Kết nối, tạo động lực phát triển du lịch

17/12/2021 | 09:38 GMT+7

Kết nối, hợp tác để cùng tạo động lực, điều kiện phát huy tiềm năng, lợi thế, mời gọi đầu tư vào du lịch, là mục đích chính của liên kết phát triển du lịch của 7 tỉnh, thành phía Tây ĐBSCL: An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Hậu Giang.

Tuyến kênh xáng Xà No sẽ là sản phẩm du lịch độc đáo của Hậu Giang. Ảnh: TRUNG QUÂN

Vượt khó…

Cùng chịu khó khăn chung của du lịch cả nước vì Covid-19, năm 2021 là năm ngành du lịch của các tỉnh, thành chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề nhất. Nếu như năm 2020, lượng khách đến các tỉnh này tầm trên 22 triệu lượt, thì năm nay chỉ khoảng 50%.

Từ đây, việc kết nối, hợp tác, cùng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm để tạo lực đẩy cho du lịch là điều cần thiết, các tỉnh, thành đã tận dụng nhiều cách để có thể hỗ trợ nhau. Bà Nguyễn Thị Lý, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chia sẻ: “Với vai trò cụm trưởng, chúng tôi đã nỗ lực khắc phục những hạn chế các năm trước, không họp trực tiếp thì chuyển qua trực tuyến, để trao đổi, thông tin, cộng đồng trách nhiệm; hỗ trợ nhau cùng tham dự các sự kiện du lịch được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội; tăng cường xây dựng sản phẩm du lịch của từng địa phương; nâng chất, đa dạng hình thức tuyên truyền, quảng bá, đặc biệt là khai thác mạng xã hội để quảng bá du lịch”.

Mỗi tỉnh, thành đa phần đã có những kế hoạch phát triển du lịch, tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương, để từng bước định hình những sản phẩm du lịch đặc thù, như thành phố Cần Thơ khai thác sản phẩm chợ nổi Cái Răng, Bạc Liêu hoàn thiện sản phẩm du lịch văn hóa di sản, Sóc Trăng xây dựng sản phẩm du lịch lễ hội, sinh thái, Kiên Giang khai thác biển đảo… Còn với Hậu Giang, đang khai thác tuyến kênh xáng Xà No, Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng để tạo sản phẩm độc đáo, riêng biệt.

 Bà Trần Thị Lan Phương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, chia sẻ: “Có được sự hợp tác, liên kết, chúng tôi đã có nơi để nói với nhau những khó khăn, thuận lợi, bàn bạc cùng nhau vượt khó để phát huy sản phẩm du lịch của địa phương mình. Tôi nghĩ rằng, sự hợp tác, liên kết này đã từng bước góp phần tạo thêm sinh khí mới, giúp các địa phương định hình sản phẩm, định hướng phát triển du lịch một cách đồng bộ, có chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực”.

Định hình, xây dựng sản phẩm du lịch có chiều sâu

Sản phẩm du lịch là điều kiện sống còn, nếu muốn thu hút khách du lịch. Xây dựng sản phẩm đã khó, tạo sự khác biệt để thu hút khách càng khó hơn. Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, chia sẻ: “Chúng tôi cũng đau đầu nghĩ ra sản phẩm nào độc đáo, xây dựng như thế nào để hỗ trợ các tỉnh, thành trong cụm. Mừng là từng địa phương đã có sự quan tâm định hướng phát triển du lịch bài bản, có chiều sâu, có cả nghị quyết riêng để phát triển du lịch. Từng bước một chúng ta tạo sức hút cho lĩnh vực bằng sự quan tâm đồng bộ, có chiều sâu, trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết. Rồi sự liên kết, hợp tác để cùng nghĩ ra những sản phẩm riêng biệt của từng địa phương, cùng hỗ trợ nhau xây dựng và tự xây dựng cho mình dựa trên sự khác biệt, nhu cầu của du khách. Tôi tin rằng, du lịch cụm phía Tây ĐBSCL sẽ dần có nhiều điểm sáng để thu hút du khách trong và ngoài nước”.

Cùng nhận định sự liên kết, hợp tác là cần thiết, ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, cho rằng: “Hợp tác đã tốt, nhưng cũng cần đi vào chiều sâu. Trước nay chỉ là động lực, giờ cần đi vào cùng hỗ trợ nhau xây dựng sản phẩm riêng biệt và liên kết tua tuyến để từ sản phẩm riêng biệt tạo nên một chuỗi sản phẩm mang tính đặc trưng riêng.  Chúng tôi vẫn còn cần rất nhiều những cuộc ngồi lại để cùng nhau trao đổi thực chất, làm thật sự bằng tất cả tâm huyết, để khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, góp phần vào sự phát triển chung của du lịch cả nước”.

Đây cũng là những định hướng cho sự liên kết, hợp tác phát triển du lịch của Cụm trong năm 2022. Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù sẽ là yêu cầu trọng tâm, cùng với việc đẩy mạnh liên kết với Thành phố Hồ Chí Minh và Cụm liên kết hợp tác phát triển du lịch phía Đông ĐBSCL để hình thành tuyến du lịch đặc trưng vùng; tổ chức các đoàn famtrip đến khảo sát các điểm du lịch tiêu biểu; hình thành mạng lưới tua giới thiệu với các đơn vị lữ hành… Song song đó, các tỉnh, thành dự kiến sẽ tổ chức và tham gia ít nhất 7 sự kiện: Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, Bạc Liêu, Hội chợ du lịch quốc tế Hà Nội, Hội chợ du lịch quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh…

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao thành phố Cần Thơ, nhấn mạnh: “Với vai trò Cụm trưởng Cụm hợp tác, liên kết phát triển du lịch phía Tây ĐBSCL, chúng tôi sẽ nỗ lực làm tròn trách nhiệm, tập trung vào xây dựng và giới thiệu sản phẩm du lịch riêng biệt của từng địa phương cũng như kết nối, tạo động lực đưa du lịch tiếp tục phát triển có chiều sâu, ấn tượng”.

Hậu Giang đã chọn du lịch là 1 trong 4 trụ cột để phát triển

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, chia sẻ: “Liên kết phát triển du lịch sẽ tạo điều kiện để Hậu Giang phát huy tiềm năng, lợi thế. Hậu Giang đã chọn du lịch là 1 trong 4 trụ cột để phát triển, nên sẽ tiếp tục có sự đầu tư đồng bộ, từ hạ tầng du lịch đến triển khai các chương trình, đề án phát triển du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, trước mắt là sản phẩm khai thác tàu du lịch trên kênh xáng Xà No vào đầu năm 2022…

 

VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích