Những tấm lòng vàng
Những việc làm ý nghĩa đã thổi lên ngọn lửa tình người, làm ấm lòng những hoàn cảnh khó khăn, khơi dậy phong trào tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, để tình người lan tỏa trên đất Hậu Giang !
Bà Chi (phải) thường xuyên đến thăm những hoàn cảnh khó khăn.
Tận tâm giúp người, giúp đời
“Bữa ghé thăm dì Bảy, dì nói hổm rày mạnh thường quân cho gạo nhiều rồi, nhưng nhà không có mì. Tôi soạn hai chục gói mì, chục gói cháo đem tặng dì”, bà Nguyễn Thị Chi, ở ấp Hòa Phụng B, thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp mở đầu câu chuyện.
Dì Bảy mà bà Chi nhắc đến là bà Nguyễn Thị Bảy, ở ấp 6, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp. Hoàn cảnh của bà Bảy rất khó khăn, lớn tuổi nhưng sống có một mình. Dẫu nhà bà Chi cách nhà bà Bảy chỉ hơn 2km, nhưng vì không biết chạy xe nên bà Chi phải đi xe ôm để đem mì, cháo đến nhà tặng bà Bảy.
Cách đây 11 năm, bà Chi đã gắn bó với hoạt động từ thiện - đó là chương trình “Khát vọng sống” lần đầu tiên được thực hiện trên địa bàn tỉnh. Sau khi trao tận tay số tiền hỗ trợ cho hai chị em mồ côi - nhân vật được thực hiện chương trình, bà thấy rất vui, một cảm giác là lạ khó mà diễn tả. Kể từ đó, mỗi lần thấy những người nghèo khó túng thiếu, bà lại thấy hình ảnh cơ cực của gia đình mình năm xưa, nên dù ít dù nhiều, bà đều giúp đỡ, khi thì chục ký gạo, chục gói mì, hỗ trợ tiền, thậm chí có người bà còn giúp cả vàng để tạo công ăn việc làm. Mấy năm nay, lúc nào bà cũng mua sẵn 200kg gạo gửi ở nhà máy gạo, khi biết hoàn cảnh nào khó khăn, bà liên hệ xe ôm để chở gạo tới nhà.
Bà Chi hiện sống cùng người chị, vẫn gắn bó với nghề may quần áo. Bà Chi cho biết: “Hồi trước, tôi may nhiều lắm, nào là may áo dài, may quần tây, may đồ kiểu... Nhờ tích góp, tiết kiệm, để dành nhiều năm tôi mua đất cất nhà. Giờ đây, lớn tuổi rồi, tôi chỉ còn may áo dài. Với số tiền công may áo dài và cho thuê nhà, tôi dùng để giúp người, giúp đời”.
Hiện nay, dẫu đã 67 tuổi nhưng mỗi khi nhận được tin báo ở đâu, có nhà nào khó khăn hay ai đó bệnh không tiền đi khám bệnh là bà lại lật đật kêu xe ôm chở đến nơi để biết hoàn cảnh mà tìm cách giúp đỡ. Mỗi khi nhìn những hoàn cảnh mà mình giúp đỡ có cuộc sống tốt hơn là thêm một niềm vui được nhóm lên trong bà. Vì vậy, mỗi năm bà Chi luôn dành từ vài chục triệu đồng đến hơn trăm triệu đồng để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn và bà sẽ tiếp tục gắn bó với công việc đầy ý nghĩa này.
Giúp được người khó là niềm vui
Cũng với quan niệm giúp người là niềm vui, hơn chục năm qua, bà Võ Thị Vân, ở ấp 1B, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A đã gắn bó với các hoạt động từ thiện trong và ngoài địa phương. Những năm chiến tranh, cha và người anh thứ hai của bà đã tham gia chiến đấu và hy sinh, dẫu cuộc sống khó khăn, bữa đói bữa no nhưng gia đình luôn tiếp tế cho cách mạng, nên bà quan niệm rằng giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, cảnh đời bất hạnh cũng chính là giúp xã hội ngày một tốt đẹp hơn.
Gia đình canh tác 30 công xoài, dẫu công việc bận rộn nhưng bà luôn dành thời gian cho công tác thiện nguyện. Những năm qua, ngoài nấu cơm ở Tổ từ thiện, bà còn tích cực tham gia các chương trình từ thiện khác như “Cảm thông và chia sẻ”, “Khát vọng sống”, đóng góp xây dựng nhà tình thương, ủng hộ quà tặng người nghèo... “Từng sống trong những ngày gian khó, lúc còn con gái tôi đã từng vác lúa, đội đất, nên tôi hiểu hết những thiệt thòi, thiếu thốn mà người nghèo gặp phải, miễn làm được việc gì để chia sẻ với những mảnh đời không may, tôi và gia đình luôn sẵn lòng. Khi tham gia Tổ từ thiện, được tận tay trao phần cơm cho bệnh nhân hay người nuôi bệnh, nhìn ánh mắt và nụ cười của mọi người, dù có mệt tôi cũng thấy vui và hạnh phúc”, bà Vân chia sẻ.
Dẫu tích cực giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, nhưng bà Vân luôn khiêm tốn bảo rằng sự hỗ trợ của bà chẳng đáng bao nhiêu, bà hy vọng rằng những việc làm nhỏ này sẽ góp phần động viên những hoàn cảnh kém may mắn, tạo động lực để họ vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Điều đáng quý là những việc làm thiện nguyện của bà luôn được gia đình ủng hộ. Hiện nay, chồng bà cũng tham gia nấu cơm ở Tổ từ thiện. Bà Đỗ Thị Ửng, nấu cơm ở Tổ từ thiện Trung tâm Y tế huyện Châu Thành A, cho biết: “Chị Vân nhiệt tình lắm, hễ giúp được ai gì là chị ấy giúp”.
Đặt lợi ích cộng đồng lên hàng đầu, bà Chi, bà Vân luôn tích cực với các hoạt động nhân đạo. Những việc làm ý nghĩa ấy không chỉ thổi lên ngọn lửa tình người, làm ấm lòng những hoàn cảnh khó khăn, mà còn trở thành chất men khơi dậy phong trào tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, để tình người thêm lan tỏa...
Theo ông Nguyễn Chí Nghề, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, toàn tỉnh có 89 Câu lạc bộ “Những người tình nguyện làm công tác nhân đạo”, 10 bếp ăn tình thương và tổ cơm cháo nước sôi. Ngoài ra, còn rất nhiều tổ chức, cá nhân tích cực thực hiện các hoạt động nhân đạo từ thiện, góp phần phát huy tối đa tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng xã hội. |
Bài, ảnh: BÍCH CHÂU
-
Góp sức vì an sinh xã hội
-
Số người từ 60 tuổi trở lên ở Hậu Giang cao hơn mức trung bình của cả nước
-
Xây dựng, sửa chữa và bàn giao 243 căn nhà cho người dân
Ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số”: Giúp người dân chủ động nắm thông tin
Đồng bằng sông Cửu Long: Tập trung khai thác phát triển kinh tế sông
Truyền thông về quyền con người là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị trước mắt và lâu dài
Thể thao Châu Thành A thành công do đâu ?
Đồng hành cùng nạn nhân da cam
- Kỳ vọng tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau
- Hướng điều trị Covid-19 sau khi giải thể bệnh viện dã chiến
- Những “lá chắn” bảo vệ sản xuất
- Chủ tịch nước tiếp Đại sứ Mexico, Đại sứ Hoa Kỳ trình Quốc thư
- Nóng bỏng tình hình ở Ukraine
- Thanh niên Châu Thành sẵn sàng lên đường nhập ngũ
- Giúp hợp tác xã nông nghiệp phát triển bền vững
- Quyết kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông
- Thông tin về dịch Covid-19
- “Cần câu” của người nghèo
Ngày thi tốt nghiệp THPT đầu tiên diễn ra thuận lợi, nghiêm túc
Hậu Giang tích cực hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết
Bờ kè kênh xáng Xà No xuống cấp
Chung tay hành động bảo vệ môi trường
Nhiều hoạt động thiết thực trong Tháng công nhân
Sôi nổi hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá
Tháng 5 ý nghĩa !
Giữ “lá phổi xanh” cho đồng bằng