Khi nào Hậu Giang ra khỏi danh sách… tỉnh, thành có mức sinh thấp ?

22/02/2022 | 07:27 GMT+7

Hậu Giang là một trong 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp của cả nước và tiếp tục giảm trong năm qua. Câu chuyện tăng sinh là thách thức đặt ra cho ngành dân số nói riêng và cả tỉnh nói chung.

Chị Nguyễn Thị Kim Hai (giữa), ở khu vực Bình Thạnh C, phường Bình Thạnh, thị xã Long Mỹ, hạnh phúc khi sinh đủ 2 con nhờ sự động viên của ngành dân số địa phương.

Nguyên nhân nào khiến mức sinh thấp ?

Năm 2021, toàn tỉnh có 7.188 trẻ sinh, giảm 789 trẻ so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 6.216 trẻ so với cùng kỳ năm 2008. Số trẻ sinh hàng năm giảm dần theo thời gian đã làm tổng tỷ suất sinh của tỉnh suy giảm đáng kể. Nếu như vào năm 2009, tổng tỷ suất sinh của tỉnh là 1,97 con/phụ nữ thì đến cuối năm 2020, tổng tỷ suất sinh của tỉnh là 1,38 con/phụ nữ. Đến cuối năm 2021, tổng tỷ suất sinh tiếp tục giảm chỉ còn 1,24 con/phụ nữ. Đáng chú ý là có nhiều địa phương như huyện Long Mỹ, huyện Vị Thủy và thành phố Vị Thanh, có tổng tỷ suất sinh giảm mạnh.

Những năm qua, thành phố Vị Thanh đã tích cực thay đổi khẩu hiệu tuyên truyền, từ “Mỗi cặp vợ chồng sinh từ 1-2 con” sang “Mỗi cặp vợ chồng hãy nên sinh đủ 2 con”. Đồng thời, thực hiện mô hình sinh đủ 2 con và áp dụng các chính sách cải thiện mức sinh của địa phương. Tuy nhiên, đến cuối năm 2021, tổng tỷ suất sinh của thành phố đã giảm từ 1,4 con/phụ nữ (năm 2020) xuống còn 1,04 con/phụ nữ. Qua thực tế triển khai, ngành dân số thành phố cũng nhận thấy những rào cản làm ảnh hưởng đến việc tăng sinh của địa phương.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Liên, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Vị Thanh: “Nguyên nhân khiến địa phương gặp khó là do đa số các cặp vợ chồng trẻ đều đã quen với mô hình sinh ít con. Hiện nay, lực lượng lao động trẻ đang làm trong các công ty, xí nghiệp nhiều nên việc sinh con dễ ảnh hưởng đến công ăn việc làm của họ. Trong đó có những cặp vợ chồng đi làm ăn xa, không có mặt ở địa phương, nên việc tiếp cận để tuyên truyền, vận động cũng gặp hạn chế”.

Tại huyện Long Mỹ, năm qua, tổng tỷ suất sinh của huyện cũng bị suy giảm đáng kể, từ 1,3 con/phụ nữ vào năm 2020 xuống còn 1,07 con/phụ nữ vào năm 2021. Dù đã có nhiều nỗ lực để cải thiện mức sinh, nhưng trên thực tế, việc tiếp cận và tuyên truyền, vận động người dân không phải là điều dễ dàng. Bà Phan Thị Hương Trầm, cán bộ phụ trách công tác dân số xã Thuận Hòa, cho biết: “Các cặp vợ chồng đều nuôi con theo cách hiện đại, tốn kém khá nhiều chi phí. Nhiều cặp vợ chồng có hoàn cảnh khó khăn hoặc lo làm ăn cũng rất ngại sinh con. Số lượng các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đi làm ăn xa ở ngoài tỉnh khá đông, nên việc tiếp cận để vận động rất là khó”.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong năm qua cũng được cho là một trong những nguyên nhân tác động đến ý định sinh con của người dân, dẫn đến số trẻ sinh giảm và tổng tỷ suất sinh đạt mức thấp. Trước thực trạng đó, câu hỏi đặt ra là liệu rằng các giải pháp mà ngành dân số tỉnh đang áp dụng hiện nay có thực sự hiệu quả và làm sao để cải thiện, nâng cao tổng tỷ suất sinh của tỉnh trong năm tới.

Những kinh nghiệm đã có và quyết tâm tới đây

Bên cạnh những địa phương có tổng tỷ suất sinh thấp, thì năm qua có những địa phương đã lội ngược dòng, có tổng tỷ suất sinh tăng, đạt mức cao hơn so với trung bình của cả tỉnh. Tiêu biểu là thị xã Long Mỹ, có tổng tỷ suất sinh đạt 1,45 con/phụ nữ trong năm 2021. Tương tự như các địa phương khác, trong 3 năm qua, thị xã đã tích cực thay đổi khẩu hiệu tuyên truyền, thực hiện mô hình sinh đủ 2 con và áp dụng các chính sách khuyến sinh.

Phường Bình Thạnh là một trong các đơn vị thực hiện mô hình sinh đủ 2 con đạt kết quả khả quan. Theo bà Võ Thị Kim Tươi, cán bộ phụ trách dân số của phường, đây là một mô hình hay và không khó để thực hiện. Tuy nhiên, để thực hiện đạt hiệu quả, thì ngành dân số địa phương nói riêng và cả hệ thống chính trị phải có sự sát sao và quyết liệt. “Để người dân hiểu và đồng thuận thực hiện mô hình, chúng tôi đã tuyên truyền tích cực và sâu rộng cho từng đối tượng. Không chỉ riêng người mẹ mà còn vận động, giải thích rõ với bạn đời và người thân của họ. Bởi sinh con không chỉ là câu chuyện của riêng người phụ nữ mà là câu chuyện của cả gia đình. Trước tiên, cộng tác viên dân số sẽ tiếp cận để tuyên truyền, với những trường hợp khó, đích thân tôi thuyết phục họ”, bà Tươi cho biết.

Đăng ký tham gia mô hình sinh đủ 2 con vào năm 2019, khi đã có một con gái, đến năm 2020, chị Nguyễn Thị Kim Hai, ở khu vực Bình Thạnh C, phường Bình Thạnh, đã sinh thêm con gái thứ hai. Giờ đây, khi gia đình ngày càng hạnh phúc và rộn rã tiếng cười, chị thầm cảm ơn những sự khích lệ của cộng tác viên dân số địa phương. Chị Hai chia sẻ: “Nghe các cô phân tích, tôi thấy rất phù hợp với điều kiện gia đình mình. Nhà tôi ít người, nếu chỉ có một con thì sẽ rất buồn, sinh đủ 2 con để con có chị có em, sau này nhà cửa đỡ trống trải”.

Không chỉ có chị Hai, mà trong 3 năm qua, phường Bình Thạnh đã có 424 cặp vợ chồng đăng ký thực hiện mô hình, trong đó, đã có 327 cặp vợ chồng sinh con thứ nhất và thứ hai.

Qua thực tế triển khai mô hình cho thấy, bên cạnh những cặp vợ chồng đã đăng ký và sinh con đúng kế hoạch, còn có những trường hợp dù rất muốn sinh, nhưng do sức khỏe sinh sản không đảm bảo, nên chưa thể sinh con. Do đó với những trường hợp này, ngành dân số cũng cần có sự quan tâm, tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản để họ có thể sinh con theo đúng nguyện vọng, góp phần nâng cao mức sinh của tỉnh. Bên cạnh đó, việc thực hiện các chế độ, chính sách khuyến sinh cũng là một trong những biện pháp đã và đang được tỉnh đẩy mạnh.

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Sở Y tế: Để đẩy mạnh thực hiện vận động tăng sinh, nâng cao chất lượng dân số, Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh bãi bỏ Nghị quyết số 21 của HĐND tỉnh, đồng thời ban hành Nghị quyết quy định một số chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2022-2030 phù hợp với các hướng dẫn của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế, với các chính sách cụ thể như: khen thưởng ấp, xã thực hiện đạt và duy trì mô hình gia đình sinh đủ 2 con liên tục trong 3 năm, 5 năm; hỗ trợ chi phí khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh, hỗ trợ tiền viện phí khi sinh con, hỗ trợ chi phí khám sàng lọc vô sinh cho phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi; khen thưởng, biểu dương cấp tỉnh, huyện cho cặp vợ chồng sinh đủ 2 con một bề là gái... tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy trong thực hiện công tác dân số và phát triển trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đến năm 2030.

Với những sự quan tâm và vào cuộc quyết liệt hơn nữa, mong rằng, trong năm 2022 và những năm tới, tổng tỷ suất sinh của Hậu Giang sẽ gia tăng một cách bền vững, để sớm đạt và duy trì mức sinh thay thế là 2,1 con/phụ nữ.

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>