OCOP và du lịch cộng đồng: Hai trong một

20/12/2020 | 14:44 GMT+7

Du lịch cộng đồng muốn phát triển thì cần có sản phẩm đặc trưng và OCOP muốn vươn xa phải gắn kết với du lịch. Theo các chuyên gia: Cả hai sẽ nằm trong chuỗi phát triển của “ngành công nghiệp không khói”, là sự liên kết không thể thiếu và khó tách rời nhau.

Sản phẩm OCOP Hậu Giang nhận được nhiều sự quan tâm khi đưa đi trưng bày, giới thiệu sản phẩm.

Du lịch từ OCOP

Hơn một năm nay, trang trại sữa dê Ngọc Đào, ở ấp 2B, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, trở thành điểm đến khám phá và trải nghiệm đầy sức hút. Trang trại sữa dê có hơn 300 con, trên diện tích khoảng 20 công đất. Anh Nguyễn Văn Đua, chủ trang trại sữa dê Ngọc Đào, cho biết: Ban đầu nuôi dê để sử dụng trong gia đình, thấy cỏ nhiều, đất rộng thì nuôi, nhưng sau đó nhận thấy tiềm năng phát triển nên đã đầu tư nuôi nhiều và thành lập trang trại, mở rộng hoạt động làm du lịch. Trang trại cơ giới hóa các khâu, vắt sữa dê được thực hiện bằng máy.

Mỗi tuần vào thứ bảy và chủ nhật, trang trại tiếp đón cả trăm du khách, với nhiều học sinh. Thời điểm các chuyến bay thương mại quốc tế còn mở cửa, mỗi tuần đều có du khách nước ngoài đến đây. Là điểm đến mới nổi, nên gia đình anh Đua tạm thời chưa thu phí, thoải mái cho du khách đến cắt cỏ, cho dê ăn, tắm cho dê, xem quy trình vắt sữa dê… khi du khách có mua sản phẩm từ sữa dê mới trả tiền. Trang trại sản xuất 4 loại sản phẩm: Yaour sữa dê, sữa dê sấy khô, sữa dê thanh trùng, phô mai sữa dê với giá hợp lý. 4 sản phẩm này đều được công nhận OCOP và đạt chuẩn 4 sao.

Từ câu chuyện này có thể thấy, sản phẩm OCOP là nền tảng để thúc đẩy du lịch cộng đồng phát triển. Tại Hậu Giang, đã có 46 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó có 26 sản phẩm chuẩn 4 sao, còn lại 3 sao, với nhiều “món” tạo tiếng vang lâu nay, như cá thát lát tẩm gia vị, cá thát lát rút xương, trà mãng cầu, rượu Lão Tửu Út Tây, các sản phẩm từ khóm Cầu Đúc, chanh không hạt, cam xoàn, sữa dê các loại, mật ong, gạo sạch Vị Thủy… đây là nền tảng để gắn kết phát triển du lịch tại tỉnh trong tương lai.

Ở đồng bằng sông Cửu Long, địa phương được đánh giá cao trong xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng là tỉnh Đồng Tháp. Khi đến Đồng Tháp nhiều người nghĩ ngay đến làng hoa Sa Đéc và nói đến làng hoa, du khách nhắc nhiều đến Hội quán cùng nhau làm du lịch, ở phường Tân Quy Đông, thành phố Sa Đéc. Ở địa phương này, hoa là một sản phẩm OCOP.

Ông Trần Thanh Hùng, chủ homestay Ngôi nhà hoa ếch, Chủ nhiệm của Hội quán cùng nhau làm du lịch, cho biết: Làm du lịch cũng là nâng cao giá trị của cây hoa, vườn hoa tại quê nhà, đây là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực trong tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp.

Khi được hỏi du khách đến với làng hoa vì có nhiều loại hoa đẹp hay vì làm du lịch tốt? Ông Hùng chia sẻ: Theo thống kê được công bố hàng năm của ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp, làng hoa Sa Đéc mỗi năm thu hút một lượng khách tham quan rất lớn, có năm đến cả triệu lượt khách. Hoa đẹp nên nhiều du khách đến vì hoa là lẽ hiển nhiên, tuy nhiên nếu sự đầu tư cho du lịch không đúng mức, không đa dạng thì du khách cũng chỉ lướt qua rồi đi thôi, không giữ chân được, cho nên du khách đến đây là vì cả hai điều đó.

Trang trại sữa dê Ngọc Đào là điểm đến đang được quan tâm tại Hậu Giang.

Liên kết không thể tách rời

Từ khi triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) vào năm 2018, tiến sĩ Ngô Thị Thu Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn Saemaul Undong, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, đã gắn bó với hành trình đi nghiên cứu ở nhiều địa phương.

Kể về du lịch gắn với sản phẩm từ cộng đồng, tiến sĩ Thu Trang ấn tượng với làng du lịch Gò Cỏ, tỉnh Quảng Ngãi. Ngày xưa nơi đây người dân di  dân, tìm cơ hội ở các vùng đất khác, còn lại đều là những người lớn tuổi, trẻ nhỏ. Nếu nhìn vào đó sẽ không thấy tương lai phát triển, tuy nhiên địa phương, chủ đầu tư đã ngồi lại với người dân, xem họ làm được gì, muốn làm gì khi phát triển du lịch, thế là đã định hình một mô hình chưa hề có. Du khách đến đây cùng tham gia làm bún, đánh cá, vá lưới, chèo thuyền, chuyện hiện hữu và không chút lạ lẫm với nhiều người dân địa phương nhưng đó là sự trải nghiệm tuyệt vời với du khách. Tiến sĩ Thu Trang đúc kết: Dựa vào cộng đồng và trân trọng sản vật, sản phẩm địa phương khi phát triển du lịch, để du lịch và sản phẩm OCOP cùng nằm trong chuỗi giá trị, không tách rời nhau, như thế mới tạo được sự phát triển bền vững.

Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm, trong đó phát triển dịch vụ du lịch là một trong những nhóm sản phẩm của Chương trình OCOP, được cụ thể hóa trong Bộ sản phẩm Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch, theo Quyết định số 781 của Thủ tướng Chính phủ ban hành đầu tháng 6-2020. Đây là cơ sở quan trọng để phát triển dịch vụ du lịch nông thôn gắn với Chương trình OCOP, nhằm phát huy lợi thế, thế mạnh của địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu và bền vững; đồng thời, thông qua du lịch nông thôn, sẽ phát huy được các giá trị và thành tựu trong xây dựng nông thôn mới.

Vừa qua, tại Hậu Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, UBND tỉnh Hậu Giang đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Phát triển du lịch cộng đồng theo Bộ tiêu chí Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)”, với kỳ vọng định hình một hướng đi bài bản để phát triển nông nghiệp, nông thôn từ du lịch, sản phẩm OCOP trong toàn vùng. Trao đổi trong khuôn khổ hội thảo, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhấn mạnh: Phát triển du lịch nông thôn cần gắn chặt với Chương trình mỗi xã một sản phẩm, đặc biệt là áp dụng Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng đối với Bộ sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch. Du lịch nông thôn là xu hướng phát triển bền vững của du lịch thế giới hiện nay, tại Việt Nam cũng đã có những mô hình thành công, mang lại hiệu quả lớn về kinh tế và xã hội. Trong bối cảnh Việt Nam là nước nông nghiệp, với hơn 60% dân số sống ở nông thôn, cùng với truyền thống văn hóa, lịch sử gắn với sản xuất nông nghiệp là chủ đạo nên việc khai thác các loại hình du lịch liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn có tính chất bao trùm và chiếm tỷ lệ tương đối lớn trong tổng thể hoạt động của ngành du lịch…

Tiền đề quan trọng để phát triển du lịch cộng đồng

 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Sau gần 3 năm triển khai thực hiện, Chương trình OCOP đã lan tỏa mạnh mẽ. Đến nay, đã có 51 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm, 2.965 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn 3 sao và 4 sao, trong đó 61,4% sản phẩm 3 sao, 36,2% sản phẩm 4 sao và 72 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Đây là tiền đề quan trọng để phát triển du lịch cộng đồng và tạo thành chuỗi giá trị của ngành “công nghiệp không khói” toàn quốc.

 

Dịch vụ du lịch nông thôn cũng là một sản phẩm OCOP

 

Bên cạnh công nhận những sản phẩm nông nghiệp, thì dịch vụ du lịch nông thôn cũng là một sản phẩm OCOP. Cả nước đã có 18 sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận OCOP, trong đó vùng miền núi phía Bắc có 7 sản phẩm; vùng đồng bằng sông Cửu Long đứng thứ 2 với 5 sản phẩm của 3 tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng và Vĩnh Long, như tại Sóc Trăng, hai chủ thể dịch vụ du lịch là Điểm du lịch Chợ nổi Ngã Năm (thị xã Ngã Năm) và Khu du lịch cộng đồng Farmstay Sân Tiên (huyện Cù Lao Dung) được công nhận OCOP… với tiềm năng và sản phẩm đa dạng nhưng chỉ có 5 sản phẩm của 3 tỉnh được công nhận thì quả là ít ỏi.

 

Bài, ảnh: HOÀNG NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích