Hoàn thiện đồng bộ được các thể chế, chính sách phục vụ mục tiêu phát triển

21/04/2022 | 23:32 GMT+7

Thông tin trên được ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, cho biết tại Hội nghị tiếp xúc, đối thoại với 300 công chức, viên chức, đoàn viên công đoàn, công nhân và người lao động trong tỉnh mới đây.

Hậu Giang đang bám sát quy hoạch xây dựng hạ tầng giao thông theo hướng kết nối với các tuyến cao tốc vào các khu vực sẽ được tỉnh tập trung phát triển công nghiệp, đô thị.

“Chúng ta đã hoàn thiện đồng bộ các thể chế, chính sách. Đây là 1 trong 3 đột phá chiến lược mà tỉnh Hậu Giang chúng ta đề ra trong giai đoạn 2021-2025. Nhất là hoàn thiện đồng bộ được các thể chế, chính sách phục vụ mục tiêu phát triển”, ông Nghiêm Xuân Thành nhấn mạnh.

Phải có khát vọng và quyết tâm, nỗ lực cao

Làm rõ thêm điều đó, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, năm 2021, tỉnh tập trung ban hành 21 văn bản, nghị quyết, đề án để cụ thể hóa Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2020-2025. Có thể khẳng định, chưa bao giờ trong thời gian ngắn, tỉnh đã ban hành đồng bộ các thể chế, chính sách, trong đó có các thể chế, chính sách và định hướng phát triển trong 5 năm, 10 năm và cho cả giai đoạn dài hơi trong thời gian tới.

Đặc biệt là tỉnh đã thông qua định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, 2026-2030 và tầm nhìn đến năm 2050; ban hành Nghị quyết phát triển “4 trụ cột” là công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch. “Bốn trụ cột” này được xem là “xương sống”, nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội của Hậu Giang trong thời gian tới. Bởi Chương trình hành động số 50 của tỉnh đã đề ra là đưa Hậu Giang từng bước phát triển ở mức cao hơn mức bình quân của khu vực và cả nước.

Kết thúc năm 2021, Hậu Giang đạt mức tăng trưởng 3,08%; cao hơn mức bình quân của khu vực hơn 1% và cả nước 0,5%. Thu ngân sách cao nhất từ trước đến nay, đạt 4.400 tỉ đồng, vượt hơn 30% so dự toán Trung ương giao. Công tác an sinh, phúc lợi xã hội cơ bản đảm bảo, đời sống Nhân dân ổn định; hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy chính quyền tiếp tục được tăng cường; công tác cải cách hành chính chuyển biến tích cực, góp phần đảm bảo tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Tỉnh ủy cũng đã thông qua định hướng phát triển chiến lược tỉnh Hậu Giang và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020-2025. Trong đó, xác định quy mô kinh tế của tỉnh đang đứng thứ 13/13 tỉnh, thành ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long; năng suất lao động về nông nghiệp chỉ đạt 70% so với bình quân của khu vực và thấp hơn nhiều so với cả nước. Đáng ghi nhận là tỉnh ta đã nhìn thấy “điểm nghẽn” trong tăng trưởng và phát triển thời gian qua.

Một trong các điểm nghẽn đó là nguồn lực cho phát triển, cụ thể là nguồn thu ngân sách thấp cũng như nguồn lực về hạ tầng giao thông, khu công nghiệp. “Nếu chúng ta không giải quyết được các điểm nghẽn có tính căn cốt này thì dứt khoát tỉnh nhà không phát triển, thậm chí Hậu Giang sẽ tiếp tục đi xuống. Trên cơ sở nhận diện đó, Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thảo luận và thống nhất thông qua mục tiêu đề ra rất an tâm”, ông Nghiêm Xuân Thành cho biết.

Đó là đến năm 2025, Hậu Giang phải cải thiện chính sách về quy mô kinh tế, thu ngân sách so với khu vực và cả nước. Theo đó, tỉnh đề ra tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 7-7,5% trở lên và phấn đấu cao hơn mức chung của khu vực và cả nước; đồng thời phấn đấu tăng thu nội địa với mức tăng tối thiểu 15% so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra. “Muốn vậy phải có khát vọng và quyết tâm, nỗ lực cao thì mới có thể đạt được mục tiêu hướng đến”, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định.

Sẽ hiện thực hóa theo lộ trình, giải pháp cụ thể

Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy, vấn đề điểm nghẽn mà tỉnh đã xác định còn là hạn chế về nguồn lực cho phát triển. Muốn giải quyết thực trạng này, phải gia tăng mạnh mẽ nguồn thu ngân sách địa phương để tăng nguồn lực phục vụ đầu tư phát triển. Cụ thể, tỉnh phấn đấu thực hiện đạt chỉ tiêu tăng thu nội địa tối thiểu 15% so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Đồng thời, hướng đến năm 2030, phấn đấu cân bằng thu, chi ngân sách. Đây có thể xem là mốc chỉ tiêu đề ra đầy tham vọng của tỉnh.

“Tuy nhiên, với kết quả tích cực của năm 2021 và 3 tháng đầu năm nay, Hậu Giang có thể vững tin thực hiện được chỉ tiêu này. Bởi năm qua, nếu kể cả thuế xuất nhập khẩu thì nguồn thu của tỉnh đạt 4.900 tỉ đồng. Năm nay, phấn đấu 6.900, sang năm sau lên 7.900 tỉ đồng… Nghĩa là cứ mỗi năm, chúng ta phải phấn đấu tăng 1.000 tỉ đồng. Thực thế cho thấy, nếu không có chỉ tiêu, biện pháp, giải pháp và tham vọng thì chúng ta không bao giờ thực hiện được mục tiêu đề ra”, ông Nghiêm Xuân Thành phân tích.

Về cải thiện môi trường kinh doanh, Bí thư Tỉnh ủy cũng cho rằng phải đề ra chỉ tiêu phấn đấu cụ thể. Đó là phải nằm trong top 3 tỉnh, thành có các chỉ số về môi trường cạnh tranh tốt nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, phải xây dựng được “thương hiệu” các sản phẩm đặc trưng của Hậu Giang trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, du lịch, ẩm thực. Đồng thời, xác định hướng ưu tiên đầu tư hạ tầng phù hợp để phục vụ mục tiêu tăng tốc cho phát triển.

Vì vậy, ngay trong giai đoạn này, tỉnh sẽ gác lại những nhu cầu chi chưa thực sự cấp thiết để tập trung các nguồn chi cho các nhu cầu phát triển. Nghĩa là nguồn chi của tỉnh phải tạo động lực phát triển, thu ngân sách và tạo điều kiện nâng cao đời sống người dân cũng như cán bộ, công chức trong thời gian tới. Mặt khác, chú trọng phát triển quỹ đất sạch phục vụ phát triển công nghiệp, hạ tầng giao thông kết nối với các tuyến cao tốc, quốc lộ, các tuyến liên vùng, liên tỉnh và từ huyện đến xã.

Riêng trong giai đoạn 2026-2030, tỉnh ta đề ra mục tiêu còn mạnh mẽ hơn với tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 8-10%/năm. Theo ông Nghiêm Xuân Thành, mặc dù trong 5 năm vừa qua, tăng trưởng Hậu Giang chưa đến 6%, chỉ ở mức 5,8% nhưng sang giai đoạn 2021-2025 là 7-7,5% và giai đoạn 2026-2030 từ 8-10% một năm. Với tốc độ tăng trưởng cao hơn như thế thì Hậu Giang mới có thể rút ngắn được khoảng cách so với các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước.

“Đến năm 2030, về cơ bản phải cân đối thu - chi ngân sách; bộ mặt nông thôn, thu nhập của hộ gia đình cũng tiếp tục được cải thiện và phấn đấu nằm trong nhóm 4 tỉnh có mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tức là từ một tỉnh thấp nhất, Hậu Giang phải vô top 4 vào năm 2030. Tất cả mục tiêu đó sẽ được hiện thực hóa theo lộ trình, chương trình hành động, giải pháp thực hiện cụ thể chứ không phải đưa ra rồi muốn làm gì thì làm”, ông Nghiêm Xuân Thành tâm quyết.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực thực thi công vụ

Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, cho rằng: Chúng ta đang đứng trước thời cơ thuận lợi rất cơ bản. Khi mà đồng bằng sông Cửu Long đang được Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm thông qua việc ban hành Nghị quyết về phát triển khu vực đồng bằng sông Cửu Long thay cho Nghị quyết 21 trước đây; tập trung cho đầu tư hạ tầng giao thông với các tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mỹ Thuận, rồi Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Ngoài thụ hưởng hệ thống giao thông tốt nhất thì Hậu Giang còn có 2 tuyến cao tốc đi qua địa bàn tỉnh đang triển khai công tác giải phóng mặt bằng là Cần Thơ - Cà Mau và Châu Đốc - Trần Đề. Trên cơ sở đó, Hậu Giang đang bám sát quy hoạch xây dựng hạ tầng giao thông theo hướng kết nối với các trục đường chiến lược này vào các khu vực sẽ được tỉnh tập trung phát triển công nghiệp, đô thị trong thời gian tới. Chưa kể xu thế chung là đang có sự dịch chuyển sức sản xuất về các tỉnh Tây Nam bộ.

Cùng với việc tranh thủ nắm bắt những thời cơ rất thuận lợi đó, tỉnh đã ban hành đồng bộ các thể chế, cơ chế, chính sách tạo động lực cho cả giai đoạn phát triển chứ không đơn giản chỉ một vài năm. Ngoài ra, hệ thống chính trị tỉnh nhà đang lan tỏa, thẩm thấu từ việc đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng bởi các cơ chế, chính sách đến kết quả triển khai công vụ thời gian qua. Với thời cơ, thuận lợi như vậy nên vấn đề bây giờ là tỉnh ta tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực thực thi công vụ.

Mặt khác, chúng ta phải trải thảm đỏ chào đón các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Cùng với đó là thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cho tốt, để làm sao nhanh chóng triển khai các tuyến đường cao tốc, các trục giao thông kết nối. Đặc biệt là năm 2022 này, chúng ta đề ra là “Năm doanh nghiệp” nên tỉnh đang chuẩn bị các nội dung cần thiết để đến tháng 6 tới tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư. Bởi đây là một phần để hiện thực hóa các mục tiêu, tham vọng, định hướng phát triển của tỉnh trong thời gian tới.

 

Bài, ảnh: GIA NGUYỄN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>