Chăm sóc, bảo vệ trẻ em phát triển toàn diện

24/08/2022 | 07:26 GMT+7

Qua 10 năm (2012-2022) thực hiện Chỉ thị số 20 của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đã đạt được kết quả tích cực. Qua đó, trẻ em có điều kiện phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần.

Công tác chăm lo trẻ em luôn được cấp ủy, chính quyền và toàn xã hội quan tâm.

Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc

Thực hiện Chỉ thị số 20, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xây dựng Kế hoạch triển khai, học tập quán triệt; Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình số 149 (Chương trình số 149) thực hiện Chỉ thị số 20 và chỉ đạo cấp ủy nghiêm túc tổ chức học tập, quán triệt và xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong Chỉ thị số 20 sát với tình hình thực tiễn của từng đơn vị, địa phương. Việc cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp trong Chỉ thị số 20 được cấp ủy, chính quyền các cấp chú trọng.

Theo ông Nguyễn Minh Thương, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Thực hiện Chỉ thị số 20, Chương trình số 149 sở đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt công tác trẻ em; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố tổ chức nhiều hoạt động nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để trẻ em được chăm sóc, học tập, vui chơi giải trí, được đảm bảo các quyền cơ bản và được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh. Bên cạnh đó, thực hiện nhiều hoạt động chăm lo, hỗ trợ dành cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, để các em được hòa nhập cộng đồng và phát triển toàn diện. Các hoạt động tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước, xâm hại được thực hiện thường xuyên; triển khai các mô hình đảm bảo an toàn cho trẻ em như ngôi nhà an toàn, trường học an toàn, cộng đồng an toàn; các câu lạc bộ quyền trẻ em, phòng chống đuối nước trẻ em…

Tại các địa phương, đã quán triệt Chỉ thị số 20, Chương trình số 149 đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể chính trị - xã hội. Qua đó, giúp mọi người nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới và xem đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của gia đình và toàn xã hội. Từ đó, có sự chủ động trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Ông Nguyễn Văn Túc, Chủ tịch UBND xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Địa phương đã tập trung tuyên truyền về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; xây dựng các mô hình, câu lạc bộ góp phần phát huy quyền của trẻ em. Vận động xã hội hóa trong chăm lo, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, tiếp thêm động lực để các em vươn lên trong cuộc sống. Ngoài ra, chỉ đạo các ngành, đoàn thể và các ấp nắm thông tin, hỗ trợ kịp thời đối với trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích…”.

Tạo điều kiện để trẻ phát triển toàn diện

Hàng năm, tỉnh luôn chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Việc xây dựng môi trường sống an toàn thân thiện, lành mạnh cho trẻ em có sự chuyển biến tích cực, công tác bảo vệ trẻ em được triển khai thực hiện ở 3 cấp độ: phòng ngừa; can thiệp giảm thiểu nguy cơ; hỗ trợ phục hồi, hòa nhập cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Công tác chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho trẻ em được cải thiện rõ rệt; hệ thống trường, lớp được đầu tư, đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ. Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ các cấp và các ban, ngành, đoàn thể đã vận động nhiều nguồn lực để chăm lo, hỗ trợ trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em mồ côi.

Như trường hợp của gia đình em Trần Tuấn Đại (12 tuổi), ở ấp 5, thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy. Cách đây 8 năm, cha của em qua đời, từ đó mọi gánh nặng kinh tế đè nặng lên đôi vai của mẹ em - chị Hồ Thị Bích Chăm. Để có tiền lo cuộc sống gia đình, rồi chuyện học hành cho các con, ngoài đi làm tạp vụ chị Chăm còn tranh thủ thời gian để bó chổi bán nhằm kiếm thêm thu nhập. Cuộc sống khó khăn, nên căn nhà xập xệ đã lâu nhưng mấy mẹ con không thể nào có đủ tiền để cất lại. Khi được các cấp, các ngành vận động tài trợ căn nhà, bốn mẹ con mừng không sao tả xiết. Chị Chăm bày tỏ: “Lúc trước, hai vợ chồng đi làm cũng chẳng dư dả gì, giờ chỉ còn mình tôi nên cuộc sống cứ đắp đổi qua ngày. Nay được mọi người quan tâm hỗ trợ nhà cho các con của tôi, thật mừng dữ lắm. Trước sự quan tâm của mọi người, tôi sẽ cố gắng hơn nữa để lo cho con học hành, hy vọng sau này có nghề nghiệp ổn định”.

Ngoài vận động nguồn lực để hỗ trợ, chăm lo cho trẻ em, thì các hoạt động vui chơi, giải trí, thể dục thể thao được đẩy mạnh, đa dạng hóa dưới nhiều hình thức. Toàn tỉnh có hai nhà thiếu nhi dành cho trẻ em, có 33 xã, phường, thị trấn có điểm vui chơi dành cho trẻ. Từ năm 2013 đến nay đã tổ chức 2 diễn đàn trẻ em cấp tỉnh, 8 diễn đàn trẻ em cấp huyện, 60 diễn đàn trẻ em cấp xã thu hút gần 4.200 trẻ em tham gia. Ngoài ra, có 129 câu lạc bộ trẻ em đang hoạt động, từ đó tạo sân chơi ý nghĩa bổ ích cho các em.

Quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20, công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em đã đạt được những kết quả tích cực.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, nhấn mạnh: “Công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đã được cấp ủy, chính quyền và toàn xã hội quan tâm về vật chất lẫn tinh thần, góp phần giảm thiểu tối đa tình trạng trẻ em bị bạo hành, xâm hại. Trong thời gian tới cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị xã hội tiếp tục tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức toàn xã hội về công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, xem đây là việc làm quan trọng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Tăng cường thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền về thực hiện các chương trình, mục tiêu chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em...”.

Toàn tỉnh có gần 158.000 trẻ em. Năm 2015, tỉnh đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, sớm 1 năm so với kế hoạch. Năm 2018, tỉnh đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Tình hình trẻ em bị tai nạn, thương tích có xu hướng giảm mạnh: Nếu như năm 2012 có 1.254 trẻ bị tai nạn thương tích thì đến năm 2021 giảm xuống còn 438 em. Từ năm 2013-2022, toàn tỉnh đã tổ chức họp mặt, thăm tặng quà trên 468.600 lượt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền trên 32 tỉ đồng; trao tặng trên 37.000 suất học bổng...

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>