Cần xây dựng sản phẩm đặc thù…

03/12/2018 | 08:32 GMT+7

Tại Hội thảo “Du lịch Hậu Giang thực trạng và giải pháp”, do UBND tỉnh Hậu Giang vừa tổ chức, đã ghi nhận nhiều ý kiến của đại biểu các tỉnh, thành trong khu vực, các doanh nghiệp lữ hành, giảng viên du lịch đến từ các trường đại học và những người tâm huyết với du lịch, nhằm tìm cách đưa du lịch Hậu Giang phát triển xứng tầm.

Du lịch sinh thái miệt vườn là xu hướng du lịch đang được đầu tư ở Hậu Giang.

Chuyển động, nhưng…

Những năm qua, xác định du lịch sẽ là ngành kinh tế trọng điểm, nên Hậu Giang đã có sự đầu tư cho du lịch, đồng thời có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư cho lĩnh vực này. Trong đó, dấu mốc quan trọng là Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy vào năm 2014 về phát triển hậu Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, để Hậu Giang có một chiến lược phát triển du lịch có chiều sâu, đúng hướng…

Từ đó, đã dần hình thành các tua trọng điểm, như: Khu du lịch sinh thái Lung Ngọc Hoàng, vườn dâu Thiên Ân, vùng du lịch cộng đồng khóm Cầu Đúc, địa  điểm cây Lộc vừng, Thiền viện Trúc Lâm… Hậu Giang còn sở hữu hệ thống di tích lịch sử và vùng cây ăn trái đặc sản. Hậu Giang cũng đã hoàn thành dự án khôi phục chợ nổi Ngã Bảy để phát triển du lịch, đưa nơi này xuất hiện trở lại trên bản đồ du lịch. Từ đó, lượng khách đến với Hậu Giang ngày một tăng dù chưa thể sánh được với các tỉnh, thành trong khu vực. Nếu như thời điểm mới chia tách tỉnh, lượng khách đến Hậu Giang hàng năm chỉ khoảng 40.000 lượt khách, tổng thu chỉ gần 1,7 tỉ đồng thì năm 2018, là 420.000 khách, tổng thu 147 tỉ đồng.

Đặc biệt, Hậu Giang đang có một số dự án đang được đầu tư: Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Phú Hữu - Hậu Giang, Khu du lịch sinh thái rừng tràm Vị Thủy và mới đây, dự án khôi phục và phát huy chợ nổi Ngã Bảy cũng đã hoàn thành… từng bước tạo sự chuyển động cho du lịch Hậu Giang.

Tuy nhiên, dù có nhiều động thái, nhưng do xuất phát điểm thấp, du lịch Hậu Giang vẫn phát triển ì ạch. Điều dễ nhận thấy là các sản phẩm du lịch trùng lắp, chưa xây dựng sản phẩm đặc trưng để cạnh tranh. Đây chính là mấu chốt của vấn đề mà giải pháp phát triển du lịch tập trung phân tích, nhằm tìm ra cái riêng nổi bật trong cái chung để phát triển du lịch.

Cần xây dựng sản phẩm đặc thù

Gần 20 năm khai thác lữ hành vùng ĐBSCL, Công ty Du lịch Vietravel chi nhánh Cần Thơ đã nghiên cứu thị trường khách du lịch và đã có một số tua tuyến đáp ứng nhu cầu của du khách. Bà Lê Đình Minh Thi, Giám đốc chi nhánh, nhấn mạnh: “Tôi rất chia sẻ với những khó khăn, tuy nhiên, là người làm lữ hành, tôi chưa thấy Hậu Giang có sản phẩm nào để có thể tổ chức hay kết nối tua được. Hậu Giang phải nhanh chóng định hình bộ sản phẩm dịch vụ du lịch đặc thù, mang tính độc đáo của địa phương. Tránh đơn thuần khai thác tài nguyên đã có hoặc sao chép. Trong đó, cần đi sâu vào khai thác giá trị nguyên bản và ý tưởng của sản phẩm du lịch để tránh nghèo nàn, đơn điệu, liên kết chắp vá, trùng lắp, chưa chó chiều sâu với các tỉnh, thành trong khu vực”.

Bên cạnh đó, cần chú trọng tính liên kết vùng, xây dựng những sản phẩm du lịch riêng, quà lưu niệm độc đáo, sản phẩn đặc trưng. Xâu chuỗi lại hệ thống du lịch sinh thái - tâm linh - lịch sử truyền thông - văn hóa - làng nghề. Cùng với đó là xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, và dịch vụ lưu trú, đào tạo đội ngũ làm du lịch chuyên nghiệp. nhưng giờ đã không còn do nhiều nguyên nhân… Cùng với việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù là việc tạo môi trường đầu tư thông thoáng để mời gọi doanh nghiệp du lịch. Đặc biệt, Hậu Giang đã khôi phục chợ nổi Ngã Bảy, cần có hướng khai thác căn cơ.

Chú ý đến du lịch nông nghiệp, PGS.TS Nguyễn Duy Cần, Trưởng khoa Phát triển nông thôn, Đại học Cần Thơ, cho rằng Hậu Giang nên phát huy tiềm năng có sẵn về du lịch nông thôn, du lịch sinh thái, để tìm về không gian xanh, yên bình, vừa thư thái tâm hồn, cũng có thể để nghiên cứu, học tập. Cái chính ở đây là cách làm như thế nào để có sản phẩm du lịch độc, lạ, hấp dẫn. Trong đó, cần chú trọng vai trò của nguồn nhân lực du lịch. Nguồn nhân lực không phải chỉ có người, tổ chức làm du lịch, mà bao gồm nhiều tác nhân hay đối tác: người dân làm du lịch, cộng đồng sinh sống trên địa bàn làm du lịch, các tổ chức chuyên môn ngoài du lịch, các tổ chức hợp tác tiềm năng…

Đây cũng là những ý kiến quý giá mà đại biểu chia sẻ trong buổi hội thảo. Từ đó, giải pháp được đề xuất là ngoài những chính sách khuyến khích đầu tư du lịch, cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn từ tỉnh đến địa phương, bám sát Nghị quyết về phát triển du lịch để xây dựng kế hoạch phát triển đúng hướng. Ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm tham mưu để Tỉnh ủy có sự chỉ đạo sát sườn hơn trong thời gian tới. Tỉnh đã xác định đây sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn, nên tiếp tục đầu tư. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, là cơ quan thường trực, cần chủ động tham mưu, đề xuất, định hướng đồng thời phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan, sớm hoàn chỉnh đề án phát triển du lịch để trình UBND tỉnh phê duyệt”.

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích