Tình người trong dịch bệnh

12/07/2021 | 08:02 GMT+7

Với tinh thần “tương thân tương ái” nhiều mạnh thường quân, nhà hảo tâm đã có những việc làm, nghĩa cử cao đẹp, để chia sẻ, giúp đỡ người dân phần nào vượt qua cơn khốn khó do đại dịch...

Những phần cơm nghĩa tình giúp bà con nghèo cảm thấy ấm lòng trước khó khăn.

Giúp dân mình cả trong và ngoài tỉnh

“Tôi mới vừa đi xin bánh mì về nè. Có tủ bánh mì nhân ái, người lao động nghèo chúng tôi đỡ hết sức”, ông Phạm Văn Mít, ở thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, mở đầu câu chuyện. Ông Mít làm nghề chạy xe ôm, vì ở quê nhà ít khách, thu nhập không được bao nhiêu nên cứ 6 giờ sáng là ông qua thành phố Vị Thanh để hành nghề, tính đến nay cũng được 5 năm. Những tháng gần đây, ảnh hưởng của dịch bệnh, người dân hạn chế ra đường, từ đó thu nhập của gánh xe ôm như ông cũng chẳng được bao nhiêu.

Trò chuyện cùng mọi người, ông Mít bảo rằng, cách đây khoảng 2 năm nghề xe ôm cho thu nhập khá, bình quân mỗi ngày ông cũng kiếm được từ 200.000-300.000 đồng, ngày nào chở khách đi liên tỉnh còn cao hơn. Với mức thu nhập ấy đủ lo chi phí sinh hoạt trong gia đình, nào ngờ dịch bệnh xảy ra cuộc sống người dân gặp biết bao khó khăn. Giờ đây, ngày nào chạy được 100.000 đồng là mừng lắm rồi, nhưng cả tháng mới có được một ngày như thế. “Có hôm chạy được 30.000-40.000 đồng, trừ tiền xăng, tiền qua đò coi như huề vốn”, ông Mít cho hay.

Khi biết bánh mì nhân ái phát vào sáng thứ bảy, do đó, hầu như tuần nào ông Mít cũng đến nhận. Quả thật với những gia đình khá giả, có điều kiện thì ổ bánh mì không đáng giá bao nhiêu, nhưng với những lao động như ông Mít đáng quý biết bao. Nó không chỉ giúp người lao động no lòng, giảm bớt chi phí, mà còn thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng xã hội, giúp nhau vượt qua lúc khó khăn của dịch bệnh.

Để có những ổ bánh mì này, Nhóm thiện nguyện Hải Anh đã vận động các mạnh thường quân và các thành viên của nhóm tự nguyện đóng góp. Theo anh Lê Hải Anh, Trưởng nhóm thiện nguyện, dịch bệnh xảy ra, gây nhiều khó khăn cho người dân, nhất là các cô chú bán vé số, lượm ve chai, người mua gánh bán bưng, người có thu nhập thấp… Vì thế, các thành viên trong nhóm bàn bạc với nhau thực hiện cách nào để chia sẻ phần nào khó khăn với bà con. Và mô hình bánh mì từ thiện được ra đời vào tháng 2-2021. Cứ thế, đều đặn vào thứ bảy hàng tuần, nhóm sẽ trao tặng khoảng 400 ổ bánh mì thịt đến bà con. “Ngoài tặng bánh mì, nhóm còn vận động trao tặng khẩu trang và nhắc nhở bà con quan tâm phòng, chống dịch bệnh”, anh Hải Anh bộc bạch.

Ngoài tặng bánh mì cho bà con, Nhóm thiện nguyện Hải Anh còn vận động hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều lao động của tỉnh phải cách ly ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhóm đã vận động gạo, thực phẩm gửi đến Thành phố Hồ Chí Minh để trao tặng cho bà con trong các khu cách ly.

Chung một tấm lòng thiện

Chung tâm nguyện làm việc thiện, hơn hai tháng nay, cứ vào ngày rằm, 30 âm lịch hàng tháng, các cô, các dì ở xã Đông Phú lại tụ họp cùng nhau nấu nướng, chuẩn bị bữa sáng 0 đồng để trao tặng cho bà con nghèo. Có hôm thì bánh mì thịt, hôm thì bún xào chay… Dẫu trị giá bữa ăn không nhiều nhưng đó là tấm lòng mà mọi người dành cho những hoàn cảnh khó khăn. Ông Võ Văn Đức, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Đông Phú, cho biết: “Mô hình Bữa sáng 0 đồng do Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã cùng với các mạnh thường quân thực hiện. Kinh phí để thực hiện bữa ăn 0 đồng ngoài sự vận động của các hội, đoàn thể địa phương, mạnh thường quân cũng ủng hộ tiền, rau củ quả… Đặc biệt, nhiều mạnh thường quân vừa góp của vừa góp công để nấu nướng. Để có những bữa sáng trao tặng bà con vào lúc sáng sớm, dẫu mọi người phải dậy từ khuya để chuẩn bị, tuy có hơi cực nhưng ai nấy đều vui lòng, vì có thể chia sẻ phần nào khó khăn với mọi người”.

Dịch bệnh khiến đời sống người dân đảo lộn, nhưng trong cảnh khó khăn ấy tinh thần “nhường cơm sẻ áo” của dân tộc lại lan tỏa hơn bao giờ hết. Người góp công, người góp của, ai nấy đều mong rằng dịch bệnh mau qua, cuộc sống bà con sẽ trở lại quỹ đạo bình thường. Dẫu tất bật nấu ăn cho quán cơm chay của mình, nhưng vào ngày 1 tây hàng tháng là bà Nguyễn Thị Gọn, chủ quán cơm chay Tịnh Tâm, ở khu vực 2, phường V, thành phố Vị Thanh, đều ra công để nấu những suất cơm chay nghĩa tình, để trao tặng bà con nghèo vào ngày 1 tây hàng tháng. Bà Gọn chia sẻ: “Vừa chuẩn bị thức ăn cho quán, vừa nấu cơm tặng người nghèo tuy mệt, công việc lu bu nhưng khi thấy bà con vui vẻ nhận suất cơm, tôi thấy vui lắm”. Bình quân mỗi tháng quán trao khoảng 150 suất cơm chay, kinh phí ngoài Đoàn thanh niên phường V, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường và Ủy ban MTTQ Việt Nam phường, Câu lạc bộ Thanh niên thiện nguyện họ Dương hỗ trợ, nếu thiếu thì bà Gọn bù thêm. Tất cả trên tinh thần lá lành đùm lá rách, mọi người cùng chung tay chống dịch.

Do mới thực hiện từ  ngày 1-7, nên mọi người chưa biết nhiều đến điểm phát cơm này, để không bỏ sót một ai, trong buổi phát cơm đoàn viên thanh niên phường V đã chia thành nhiều tốp nhỏ đi phát cơm trên một số tuyến đường. Cầm hộp cơm vừa nhận được từ các đoàn viên thanh niên, bà Nguyễn Thị Lài, ở ấp 7, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, liền tấp vào vệ đường trên đường Võ Văn Kiệt ăn cho đỡ đói, bởi bà đi làm mướn từ sáng đến tận trưa vẫn chưa có gì lót dạ. “Bây giờ, mưu sinh khó khăn lắm nên chắt chiu được đồng nào đỡ đồng đó”, bà Lài bộc bạch. Không riêng bà Lài mà nhiều lao động nghèo, nhặt ve chai… cũng nhận được những suất cơm ấm áp nghĩa tình giữa khó khăn của đại dịch.

Dìu nhau vượt qua khó khăn...

Cùng chung tay hỗ trợ người nghèo, người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân, tổ chức đã có những hoạt động thiết thực như tặng khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, mì, dầu ăn, nước tương… cho người dân. Dẫu cách làm khác nhau, nhưng ai nấy đều chung tấm lòng, cùng dìu nhau vượt qua khó khăn với niềm tin sức mạnh tình người sẽ chiến thắng dịch Covid-19.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>