Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

23/06/2022 | 02:40 GMT+7

Trẻ em sử dụng internet ngày càng phổ biến nếu không muốn nói là đa số. Thế nhưng, ở lứa tuổi còn nhỏ, các em chưa nhìn nhận được những tác động xấu từ internet. Do đó, cần có sự bảo vệ và định hướng kịp thời từ phía gia đình và nhà trường.

Ánh Thủy tìm hiểu kỹ thông tin trên internet để phục vụ việc học. 

Em Lê Thị Đẹp, ở phường I, thành phố Vị Thanh, đã 13 tuổi và được gia đình cho sử dụng điện thoại có kết nối internet. Đẹp chia sẻ: “Em thường sử dụng điện thoại để truy cập internet và trao đổi thông tin với bạn bè. Mẹ thường hay nhắc nhở em không được sa đà vào mạng xã hội mà bị nghiện”.

Còn em Nguyễn Thị Ánh Thủy, ở xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, cũng thường xuyên tra cứu thông tin trên internet để bổ sung thêm kiến thức cho bản thân, vận dụng vào học tập. Hiện nay, trên internet có rất nhiều thông tin, do đó được sự hướng dẫn của nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, gia đình, Ánh Thủy đã chọn lựa, chắt lọc thông tin để không làm ảnh hưởng đến bản thân. Ánh Thủy cho biết: “Lớp học của em có thành lập nhóm zalo, mọi thông tin liên quan đến việc học tập được trao đổi trên nhóm. Thông qua mạng xã hội, em còn biết thêm nhiều kiến thức về các vấn đề thời sự, vấn đề liên quan đến cuộc sống hàng ngày”.

Theo đánh giá của ngành chức năng, internet đem lại nhiều thông tin hữu ích, phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu và khơi dậy sự sáng tạo, kết nối bạn bè, kỹ năng sống hay vui chơi giải trí cho trẻ. Tuy nhiên, việc trẻ em sử dụng internet quá mức sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, tinh thần cũng như những vấn đề khác. Ngoài ra, còn có thể gặp nhiều rủi ro trên môi trường mạng như nghiện game, xem các video, chương trình không phù hợp, thậm chí cả các nguy cơ bị xâm hại tình dục trên môi trường mạng… Vì thế, vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành trong tỉnh, đặc biệt đã có sự phối hợp tích cực giữa ngành chức năng, gia đình và xã hội. Theo đó, ngành giáo dục và đào tạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục phổ biến pháp luật, tuyên truyền về lợi ích cũng như tác hại của việc sử dụng internet và mạng xã hội. Ngành lao động - thương binh và xã hội tăng cường tuyên truyền về vấn đề này đến các bậc phụ huynh, trẻ em. Đoàn thanh niên các cấp triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm tạo sân chơi an toàn, lành mạnh cho trẻ… Bên cạnh đó là sự chủ động định hướng, quản lý trẻ sử dụng internet, mạng xã hội theo hướng tích cực, lành mạnh từ phía gia đình. Chị Trần Ngọc Linh, ở phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ, cho biết: “Ngày nay học sinh tiếp cận với internet rất sớm, để phục vụ cho việc học tập. Vì vậy, gia đình cũng tạo điều kiện để con tiếp xúc với mạng internet. Song vợ chồng tôi luôn quan tâm, theo dõi việc sử dụng internet của con, tránh trường hợp con sa đà hoặc bị kẻ xấu lợi dụng…”.

Trong thời đại công nghệ số việc cấm trẻ em tham gia không gian mạng không phải là giải pháp tối ưu mà làm hạn chế cơ hội tiếp cận thông tin, tri thức của trẻ. Do đó, để hạn chế đến mức thấp nhất những mặt trái của internet đối với trẻ em ngoài sự vào cuộc của ngành chức năng rất cần sự chung tay của các gia đình. Các bậc phụ huynh cần quan tâm, quản lý, hướng dẫn trẻ sử dụng internet an toàn, hiệu quả, phát huy những thế mạnh của internet trong học tập. Hướng dẫn trẻ không kết bạn, không giao tiếp với người lạ trên mạng xã hội, không thực hiện theo yêu cầu của người lạ quen qua mạng. Đồng thời, tạo điều kiện để trẻ em tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm thực tế, hạn chế tiếp xúc với internet, giúp các em giao lưu và học hỏi nhiều điều hay trong thực tế…

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 830 Phê duyệt chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”. Mục tiêu chương trình là bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em khi tham gia các hoạt động trên môi trường mạng; ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ em dưới mọi hình thức. Trang bị kiến thức, kỹ năng số cho trẻ em theo từng độ tuổi, cách thức nhận diện, thông báo, tố giác hành vi, vụ việc xâm hại trẻ em trên môi trường mạng để tự bảo vệ mình và biết cách tương tác an toàn trên môi trường mạng. Thực hiện các giải pháp chủ động phòng ngừa, phát hiện các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; bảo đảm các điều kiện cần thiết để trẻ em được tham gia an toàn, lành mạnh trên môi trường mạng và có các giải pháp hỗ trợ phù hợp để trẻ phục hồi khi chịu tác động tiêu cực từ môi trường mạng…

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>