Hiến kế nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư

05/12/2022 | 06:35 GMT+7

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh được tổ chức mới đây đã tập trung thảo luận cho ý kiến xây dựng các đề án, nghị quyết quan trọng, trong đó có dự thảo Nghị quyết về nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và triển khai thực hiện quy hoạch tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo.

Phát biểu ý kiến thảo luận, ông Đặng Ngọc Giao cho rằng tỉnh cần quan tâm vấn đề tái định cư và giải quyết việc làm cho người dân khi thu hồi đất.

Đại biểu cho rằng việc xây dựng và ban hành thực hiện nghị quyết này là rất cần thiết, tạo nền tảng nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Cạnh đó, đại biểu còn hiến kế nhiều vấn đề thiết thực để đảm bảo nghị quyết sát hợp hơn với tình hình thực tế, mang tính khả thi cao.

Xử lý nghiêm và quy trách nhiệm đối với cán bộ làm không đúng

Tham gia ý kiến thảo luận, ông Nguyễn Văn Quân, Giám đốc Sở Công thương, cho biết, chính sách thu hút đầu tư đã có từ thời điểm mới thành lập tỉnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh có những chỉ đạo rất sát sao thực hiện công tác này. Cụ thể như chính sách phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; chính sách miễn giảm thuế; chính sách hỗ trợ hợp tác xã, chính sách phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa… Kết quả, đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, đóng góp nhiều cho thu ngân sách của tỉnh.

Tuy nhiên, ông Quân cho rằng các chính sách thu hút đầu tư thời gian qua chưa phát huy hết tiềm lực. Về nguyên nhân, theo ông Quân, ngoài các nguyên nhân khách quan về vị trí địa lý, tiềm năng, lợi thế, giao thông không thuận lợi… thì nguyên nhân chủ quan là thủ tục hành chính mặc dù có cải cách nhưng vẫn còn chậm; công tác giải phóng mặt bằng còn chậm, thiếu đất “sạch” cho nhà đầu tư.

Ngoài các nguyên nhân kể trên, ông Quân còn cho rằng nguyên nhân “quan trọng then chốt” là việc thực thi công vụ của một bộ phận nhỏ cán bộ còn chưa tốt, chưa quyết liệt, thiếu tinh thần trách nhiệm, gây mất niềm tin với nhà đầu tư, gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh.

Do vậy, ông Quân đồng tình cao khi trong dự thảo nghị quyết đã nhấn mạnh đến giải pháp: “Nâng cao trình độ năng lực, đạo đức công vụ cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính, cán bộ phụ trách công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh theo hướng chuẩn hóa về nghiệp vụ, ngoại ngữ và khả năng phân tích, tiếp cận nhà đầu tư. Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật nghiêm cán bộ phiền hà, sách nhiễu, không hoàn thành nhiệm vụ”. Qua đó nhằm chấn chỉnh đội ngũ cán bộ trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến thủ tục đầu tư.

Để nghị quyết đi vào cuộc sống và đảm bảo tính nghiêm minh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, ông Quân đề nghị khi nghị quyết được ban hành thì tỉnh cần quyết liệt rà soát lại toàn bộ hệ thống cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến thu hút đầu tư, nếu cán bộ nào không đảm bảo năng lực, đạo đức công vụ thì xử lý.

Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm và quy trách nhiệm đối với cán bộ làm không đúng, làm chưa đúng trong các thủ tục hành chính làm chậm tiến độ các dự án. Tỉnh cần quan tâm đẩy mạnh triển khai đề án phát triển nguồn nhân lực đã được ban hành, đặc biệt là tạo sự liên kết giữa các cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp, để cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp…

Cần quan tâm công tác giải phóng mặt bằng

Công tác giải phóng mặt bằng được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến, bởi theo đại biểu, nếu tỉnh làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, có quỹ đất sạch, sẽ dễ thu hút các nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Vui, Bí thư Huyện ủy Phụng Hiệp, cho rằng để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp thì phải thu hồi đất rất nhiều. Để nâng cao hiệu quả thực hiện công tác này, tỉnh nên xây dựng cơ chế, chính sách cho công tác giải phóng mặt bằng. Trong đó, cần quy định áp giá bồi thường cho các loại cây trồng, các loại đất đai phù hợp với điều kiện, bằng giá thị trường. Nếu giá bồi thường thấp sẽ rất khó trong công tác giải phóng mặt bằng.

Cũng liên quan đến công tác thu hồi đất, ông Đặng Ngọc Giao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề xuất tỉnh cần quan tâm đến vấn đề tái định cư và giải quyết việc làm để người dân có thu nhập ổn định, cần có giải pháp cụ thể để thực hiện vấn đề này.

Còn ông Đoàn Thanh Vũ, Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, đề nghị tất cả các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài khi đầu tư vào Hậu Giang thì bắt buộc phải cam kết xây dựng các thiết chế văn hóa công đoàn. Bởi căn cứ theo Quyết định số 655 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất thì doanh nghiệp phải lo về nhà ở, y tế, giáo dục cho công nhân sau giờ tăng ca. Nếu doanh nghiệp nào lo được các tiêu chí này thì tỉnh ưu tiên chọn các doanh nghiệp đó…

Các ý kiến thảo luận góp ý của đại biểu góp phần làm sâu sắc hơn nội dung được đề cập trong dự thảo nghị quyết; Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản đã tiếp thu, bổ sung những nội dung phù hợp, đảm bảo nghị quyết có tính khả thi cao khi được ban hành.

Phát biểu làm rõ thêm về công tác thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh những năm qua, ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, cho rằng công tác này đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, có nhiều doanh nghiệp, trong đó có một số doanh nghiệp có quy mô sử dụng lao động lớn đã đầu tư vào địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng trong tạo việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, ông Nghiêm Xuân Thành nhìn nhận về tổng thể tỉnh không có nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn, ít đóng góp vào ngân sách chung của tỉnh. Đáng lưu ý là giai đoạn gần đây không có doanh nghiệp lớn mới đầu tư vào tỉnh. Mặt khác, tỉnh chưa có định hướng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư tổng thể, rõ ràng, tạo môi trường kinh doanh an toàn, thân thiện, hấp dẫn nhà đầu tư. Do đó, nhiều tiềm năng, thế mạnh chưa được khai thác, phát huy.

Từ thực trạng trên, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng việc xây dựng ban hành Nghị quyết về nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và triển khai thực hiện quy hoạch tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn hiện nay. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu trong quá trình tổ chức thực hiện nghị quyết, các cấp ủy, tổ chức đảng quán triệt đầy đủ nghị quyết cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tạo sự chuyển biến thực chất về nhận thức và hành động trong toàn hệ thống chính trị, góp phần nâng cao hiệu quả trong thu hút đầu tư.

Chọn lọc các dự án theo tiêu chí “2 ít, 3 cao”

Dự thảo nghị quyết đã xác định công tác thu hút đầu tư là một trong những giải pháp then chốt, đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, với kỳ vọng thu hút ngày càng nhiều nguồn vốn đầu tư ngoài Nhà nước và các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tạo động lực thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội cho tỉnh Hậu Giang.

Với quan điểm “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”, “Thành công của Doanh nghiệp là thành quả của Tỉnh nhà”, khẩu hiệu hành động là “2 nhanh, 3 tốt”, đó là “Nhanh giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư” và “Cơ hội tốt, chính sách tốt, hạ tầng tốt”, tỉnh sẵn sàng chào đón và đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hợp tác, đầu tư. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết chuyển đổi số để thu hút các dự án đầu tư có quy mô lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm tài nguyên, có tác động lan tỏa vào các lĩnh vực có lợi thế so sánh, gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương.

Dự thảo nghị quyết đã xác định rõ các ngành, lĩnh vực được ưu tiên đầu tư. Theo đó, chọn lọc các dự án theo tiêu chí “2 ít, 3 cao” đó là: sử dụng ít đất, ít lao động; hiệu quả kinh tế cao, đóng góp ngân sách cao và hàm lượng công nghệ cao. Bên cạnh đó, chọn các ngành nghề, dự án đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, hiện đại thân thiện với môi trường đóng góp lớn cho ngân sách như: điện tử, viễn thông, cơ điện tử, hóa dược, thiết bị y tế, công nghiệp hỗ trợ; nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; phát triển các ngành nghề mới trên nền tảng công nghiệp 4.0.

Ngoài ra, tập trung mời gọi các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch; phát triển đô thị sinh thái, đô thị thông minh, hiện đại kết hợp với nghỉ dưỡng cao cấp, giáo dục chất lượng cao. Các ngành thương mại, dịch vụ có lợi thế và giá trị gia tăng cao như: dịch vụ chăm sóc sức khỏe; giáo dục - đào tạo; du lịch chất lượng cao; dịch vụ tài chính quốc tế; logistics và các dịch vụ hiện đại khác...

 

Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỆU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>