Phát triển đoàn viên, hội viên: Đã thực hiện vượt chỉ tiêu cả nhiệm kỳ

09/11/2018 | 11:16 GMT+7

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra chỉ tiêu số 18: “Phấn đấu đến năm 2020, số hộ có đoàn viên, hội viên các đoàn thể chính trị - xã hội đạt 80%...”. Qua hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện, số hộ có đoàn viên, hội viên trên địa bàn tỉnh chiếm tỷ lệ 80,34%, đạt 100,43% chỉ tiêu nghị quyết. Nhờ đâu mà tỉnh đạt được kết quả đáng phấn khởi này ?

Từ ngày trở thành hội viên HND, bà Nguyễn Thị Diễm Thúy, ở ấp 2A, xã Tân Hòa, thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi.

Qua tìm hiểu thực tế thì nỗ lực nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận và đoàn thể các cấp trên địa bàn tỉnh là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến kết quả này.

Nhờ nâng chất hoạt động

Đầu năm đến nay, Hội Nông dân (HND) xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, đã kết nạp được 41 hội viên, trong khi chỉ tiêu được giao là 38 trường hợp.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thoa, Chủ tịch HND xã Tân Hòa, cho biết, “bí quyết” để HND xã thực hiện tốt chỉ tiêu trên hàng năm là nhờ chất lượng hoạt động của HND xã và chi hội ở các ấp ngày càng nâng lên, nhất là trong hoạt động luôn đặt lợi ích của hội viên lên hàng đầu.

Chẳng hạn như trong nhiệm kỳ 2012-2018, HND xã đã đẩy mạnh công tác chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất của nông dân. Trong đó, phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức cho hội viên, nông dân tham gia nhiều hội thảo, tập huấn; xây dựng Câu lạc bộ “Nông dân ứng dụng công nghệ thông tin” với 9 thành viên nhằm áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh.

Song song đó, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững cũng rất được chú trọng.

Hàng năm, HND xã phát động rộng rãi trong cán bộ, hội viên và nông dân tham gia đăng ký hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; cử cán bộ hội và cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn xây dựng mô hình làm ăn có hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, toàn xã có 1.060 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; 493 mô hình có thu nhập từ 100 triệu đồng/ha/năm trở lên.

Đặc biệt là các chi hội nông dân ở xã đã thực hiện tốt việc giúp đỡ hộ nghèo thông qua hình thức giúp vốn tương trợ, vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội và vốn từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân. Kết quả là trong nhiệm kỳ 2012-2018, các chi HND trên địa bàn xã đã giúp đỡ cho 165 hộ thoát nghèo.

“Vì thấy HND xã và chi HND các ấp hoạt động có hiệu quả và mang về nhiều lợi ích thiết thực cho hội viên nên khi chúng tôi mở lời vận động thì nhiều người dân sẵn sàng tham gia vào tổ chức hội. Đó là thuận lợi lớn của chúng tôi trong công tác phát triển hội viên hàng năm”, bà Thoa nhấn mạnh.

Nghe HND xã “mời gọi” vào tổ chức hội, bà Nguyễn Thị Diễm Thúy, ở ấp 2A, xã Tân Hòa, gật đầu đồng ý và được kết nạp vào tháng 4 năm nay. Nhà bà Thúy có 2 công đất trồng hạnh và thuê 21 công đất của người khác để trồng lúa.

Bà Thúy chia sẻ: “Từ ngày trở thành hội viên HND, mấy lần tôi được tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi do ngành chức năng các cấp tổ chức. Mỗi lần dự sinh hoạt chi hội, tôi đã trao đổi, học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm hay về cách chăm sóc hạnh, lúa để đạt hiệu quả cao”.

Nỗ lực phát triển đoàn viên, hội viên

Giống như HND xã Tân Hòa, HND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Châu Thành A đều nỗ lực thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu phát triển mới hội viên được giao hàng năm. Nhờ vậy đến nay, 82,31% số hộ trên địa bàn huyện là hội viên HND.

Ông Trần Quốc Trung, Chủ tịch HND huyện Châu Thành A, cho biết: “Chúng tôi đã triển khai nhiều giải pháp để đạt được kết quả đáng phấn khởi này, trong đó đề cao các giải pháp chăm lo thiết thực đến đời sống hội viên, nông dân như: xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả; đẩy mạnh dịch vụ tư vấn đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất; phối hợp hỗ trợ cho hội viên, nông dân vay vốn sản xuất”.

Huyện ủy Châu Thành A đánh giá, các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp thiết thực trong công tác phát triển đoàn viên, hội viên thời gian qua. Trong đó, quan tâm xây dựng tổ chức hội vững mạnh, tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng chất hoạt động các chi, tổ hội ở ấp để đảm bảo hoạt động đúng theo điều lệ, hướng dẫn. Kết quả, qua nửa nhiệm kỳ 2015-2020, số hộ có đoàn viên, hội viên chiếm tỷ lệ 83,94% trong tổng số hộ trên địa bàn (chỉ tiêu nghị quyết của cả nhiệm kỳ là 80%).

Trong khi đó, qua nửa nhiệm kỳ 2015-2020, các đoàn thể trên địa bàn thành phố Vị Thanh đã phát triển mới 1.186 hộ có hội viên, nâng tổng số hộ có đoàn viên, hội viên trên địa bàn lên 15.169 hộ, đạt 97,38% so với nghị quyết.

Kết quả này phản ánh sự nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể trên địa bàn thành phố trong công tác này. Trước hết, các cấp, các ngành đã tích cực tuyên truyền cho người dân hiểu được ý nghĩa, vai trò của việc tham gia các đoàn thể. Đồng thời, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi, tổ hội theo hướng đa dạng, phong phú gắn với hỗ trợ, giúp đỡ đoàn viên, hội viên, tạo động lực để bà con gắn bó với các tổ chức đoàn thể.

Theo đánh giá của Ban Dân vận Tỉnh ủy, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã chú trọng phát triển đoàn viên, hội viên theo hướng nâng cao chất lượng. Các đơn vị đã nỗ lực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với thực tiễn, từng bước đáp ứng nhu cầu của đoàn viên, hội viên và Nhân dân; tích cực rà soát, nắm bắt nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên để có biện pháp hỗ trợ giúp nâng cao đời sống của bà con. Nhất là công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, tăng cường giúp người dân có nhận thức đầy đủ hơn về ý nghĩa, vai trò của việc tham gia các tổ chức đoàn thể.

Tỷ lệ 80,34% số hộ dân trên địa bàn tỉnh có đoàn viên, hội viên là kết quả đáng phấn khởi và mang nhiều ý nghĩa tích cực. Bởi một khi tham gia vào tổ chức đoàn thể thì đoàn viên, hội viên sẽ được tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các phong trào cách mạng của địa phương. Từ đó, giúp họ hiểu rõ để sống, lao động, làm việc theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Mặc dù vậy, theo chia sẻ của nhiều người, hoạt động của các đoàn thể nói chung, công tác phát triển đoàn viên, hội viên của các đoàn thể nói riêng hiện nay đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Trước hết, do kinh tế thị trường tác động, mọi người đi làm xa ở các công ty, doanh nghiệp nên ít có thời gian tham gia tổ chức đoàn thể ở cơ sở; một số phong trào của các đoàn thể ở cơ sở còn hình thức, chưa duy trì thường xuyên, thiếu tính bền vững, còn dàn trải, thiếu tính đột phá, hiệu quả chưa cao.

Mặt khác, mong muốn của đoàn viên, hội viên khi tham gia hội, đoàn thể là phải có quyền lợi thiết thực, như vay nhiều vốn, được học nghề, giới thiệu việc làm, trang bị kỹ năng sống... Điều này đã, đang đặt ra cho các đoàn thể phải có giải pháp không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động và chất lượng trong việc phát triển đoàn viên, hội viên.

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>