Thực hiện bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ

23/11/2021 | 08:51 GMT+7

Những năm qua, công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ đã được cấp ủy, chính quyền các cấp xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và quan tâm thực hiện. Từ đó, góp phần nâng cao vị thế người phụ nữ trên các lĩnh vực. Ông Võ Phú Cường (ảnh), Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hậu Giang xoay quanh vấn đề này.

Trước tiên, xin ông cho biết kết quả thực hiện công tác bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh ?

- Những năm qua, tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo công tác bình đẳng giới nhằm đảm bảo công bằng và sự tiến bộ của phụ nữ. Các cơ quan Đảng, Nhà nước, Ủy ban MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội đã nâng cao nhận thức về giới và ý thức trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới; lên án đấu tranh với các hành vi phân biệt đối xử, xâm hại, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ. Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp thường xuyên tuyên truyền đến cán bộ, Nhân dân trên địa bàn về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, các gương điển hình tiên tiến trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Qua đó, góp phần xóa bỏ vấn nạn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, nâng cao vị thế của người phụ nữ trong các lĩnh vực. Đến nay, trong lĩnh vực chính trị có 25,6% cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ; tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2020-2025: cấp tỉnh chiếm tỷ lệ 20%; cấp huyện chiếm tỷ lệ 16,1% và cấp xã chiếm 18,9%. Tỷ lệ nữ là đại biểu Quốc hội khóa XV tại tỉnh chiếm tỷ lệ 33,3%. 55 nữ làm giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã. Ngoài ra, nội dung về bình đẳng giới còn được đưa vào các chương trình bồi dưỡng, đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục...

Vai trò của phụ nữ ngày càng được chú trọng và nâng lên trên các lĩnh vực.

Thưa ông, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bình đẳng giới còn những vướng mắc, khó khăn nào ?

- Hiện nay, một số phụ nữ vẫn còn tâm lý an phận, e ngại, tự ti, chính vì thế họ không tham gia vào các hoạt động kinh tế, xã  hội. Tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” vẫn còn, tình trạng bạo hành trong gia đình, mà nạn nhân là người già, phụ nữ và trẻ em vẫn xảy ra. Trong lĩnh vực việc làm vẫn còn xu thế ngành nghề chọn giới nam hoặc giới nữ, chính điều này cũng ảnh hưởng đến vị thế, tiềm năng việc làm của phụ nữ. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 đã tác động đến tất cả các lĩnh vực của xã hội và tác động sâu sắc đến việc thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới. Trong đó, phụ nữ bị tác động nặng nề và có thể chịu ảnh hưởng lâu dài. Điều đó cũng góp phần gia tăng khoảng cách bất bình đẳng giới.

Đại dịch Covid-19 kéo dài gây ảnh hưởng đến nhiều mặt đời sống và xã hội, trong đó phụ nữ và trẻ em là đối tượng dễ tổn thương, Hậu Giang đã chăm lo, hỗ trợ như thế nào, thưa ông ?

- Trong bối cảnh chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoạt động chăm lo cho phụ nữ, trẻ em được các ngành và địa phương tích cực triển khai bằng nhiều hoạt động thiết thực. Từ nguồn kinh phí của tỉnh và vận động xã hội hóa đã trao tặng nhiều phần quà phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi còn nhỏ, phụ nữ nghèo và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Cụ thể, đã trao tặng 118 phần quà cho phụ nữ mang thai và 429 trẻ em từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trở về cách ly tại tỉnh. Ngoài ra, các địa phương cũng vận động xã hội hóa để trao tặng nhiều phần quà cho phụ nữ, trẻ em chịu ảnh hưởng của đại dịch. Thực hiện Nghị quyết số 68 của Chính phủ đã hỗ trợ chính sách cho 170 trẻ em. Tỉnh tổ chức đón 3 đợt là người già, phụ nữ mang thai, phụ nữ nuôi con nhỏ, trẻ em từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 có nguyện vọng trở về tỉnh...

Để thực hiện tốt công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, đảm bảo an sinh xã hội cần thực hiện những gì trong thời gian tới, thưa ông ?

- Ngành phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng, tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới; thực hiện Chương trình Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch thực hiện công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Đồng thời, khắc phục những tồn tại, hạn chế, thực hiện đồng bộ các giải pháp về tăng cường vai trò của phụ nữ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội. Tiếp tục quan tâm và tạo việc làm cho lao động phụ nữ, từ đó, giúp họ có việc làm, tăng thu nhập, tránh phụ thuộc vào nam giới, góp phần phòng ngừa vấn nạn bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Thực hiện đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức; điều tra xử lý nghiêm đối với các vụ việc liên quan đến các vụ bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em gái. Duy trì hoạt động hiệu quả của các mô hình, câu lạc bộ, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em...

Xin cảm ơn ông !

BÍCH CHÂU thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>