Đầu tư cơ sở hạ tầng: Mở hướng cho du lịch

10/02/2023 | 11:15 GMT+7

Một trong những vấn đề mà du lịch Hậu Giang đang cần chính là đầu tư cơ sở hạ tầng. Vậy tỉnh có định hướng gì cho vấn đề này ?

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang phối hợp tổ chức khảo sát các điểm du lịch trên tuyến kênh xáng Xà No, điểm tại Homestay Mương Đình.

Còn phải đầu tư nhiều

Những năm qua, Hậu Giang đã đầu tư khá nhiều, hạ tầng giao thông nông thôn đang ngày càng hoàn thiện. Một số tuyến đường vào các điểm du lịch được đưa vào sử dụng, như đường vào Cây di sản Lộc Vừng, Khu du lịch Mùa Xuân, công trình cầu tàu, bờ kè, các mô hình tại điểm khôi phục Chợ nổi Ngã Bảy…

Tuy nhiên, để phát triển du lịch, nhất là kết nối các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh cần phải đầu tư nhiều hơn. Nếu không được đầu tư đồng bộ, thì với sức của những người dân, doanh nghiệp làm du lịch sẽ rất khó. Điển hình như các điểm du lịch trên địa bàn huyện Châu Thành A. Để đến Homestay Mương Đình, chỉ có đi xe 2 bánh, phải qua sông hoặc đi bằng tàu. Nơi đây đã được doanh nghiệp đầu tư khá quy mô, với từng phân khu nghỉ dưỡng, thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên ẩm thực…, và đang tiếp tục đầu tư khi trải nghiệm, dã ngoại. Trang trại sữa dê Ngọc Đào cũng gặp tình trạng tương tự. Một số điểm du lịch khác trên địa bàn thành phố Vị Thanh, Châu Thành, Ngã Bảy cũng đang gặp khó khi sản phẩm du lịch hình thành, nhưng xe 16 chỗ không vào đến nơi được, hoặc đi được thì đường xuống cấp, làm cho người tổ chức tua lẫn du khách ngán ngại.

Bà Nguyễn Thị Lý, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chia sẻ: “Những khó khăn này chắc chắn sẽ được tháo gỡ trong thời gian tới, khi chúng tôi được chỉ đạo rà soát lại nhu cầu bức thiết trong đầu tư hạ tầng du lịch ở các địa phương để đề xuất UBND tỉnh. 4 địa phương đã có đề xuất là Vị Thanh, Châu Thành A, Châu Thành và Ngã Bảy. Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát để có danh mục đầy nhu cầu đầu tư hạ tầng để phát triển du lịch của các địa phương và trong tuần sau, có báo cáo cụ thể, nhất là các nơi bức xúc, cần có sự quan tâm ngay”.

Đây là sự quan tâm cần thiết, gỡ khó cho các doanh nghiệp đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành cùng Hậu Giang, góp phần khai thác sản phẩm du lịch hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng liên kết tua, tuyến. Dù khó và cần nhiều thời gian, nhưng việc quan tâm đầu tư hạ tầng du lịch đã mở ra một hướng sáng, hứa hẹn sẽ là một bước tiến mới, tiếp thêm sức mạnh để du lịch Hậu Giang tiếp tục phát huy thế mạnh.

Nhìn lại điểm nhấn du lịch

Năm 2022, với sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng sự vào cuộc của doanh nghiệp, các địa phương, đã đưa du lịch từng bước phát triển toàn diện, đồng bộ được triển khai. Kết quả nổi bật là từng bước hoàn thiện sản phẩm du lịch đầu tiên là tàu du lịch Xà No, bằng việc lên phương án sửa chữa nâng cấp tàu, xây dựng phương án khai thác sau khi mua tàu từ doanh nghiệp để khai thác. Một số sản phẩm du lịch được nâng cấp, xây dựng hoàn thành, đưa vào khai thác đã góp phần làm cho sản phẩm du lịch của tỉnh thêm phong phú: Homestay Mương Đình, Khu sinh thái Ngã Bảy sông Garden. Hậu Giang có 1 công ty lữ hành nội địa được cấp phép hoạt động đã bước đầu tạo nên sự kết nối giữa các điểm tham quan du lịch nội tỉnh, là đầu mối liên kết với các công ty lữ hành ngoài tỉnh, chào bán các sản phẩm du lịch Hậu Giang.

Tỉnh cũng tổ chức thành công Hội thảo Tiềm năng và cơ hội đầu tư phát triển vào lĩnh vực du lịch tỉnh Hậu Giang, cùng các sự kiện: Hội thảo “Tiềm năng và cơ hội đầu tư phát triển vào lĩnh vực du lịch tỉnh Hậu Giang”; Hội thi ẩm thực và xác lập 02 kỷ lục Việt Nam các món ăn từ cá thát lát và từ khóm nhiều nhất Việt Nam; khảo sát, liên kết tuyến sông Cần Thơ và kênh xáng Xà No để xây dựng tuyến du lịch sông nước; Tọa đàm “Tiềm năng và cơ hội phát triển du lịch đường sông trên tuyến kênh xáng Xà No kết nối Cần Thơ - Hậu Giang”.

Bên cạnh đó, việc xúc tiến, quảng bá du lịch để giới thiệu hình ảnh, thu hút đầu tư cũng đặc biệt được quan tâm bằng việc tham gia các gian hàng giới thiệu tiềm năng và lợi thế du lịch tại các hội chợ, sự kiện lớn trong, ngoài khu vực; tham gia các chương trình liên kết, hợp tác, diễn đàn kết nối du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh với 13 tỉnh, thành ĐBSCL, cụm hợp tác phát triển du lịch phía Tây ĐBSCL…          

Năm 2022, tỉnh đã công nhận 1 điểm du lịch cấp tỉnh đầu tiên (Homstay Mương Đình), đề xuất đưa Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng vào danh mục các địa điểm tiềm năng phát triển trở thành Khu du lịch quốc gia trong dự thảo Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch… 

Đây sẽ là tiền đề để năm 2023, du lịch tiếp tục là lĩnh vực được kỳ vọng có nhiều thay đổi mới mẻ hơn.

Năm qua, tỉnh đã đón 390.000 lượt khách tham quan du lịch, tăng trên 160%, trong đó, khách quốc tế là 11.000 lượt, tăng 100% và khách nội địa là 379.000 lượt, tăng 159%;  tổng thu đạt 1788 tỉ đồng, tăng gần 190% so với năm 2021. Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Hậu Giang đã đón khoảng 41.300 lượt khách tham quan du lịch. Trong đó có 1.100 khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 18,5 tỉ đồng (tăng khoảng 53% so với năm trước).

 

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>