Ấm lòng gia đình chính sách

04/01/2022 | 09:03 GMT+7

Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, Hậu Giang luôn thực hiện tốt công tác chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng, giúp các gia đình có cuộc sống tốt hơn.

Những căn nhà tình nghĩa được xây dựng là trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với những gia đình chính sách, người có công.

Những mái ấm tình nghĩa

Trong căn nhà tình nghĩa, bà Phan Thị Bạch Tuyết, ở xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, sắp xếp các vật dụng trong nhà cho gọn gàng. Bà Tuyết chia sẻ: Căn nhà rất có ý nghĩa với gia đình, đây không chỉ là nơi che mưa che nắng mà còn là tình cảm, sự quan tâm, chăm lo của các cấp, các ngành dành cho gia đình chính sách như bà.

Bà Tuyết là con liệt sĩ, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Vợ chồng bà bán tạp hóa nhỏ, ngoài ra bà còn đi làm thuê, mỗi ngày cũng được trên 100.000 đồng, gia đình không dám nghĩ đến ngày nào đó sẽ có được căn nhà kiên cố để ở. Năm 2021 cả nhà vô cùng phấn khởi khi được Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn hỗ trợ 80 triệu đồng để xây dựng căn nhà tình nghĩa. Bà Tuyết vui vẻ cho biết: “Ngày xưa, cha tôi tham gia cách mạng và đã hy sinh. Thời gian qua, gia đình đã được hưởng đầy đủ chính sách, chế độ chăm lo của Đảng, Nhà nước. Năm nay, chúng tôi được hỗ trợ căn nhà tình nghĩa, từ nay không còn lo lắng về nhà ở, yên tâm lao động, phát triển kinh tế”.

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong năm 2021 toàn tỉnh đã vận động xây dựng mới 23 căn nhà tình nghĩa cho người có công gặp khó khăn về nhà ở. Đại tá Huỳnh Văn Đa, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Hải đoàn 129, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn, cho biết: “Những năm qua, hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống cho người có công với cách mạng luôn được Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn chú trọng, bởi đây là hoạt động thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, tô thắm thêm hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, góp phần giúp các gia đình chính sách ổn định cuộc sống”.

Trong năm 2021, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn hỗ trợ xây dựng 5 căn nhà tình nghĩa trên địa bàn tỉnh.

Mỗi căn nhà tình nghĩa được xây dựng mới là thêm một câu chuyện đẹp về đạo lý, tình người, là trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với những người đã không ngại hy sinh xương máu cho ngày giải phóng dân tộc của quê hương, đất nước.

Giữ vững niềm tin,  phát huy truyền thống cách mạng

Toàn tỉnh có trên 35.500 gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Những năm qua, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương trong tỉnh quan tâm và thực hiện bằng nhiều hình thức.

Cùng với việc thực hiện đầy đủ các chế độ ưu đãi cho cá nhân và gia đình người có công với cách mạng theo quy định, các địa phương còn rà soát nắm thông tin các hộ gia đình chính sách, người có công còn gặp khó khăn về đời sống, từ đó có các giải pháp phù hợp để hỗ trợ gia đình phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống cho người dân.

Theo ông Nguyễn Văn Việt, thương binh 4/4, ở xã Tân Phú, thị xã Long Mỹ: Chính quyền địa phương rất quan tâm chăm lo gia đình chính sách. Ngoài hưởng đầy đủ chế độ, chính sách, ông còn được mọi người thăm hỏi, động viên. Những tình cảm ấy khiến gia đình chính sách như ông rất phấn khởi. Dẫu trên người vẫn còn mang thương tích của chiến tranh, nhưng ông luôn cố gắng lao động sản xuất. Với hơn 12 công ruộng ông đã làm lúa giống chất lượng cao, nhờ áp dụng kỹ thuật, lúa cho năng suất cao, nhờ đó kinh tế ổn định và có bước phát triển.

Không chỉ giúp các thương binh, bệnh binh yên tâm hơn khi rời tay súng trở về cuộc sống đời thường, với các Mẹ Việt Nam anh hùng, những người đã âm thầm tiễn chồng, tiễn con ra trận năm xưa thì nay cũng luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt. Toàn tỉnh có 2.021 Mẹ Việt Nam anh hùng, hiện có 74 mẹ còn sống. Tất cả các mẹ đều được các ngành, các cấp, đơn vị nhận phụng dưỡng, xem đây là nghĩa vụ, là bổn phận để các mẹ thêm an lòng, sống vui, sống khỏe. “Chồng và con của mẹ đã hy sinh cho cách mạng. Trong cuộc sống hôm nay mẹ luôn răn dạy con cháu phải biết trân trọng quá khứ, phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc, gia đình, ra sức học tập, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”, Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Bông, ở xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, cho biết.

Sự quan tâm kịp thời của cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp đã tiếp thêm niềm tin, để từ đó gia đình chính sách, người có công với cách mạng tiếp tục nêu cao truyền thống tốt đẹp của gia đình, khắc phục khó khăn, phát triển kinh tế; đồng thời giáo dục con cháu, người thân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, ra sức xây dựng quê hương giàu đẹp... 

Toàn tỉnh có trên 35.500 gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Trong đó, có 2.021 Mẹ Việt Nam anh hùng, 23 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trên 12.000 liệt sĩ, trên 5.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, 448 người  hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học... Phát huy những kết quả đạt đuợc, tỉnh tiếp tục thực hiện tốt phong trào đền ơn đáp nghĩa, chăm lo, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chăm lo gia đình chính sách, người có công. Từ đó, góp phần chia sẻ những hy sinh, mất mát, đồng thời, động viên, tạo điều kiện để gia đình chính sách vượt lên khó khăn, tiếp tục cống hiến xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>