Sản phẩm du lịch mới tuyến kênh xáng Xà No: Sẽ là độc đáo nếu…

25/12/2022 | 13:46 GMT+7

Chuyến khảo sát tuyến kênh xáng Xà No mới đây do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang phối hợp với Trung tâm Phát triển Du lịch thành phố Cần Thơ tổ chức, kỳ vọng mở ra hướng mới hình thành sản phẩm du lịch mang nét riêng, kết nối vùng sông nước. Tuy nhiên, để có được một sản phẩm du lịch thật sự khác biệt, vẫn còn nhiều chuyện cần bàn.

Kênh xáng Xà No sẽ là một sản phẩm thu hút khách nếu tạo ra sự khác biệt. Ảnh LÝ ANH LAM

Kỳ vọng độc đáo, khác biệt

Kênh xáng Xà No tự thân đã hội tụ những yếu tố để nổi tiếng. Đây là con đường lúa gạo của vùng Tây sông Hậu, tuyến đường thủy huyết mạch quốc gia Cà Mau - Thành phố Hồ Chí Minh, bắt nguồn từ ngã ba Vàm Xáng của sông Cần Thơ, đoạn qua Phong Điền, tới ngã ba sông Ba Voi (Hậu Giang), trước khi đổ ra sông Cái Lớn (Kiên Giang). Trên đoạn đường thủy khoảng 40km đó, nét độc đáo hiện có là cảnh quan, đặc biệt là đoạn sông chính trên địa bàn tỉnh Hậu Giang là bờ kè Xà No hơn 10km trải dài qua trung tâm đô thị Vị Thanh. Đi trên đoạn sông này, du khách sẽ được ngắm nhìn sự phát triển của trung tâm tỉnh Hậu Giang với những tòa nhà cao tầng, kiến trúc bờ kè, công viên, cây xanh…

Những câu chuyện về dòng sông Xà No, từ ngày đầu được đào cách đây hơn trăm năm đến những câu chuyện về địa danh Xà No từ câu chuyện lịch sử trong những trang sách của nhà văn Sơn Nam. Con sông này đã góp phần khai thác tiềm năng lúa gạo của miền Hậu Giang, mang đến những giá trị lớn trong việc vận chuyển đường thủy cho cả vùng, giải quyết được vấn đề thoát nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân làm nông nghiệp, tăng gia sản xuất.

Hào hứng với chuyến khảo sát tuyến kênh xáng Xà No, từ Cần Thơ đến Hậu Giang, ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, cho rằng: “Đây chính là sự khác biệt độc đáo và hứa hẹn sẽ là sản phẩm du lịch thu hút khách. Tuy nhiên, để trở thành sản phẩm du lịch là cả câu chuyện dài ở phía trước, đòi hỏi có sự vào cuộc quyết liệt, sự hợp tác của các đơn vị lữ hành và công tác truyền thông, để sản phẩm du lịch có thể đứng vững và lan xa”.

Cần nhập cuộc quyết liệt

Dù là tuyến kênh huyết mạch nhưng để trở thành sản phẩm du lịch là câu chuyện khác, cần có cái nhìn mới lạ của những người làm du lịch. Xây dựng một sản phẩm du lịch đã khó, để sản phẩm ấy thật sự khác biệt, vươn xa lại càng khó hơn, đòi hỏi rất nhiều yếu tố.

Trên tuyến sông này, nếu như đoạn qua sông Cần Thơ có chợ nổi Cái Răng làm điểm nhấn, với những sự kiện, lễ hội thu hút khách du lịch được tổ chức thường niên, kết hợp với những sản phẩm du lịch miệt vườn, tham quan và thưởng ngoạn, thưởng thức vườn cây ăn trái vùng Phong Điền, Cái Răng rất thu hút du khách trong những năm gần đây, đến địa bàn Hậu Giang lại vắng lặng, chưa có điểm dừng để níu chân du khách. Hậu Giang có nhiều nỗ lực, cùng người dân làm du lịch, vận động và hỗ trợ trong điều kiện có thể để có được sản phẩm du lịch ban đầu là trải nghiệm ở Trang trại sữa dê Ngọc Đào và nghỉ ngơi, vui chơi ở Homestay Mương Đình (Châu Thành A); thăm vùng khóm Cầu Đúc (xã Hỏa Tiến) và thưởng ngoạn trên tàu du lịch Xà No (thành phố Vị Thanh)… nhưng bao nhiêu đó có lẽ chưa đủ.

Ông Trương Văn Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Du lịch và Sự kiện IDO chi nhánh Cần Thơ, cho rằng: “Sản phẩm trên tuyến sông có thể đưa chào tua cuối tuần cho du khách. Thế nhưng theo tôi vẫn phải có thêm một số điểm kết nối nữa để du khách tham quan, mua sắm, nhất là những cảnh nhộn nhịp của chợ quê ở Vị Thanh”.

Còn một số doanh nghiệp khai thác du lịch khác trong chuyến khảo sát lại ngán ngại hệ thống giao thông ở Hậu Giang, khi các điểm du lịch nằm trong chuyến khảo sát chỉ có thể vào bằng xe hai bánh, bằng tàu trung chuyển, nên khi tổ chức mất nhiều thời gian, giá thành sẽ rất cao, trong khi sản phẩm vẫn chưa thật sự phong phú, ấn tượng. Hai bên bờ kênh xáng chưa có điểm nào dừng chân để du khách có thể thưởng thức ẩm thực, văn nghệ hay một nét riêng độc đáo, khác biệt.

Do đó, để có được một sản phẩm du lịch trên dòng kênh này vẫn còn là một câu chuyện dài. Bà Nguyễn Thị Lý, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhấn mạnh: “Tôi xin mượn câu nói của một tỉ phú doanh nhân: “Muốn đi nhanh, hãy đi một mình, muốn đi xa, hãy đi cùng nhau”, để khẳng định với tinh thần cầu thị, chúng tôi luôn lắng nghe, cần được góp sức từ ý tưởng đến vào cuộc hợp tác để cùng nhau xây dựng một sản phẩm du lịch không chỉ của Hậu Giang, mà còn kết nối với Cần Thơ và một số tỉnh lân cận. Hậu Giang đã có định hướng lâu dài bằng tầm nhìn chiến lược cho phát triển du lịch. Chúng tôi đang tiếp tục tìm kiếm sự liên kết, hợp tác, hỗ trợ của các tỉnh, thành, các doanh nghiệp làm du lịch, truyền thông, phát triển tuyến du lịch đường sông nói chung, xây dựng sản phẩm du lịch khác biệt trên tuyến kênh xáng Xà No nói riêng, góp phần đưa du lịch Hậu Giang phát triển”.

VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>