Tương lai nào cho du lịch ?

27/09/2021 | 07:40 GMT+7

Khi dịch bệnh được kiểm soát, thì du lịch là một trong những ngành được chú trọng phục hồi ở tất cả tỉnh, thành. Vậy Hậu Giang đã chuẩn bị những gì cho câu chuyện này, vì hiện tại tỉnh nhà chưa có tên trên “bản đồ du lịch” cả nước!

Tuyến kênh xáng Xà No ngay trung tâm thành phố Vị Thanh sẽ được khai thác du lịch vào cuối năm.  Ảnh: TRUNG QUÂN

Việc cần làm ngay

Mới đây, chỉ đạo của ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, trong buổi làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đã mở hướng mới cho du lịch Hậu Giang.

Bí thư Tỉnh ủy lưu ý: Việc cần làm ngay từ đây đến cuối năm là phải có được sản phẩm du lịch ngay tại thành phố Vị Thanh, bằng cách khai thác du thuyền trên sông để phục vụ du khách. Còn về lâu dài, trong nhiệm kỳ này phải xây dựng tiếp một sản phẩm du lịch nữa là Khu du lịch sinh thái bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, xem xét các điều kiện để xây dựng nơi đây thành khu du lịch mang tầm quốc gia có tiềm năng phát triển. Cùng với đó là định hình sản phẩm du lịch đặc thù ở từng địa phương, đánh giá lại việc xây dựng những sản phẩm du lịch trước đây, để có sự điều chỉnh phù hợp.

Nghị quyết về đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh Hậu Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đang từng bước hoàn thiện, để ban hành vào cuối năm nay, thay thế cho Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy Hậu Giang về phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Nghị quyết mới được kỳ vọng tiếp tục sẽ là định hướng toàn diện, có chiều sâu, với mục tiêu đưa du lịch Hậu Giang trở thành ngành kinh tế quan trọng…

Cùng với đó, sự quan tâm chỉ đạo đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm bằng chương trình hành động, kế hoạch, đề án, dự án; các chính sách hỗ trợ, ưu đãi doanh nghiệp đầu tư du lịch vào tỉnh, sẽ là sự cộng hưởng định hình phát triển lâu dài cho du lịch tỉnh nhà.

Định hình sản phẩm và kết nối để phát triển

Tại cuộc họp trực tuyến với Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) vào cuối tuần qua, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lắng nghe, chia sẻ và ghi nhận nhiều ý kiến của các đơn vị chuyên môn trực thuộc Tổng cục Du lịch. Mỗi ý kiến đều là sự tâm huyết, muốn góp sức để Hậu Giang từng bước định hình sản phẩm, thị trường du lịch, có hướng đầu tư, khai thác hợp lý.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), nhấn mạnh: “Kết nối họp trực tuyến do Hậu Giang đề nghị được thực hiện trước rồi sau đó chúng tôi mới có buổi làm việc trực tiếp, để lắng nghe và chia sẻ với Hậu Giang. Việc không có sản phẩm du lịch, chưa có tên trên “bản đồ du lịch” của cả nước là trách nhiệm của Hậu Giang, mà cũng là trách nhiệm của chúng tôi. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Hậu Giang trong thời gian tới, phân công các vụ chuyên môn giúp Hậu Giang định hình, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương, không tách rời nét độc đáo chung của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhưng cũng phải là sản phẩm riêng khó hòa lẫn”.

Theo ý kiến của các chuyên gia về du lịch, việc Hậu Giang cần làm ngay chính là xác định thị trường du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch để phục vụ cho đối tượng nào, từ đó mới định hình được những việc cần phải làm. Tiếp theo là liên kết để xây dựng tua, tuyến, phát triển du lịch.

Hiện tại, Hậu Giang đã ký kết liên kết phát triển du lịch với 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh. Các khu vực khác trong cả nước cũng sẽ có kết nối trong thời gian tới… Chia sẻ về động thái kết nối với Tổng cục Du lịch, ông Lê Công Khanh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Với tinh thần cầu thị, chúng tôi luôn muốn được lắng nghe ý kiến của chuyên gia, cơ quan chuyên môn về du lịch để tìm một hướng đi mới cho du lịch. Từ đó, việc đề xuất để phát triển du lịch sẽ sát với thực tế, tạo được hiệu quả thật sự”.

5 đề xuất của Hậu Giang với Tổng cục Du lịch

 

(HG) - Cuối tuần qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã có kết nối trực tuyến với Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ngành đã có 5 đề xuất được Tổng cục Du lịch ghi nhận và phân công trực tiếp các cơ quan chuyên môn trực thuộc hỗ trợ Hậu Giang.

Cụ thể, sẽ giúp Hậu Giang nghiên cứu sản phẩm, thị trường, quảng bá, xúc tiến du lịch; phát huy di tích lịch sử gắn với du lịch; tiếp cận nguồn tài trợ do Tổng cục Du lịch quản lý, dự án phi Chính phủ về du lịch; xây dựng 2 sản phẩm đặc trưng; đưa Khu du lịch sinh thái bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng vào danh mục các địa điểm có tiềm năng phát triển thành Khu du lịch mang tầm quốc gia trong thời gian tới.

 

VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích