học sinh thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học kỹ thuật, thực hành thí nghiệm... Là một trong những trường nhiều năm qua luôn giữ vững tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 100%, Trường THPT chuyên Vị Thanh, thành phố Vị Thanh, luôn có những cách làm mới trong công tác ôn tập. Ông Lưu Văn Lập, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Vị Thanh, cho biết: “Nguyện vọng của học sinh trường đa phần là thi THPT để lấy điểm xét tuyển vào các trường đại học nên nhà trường đã làm việc với phụ huynh các em, giải thích rõ về tính chất quan trọng của kỳ thi để phụ huynh hiểu phối hợp chặt chẽ với nhà trường. Theo đó, trường phân phối lịch ôn tập phù hợp hàng tuần để thêm thời gian cho các em tự học tại nhà, giới thiệu một số trang web ôn thi trắc nghiệm có uy tín, chất lượng”.

Mạng lưới trường, lớp phát triển

Đổi thay rõ nét nhất qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 29, là quy mô và mạng lưới trường, lớp các ngành học, cấp học được sắp xếp, củng cố, phát triển hợp lý trên các địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội học tập cho mọi người. Công tác phổ cập giáo dục - xóa mù chữ được chú trọng. Đặc biệt, năm 2015, tỉnh được công nhận đạt chuẩn PCGD mầm non trẻ 5 tuổi. Bà Hồ Thị Tuyết Lài, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Năm học 2013-2014, trường được quan tâm, đầu tư xây dựng trường mới với diện tích hơn 3.500m2 gồm 15 phòng, trong đó có 6 phòng học, còn lại là phòng chức năng. Với việc được đầu tư cơ sở mới, khang trang, nhà trường đã đặt ra quyết tâm vươn lên đạt chuẩn quốc gia mức độ 1”. Kết quả là đầu năm 2016 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Xây dựng trường đạt chuẩn là nền tảng cơ bản để người dân đặt niềm tin vững chắc vào chất lượng của trường.

Hiện, toàn tỉnh có 205/336 trường đạt chuẩn quốc gia chiếm tỷ lệ hơn 61% (năm học 2013-2014 số trường đạt chuẩn quốc gia chỉ 80 trường, chiếm tỷ lệ hơn 23%). Ông Nguyễn Hùng Nhiên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Toàn tỉnh đã không còn xã trắng trường mầm non, mẫu giáo. Hầu hết các xã hoặc liên xã đều có trường THCS. Thiết bị, dạy và học được đầu tư hiện đại, Hậu Giang trở thành điểm sáng của khu vực đồng bằng sông Cửu Long về chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp trong độ tuổi tăng theo từng năm. Đó là những kết quả đáng mừng mà ngành giáo dục thực hiện được nhờ Nghị quyết 29”.

Nền tảng phát triển toàn diện

Con số 230 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên có trình độ thạc sĩ, tăng gần gấp 2 lần so với trước khi thực hiện Nghị quyết 29 là một bước đệm vững chắc để ngành giáo dục và đào tạo tỉnh nhà tự tin, tiếp tục khẳng định thương hiệu của mình. Năm 2013, toàn ngành giáo dục chỉ có 139 thạc sĩ. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của ngành giáo dục và đào tạo không ngừng được nâng cao đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục và đào tạo. Từ năm 2013 đến nay, toàn ngành đã cử 5.202 lượt cán bộ, giáo viên tham gia các lớp đào tạo, cử 1.020 lượt nhà giáo, cán bộ quản lý tham gia các lớp bồi dưỡng. Mở được 12 lớp bồi dưỡng, 9 lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông. Đến nay, 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đạt chuẩn quy định, tỷ lệ giáo viên trên chuẩn đạt khá cao.

Là một giáo viên có nhiều kinh nghiệm trong việc bồi dưỡng học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia bộ môn vật lý, thầy Nguyễn Hoàng Thương, giáo viên Trường THPT Tân Phú, thị xã Long Mỹ, chia sẻ: “Kinh nghiệm của tôi đúc kết được là giáo viên chỉ đóng vai trò hướng dẫn, định hướng, hỗ trợ các em nhận dạng các bài tập, câu hỏi, kỹ năng làm bài, còn kết quả, chất lượng là do chính các em học sinh nỗ lực mới có được”. Qua 8 năm phụ trách bồi dưỡng học sinh giỏi môn vật lý, thầy Thương đã vinh dự mang về hơn 20 giải thưởng cấp tỉnh và cấp quốc gia cho nhà trường.

Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Để thực hiện tốt Nghị quyết 29 trong thời gian tới, ngành sẽ tập trung vào đẩy mạnh công tác tuyên truyền về yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đổi mới trong công tác quản lý, tăng quyền tự chủ và chịu trách nhiệm xã hội của các trường, coi trọng quản lý chất lượng, quan tâm rèn kỹ năng tự học, tính tự lực của học sinh, phối hợp hài hòa giữa 3 môi trường giáo dục: nhà trường, gia đình và xã hội, quan tâm bồi dưỡng, nâng chất lượng đội ngũ giáo viên”.

Hậu Giang đã có 205 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ hơn 61%, có 92 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Chất lượng giáo dục các cấp học tăng, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018 đạt 97,81%... Đặc biệt Hậu Giang được nhắc đến là nơi “truyền ngọn lửa sáng tạo khoa học kỹ thuật” trong nhà trường với hơn trăm giải thưởng, sản phẩm sáng tạo của giáo viên, học sinh trong các cuộc thi từ tỉnh đến toàn quốc.

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>