Tạo sinh kế cho nạn nhân da cam

26/03/2024 | 09:20 GMT+7

Hội Nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/Dioxin tỉnh đang đẩy mạnh hoạt động trao sinh kế theo hướng đa dạng, phù hợp với hoàn cảnh thực tế của từng nạn nhân CĐDC có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Hội Người mù - CĐDC - Khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Vị Thanh trao sinh kế cho nạn nhân CĐDC trên địa bàn.

Giúp phát triển sinh kế

Là con của người hoạt động kháng chiến, từ lúc mới chào đời, anh Đặng Văn Nhơn, ở ấp Lái Hiếu, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, đã mang trong mình chất độc màu da cam, với nhiều khiếm khuyết trên cơ thể. Vượt lên số phận, anh Nhơn nỗ lực mưu sinh bằng nghề bán quần áo, giày dép dạo. Cách đây 3 năm, mẹ anh đột ngột phát bệnh, rồi nằm một chỗ. Là con út, lại chưa lập gia đình, anh phải nghỉ buôn bán để ở nhà chăm sóc cho mẹ.

Mấy năm nay, anh Nhơn chọn việc chăn nuôi gà để trang trải cuộc sống. Tuy mô hình có hiệu quả, nhưng do thiếu vốn, nên anh chưa thể mở rộng quy mô. Vừa qua, anh được Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin tỉnh hỗ trợ 4 triệu đồng để phát triển sinh kế. “Khi gặp khó khăn mà được hỗ trợ như vậy tôi thấy rất mừng. Với số tiền này, tôi sẽ mua thêm gà con, còn một ít dự trữ để mua thức ăn. Tôi sẽ cố gắng chăn nuôi để có thu nhập ổn định xoay xở cho cuộc sống sau này”, anh Nhơn chia sẻ.

Anh Nhơn là một trong các nạn nhân CĐDC được Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin tỉnh hỗ trợ vốn để phát triển sinh kế trong những tháng đầu năm 2024. Hội người mù - CĐDC - khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em mỗi huyện, thị, thành phố được Tỉnh hội trao số tiền 10 triệu đồng. Các hội cấp huyện đã tiến hành rà soát, nắm bắt hoàn cảnh các nạn nhân CĐDC tại địa phương để chọn và trao số vốn phù hợp.

Với tổng kinh phí 80 triệu đồng, Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin tỉnh hỗ trợ được hơn 20 nạn nhân CĐDC và gia đình có điều kiện phát triển sinh kế, ổn định cuộc sống.

Để ổn định cuộc sống

Bà Nguyễn Thanh Thủy, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin tỉnh, cho biết: “Hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân CĐDC là hoạt động luôn được Tỉnh hội quan tâm, tập trung triển khai. Nếu như những năm trước, sinh kế được trao chủ yếu là chăn nuôi bò, heo, gà thì năm nay, chúng tôi đã đa dạng hóa sinh kế. Tùy điều kiện cụ thể và mong muốn của từng nạn nhân, rồi tùy vào điều kiện nơi sinh sống của mỗi gia đình hoặc kinh nghiệm nuôi trồng, buôn bán nhỏ,… mà chúng tôi trao sinh kế phù hợp để họ thực hiện”.

Như trường hợp của ông Lâm Văn Ngoan, ở ấp Thạnh Hòa 1, xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, là con người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐDC, đã được trao sinh kế chăn nuôi vịt. Do nhà ở khu vực nông thôn, dọc theo bờ kênh, nên anh Ngoan nhận thấy việc nuôi vịt là phù hợp với điều kiện của mình. Với số tiền 3 triệu đồng được trao, đủ để anh mua con giống, thức ăn và bắt đầu phát triển sinh kế cho gia đình.

Bà Mã Thị Ngọc Thúy, Chủ tịch Hội Người mù - CĐDC - Khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Vị Thanh, cho biết: “Dịp này, chúng tôi chọn 3 nạn nhân CĐDC có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn để trao sinh kế. Mỗi nạn nhân có sinh kế khác nhau, người thì nuôi gà, người thì nuôi vịt rồi nuôi ếch. Sau khi trao sinh kế, chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền địa phương để tiếp tục hỗ trợ nạn nhân duy trì và phát triển mô hình trong thời gian tới”.

Bên cạnh các mô hình chăn nuôi gà, vịt, ếch, dê, bò, đợt này còn có nạn nhân CĐDC được hỗ trợ sinh kế để buôn bán nhỏ, sửa chữa xe để chạy xe ôm,… Qua đó, giúp họ phát huy tối đa khả năng, thực hiện sinh kế hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định và lâu dài.

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>