Phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em trong bối cảnh dịch bệnh

29/11/2021 | 09:36 GMT+7

Để phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em, ngành chức năng đã thực hiện nhiều giải pháp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay.

Ngoài giải pháp của ngành chức năng, gia đình cần hướng dẫn các em nhận biết những hành vi xâm hại, bạo lực.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh phát hiện 11 vụ xâm hại trẻ em. Những vụ việc đáng tiếc xảy ra để lại hậu quả không chỉ là những tổn thương về thể xác mà cả những di chứng ảnh hưởng đến sự phát triển sức khỏe tinh thần của trẻ. Nguyên nhân các vụ xâm hại trẻ em là do sự thiếu quan tâm của gia đình, cùng với đó các em thiếu hiểu biết, kiến thức về giới. Đồng thời, việc quản lý, giáo dục còn lỏng lẻo nên xảy ra tình trạng yêu đương, quan hệ tình dục sớm khi còn ở độ tuổi vị thành niên.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, để phòng ngừa vấn nạn bạo lực, xâm hại trẻ em, các sở, ngành và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức. Theo đó, cần giáo dục cho các em kỹ năng sống, kỹ năng nhận biết và ứng phó với những tình huống nguy hiểm, rủi ro, tuyên truyền, quảng bá về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111, thực hiện tốt việc chăm sóc, ổn định tâm lý cho các em nếu xảy ra các vụ việc đáng tiếc. Cùng với đó, xử lý nghiêm các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em để tạo tính răn đe.

Để đảm bảo an toàn cho trẻ em trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Cục Trẻ em đã yêu cầu sở lao động - thương binh và xã hội các tỉnh, thanh tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai kịp thời các biện pháp bảo vệ trẻ em trong hoàn cảnh dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho trẻ em cùng với việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đặc biệt quan tâm phòng, chống nguy cơ xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em, phòng ngừa sang chấn và hỗ trợ ổn định tâm lý cho trẻ em. Bên cạnh đó, sử dụng ngân sách của Quỹ Bảo trợ trẻ em cấp tỉnh (nếu có) hoặc ngân sách của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và các nguồn vận động khác để hỗ trợ dinh dưỡng, đồ dùng thiết yếu, thuốc và các vật phẩm y tế bổ sung cho trẻ em ở các địa bàn giãn cách xã hội và các cơ sở cách ly tập trung với phương châm không để trẻ em nào có nhu cầu, gặp khó khăn mà không được hỗ trợ kịp thời.

Ngoài ra, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) đã đưa ra những kiến thức để phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em khi cách ly tại nhà trong phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, các cán bộ cơ sở tham gia quá trình hỗ trợ cách ly và giãn cách xã hội phòng chống Covid-19 cần trao đổi với các gia đình về các hình thức bạo lực, xâm hại trẻ em như bạo lực tinh thần, bạo lực thể chất, xâm hại tình dục. Tư vấn cho các thành viên người lớn trong gia đình cách phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em. Cụ thể, tuyệt đối không trừng phạt bằng cách đánh đập, dùng lời lẽ xúc phạm hoặc xa lánh trẻ. Đặt ra các quy tắc rõ ràng và giải thích để trẻ hiểu rằng trẻ cần phải thực hiện và tuân thủ những quy tắc đó. Kiên nhẫn, dành thời gian để nói chuyện với trẻ để tìm hiểu lý do và giúp trẻ điều chỉnh nếu trẻ không hợp tác. Nhắc nhở, hướng dẫn và quản lý việc trẻ vào mạng internet đảm bảo phù hợp với mục đích và nhu cầu chính đáng của trẻ để tránh những nguy cơ trẻ bị xâm hại trên mạng. Cùng với đó, tư vấn cho các thành viên người lớn trong gia đình cách phòng ngừa, xử lý khi có trường hợp bạo lực, xâm hại trẻ em như kêu to, phát tín hiệu cấp cứu, gọi điện thoại cho cơ quan công an, cơ quan lao động -  thương binh và xã hội ở địa phương, UBND các cấp, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 và các cơ quan có thẩm quyền gần nhất, các cơ sở dịch vụ thiết yếu để thông báo và để yêu cầu được giúp đỡ, bảo vệ.

Với các cơ quan khi tiếp nhận thông báo hoặc nghi ngờ có xảy ra bạo lực, xâm hại trẻ em cần lưu ý: đảm bảo bí mật danh tính của nạn nhân. Ghi chép lại các thông tin và tình huống xảy ra. Phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý tình huống. Xem xét việc hỗ trợ về tâm lý và y tế nếu cần thiết. Nếu không thể xử lý được tình huống, hãy báo với người có kinh nghiệm và có trách nhiệm cao hơn...

BÍCH CHÂU tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>