Phòng ngừa bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em

25/11/2021 | 09:37 GMT+7

Đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường kỹ năng để phòng ngừa, ứng phó với bạo lực xâm hại cho phụ nữ và trẻ em là một trong những giải pháp được ngành chức năng và cộng đồng, xã hội quan tâm thực hiện.

Các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, góp phần phòng ngừa, ứng phó với bạo lực xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em gái được đẩy mạnh. (Ảnh chụp trước đợt dịch).

Thời gian qua, công tác bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; phòng, chống bạo lực gia đình thời gian qua luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Các vụ bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em giảm đáng kể qua các năm. Theo ông Võ Phú Cường, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, công tác tuyên truyền luôn được ngành và các sở, ngành và địa phương đẩy mạnh. Các hoạt động truyền thông, phát tờ rơi, tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh, hướng dẫn những kỹ năng cần thiết để phụ nữ, trẻ em tự bảo vệ bản thân và ứng phó với bạo lực, xâm hại được thực hiện thường xuyên. Góp phần giúp mọi người có thêm kiến thức, kỹ năng biết cách vun hòa các mối quan hệ trong gia đình, xã hội, chủ động phòng ngừa cũng như ứng phó với vấn nạn bạo lực, xâm hại.

Trên địa bàn tỉnh có 154 mô hình được xây dựng, 199 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, gần 110 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình và 253 địa chỉ tin cậy cộng đồng. Thông qua các câu lạc bộ, mô hình sẽ góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại. Theo chị Lê Thị Bích Loan, ở phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ: Trong cuộc sống hàng ngày, vợ chồng khó tránh khỏi những lúc bất đồng quan điểm, song qua các buổi tuyên truyền, nói chuyện về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, giúp chị có thêm hiểu biết cũng như biết cách chủ động giải quyết những mâu thuẫn trong gia đình một cách êm đẹp. Đó là cách để vợ chồng chị làm gương cho con về cách ăn nói, cư xử, góp phần xây dựng gia đình ngày càng hạnh phúc.

Còn ông Nguyễn Văn Hoàng, ở xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Các thành viên trong gia đình có trách nhiệm và nghĩa vụ ngang nhau, mỗi khi quyết định việc gì cả nhà đều bàn bạc, thống nhất rồi đi đến quyết định cuối cùng. Mỗi khi đi làm về, thấy vợ lu bu chuyện bếp núc thì tôi giúp ngay, là người một nhà thì phải quan tâm, chia sẻ lẫn nhau”.

Đầu năm đến nay, tỉnh nhà không xảy ra nạn bạo lực gia đình nhưng phát hiện 11 vụ xâm hại trẻ em. Bạo lực, xâm hại khiến nạn nhân phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng như chấn thương về thể chất, trầm cảm, thậm chí là các vấn đề nguy hiểm đến tính mạng. Để thực hiện tốt công tác bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực và xâm hại cho phụ nữ, trẻ em ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đề cao vai trò, trách nhiệm, tính chủ động tham gia hành động của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, đơn vị thì người trong cuộc cần chủ động lên tiếng.

Theo bà Nguyễn Thị Lý, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Đối với chị em phụ nữ và trẻ em gái khi bị bạo hành điều trước tiên phải nhận thức được hành vi đấy và mạnh dạn tố giác những hành vi vi phạm pháp luật để tự bảo vệ bản thân mình. Đối với các địa phương, đơn vị khi phát hiện có những vụ việc bạo hành đối với trẻ em, bạo lực trong gia đình phải chủ động nắm chặt tình hình rồi cùng với các ngành để xử lý nghiêm những hành vi bạo hành, bạo lực. Từ đó tạo sức răn đe, xây dựng gia đình thật sự no ấm, tiến bộ, hạnh phúc...

Việc phòng ngừa và ứng phó bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các ngành, các cấp, của toàn xã hội. Có như thế, tình trạng xâm hại, bạo hành phụ nữ, trẻ em mới được đẩy lùi, xóa bỏ, góp phần xây dựng cuộc sống an toàn, lành mạnh...

Kêu gọi sự tham gia của nam giới

Tại Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2021, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nhấn mạnh: “Để giải quyết bất bình đẳng giới ở Việt Nam, bên cạnh các chính sách, chương trình để bảo đảm an sinh xã hội thì công tác truyền thông cần phải được thực hiện thường xuyên, lâu dài và hiệu quả hơn, nhằm thay đổi những định kiến giới đang tồn tại khá phổ biến trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Sẽ không có bình đẳng giới, nếu không có sự tham gia của nam giới trong công việc gia đình và chấm dứt bạo hành với phụ nữ và trẻ em gái”.

 

Các thông điệp của Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn tỉnh năm 2021

- Thực hiện bình đẳng giới là tiêu chí của tiến bộ, văn minh.

- Hưởng ứng Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ  25-11-2021.

- Đảm bảo an sinh xã hội là nền tảng thúc đẩy bình đẳng giới và sự phát triển bền vững của đất nước.

- Bình đẳng giới là chìa khóa để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

- Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương.

- Xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em là tội ác nghiêm trọng.

- Hãy tố cáo hành vi bạo lực, xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em.

- Nam giới tiên phong thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

- Hãy hành động vì cộng đồng an toàn, bình đẳng, không bạo lực, xâm hại...

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>