Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cần được cải thiện, bảo đảm rõ ràng hơn

27/05/2022 | 05:09 GMT+7

Trong chương trình nghị sự tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Quốc hội dành thời gian thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Đại biểu Lê Thanh Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau đóng góp ý kiến tại Phiên thảo luận.

Thảo luận tại hội trường, các ý kiến của đại biểu cơ bản tán thành với nhận định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội rằng, công tác lập và triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh có nhiều đổi mới, tiến bộ và kết quả tích cực.

Tuy vậy, đại biểu cũng nêu một số hạn chế, bất cập tồn tại từ lâu vẫn chưa được khắc phục như: một số hồ sơ đề nghị xây dựng luật, nghị quyết chưa bảo đảm chất lượng, chưa đầy đủ theo quy định; việc gửi hồ sơ không ít trường hợp chưa bảo đảm thời gian theo quy định; vẫn còn tình trạng dự án đã được đưa vào Chương trình nhưng không chuẩn bị kịp để trình Quốc hội theo đúng kế hoạch. Những hạn chế này có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng chủ yếu là do công tác tổ chức thực hiện chưa tốt, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật chưa nghiêm.

Băn khoăn về kỷ cương lập pháp, đại biểu Lê Thanh Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau, cho rằng, việc điều chỉnh chương trình xây dựng pháp luật thường xuyên cho thấy tính ổn định của chương trình chưa bền vững, trong khi đây là gốc rễ thuộc quyền lập pháp của Quốc hội. Vì vậy, khi Quốc hội thông qua một luật nào đó rồi thì hạn chế tối đa việc điều chỉnh mới.

Đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là luật hóa sáng kiến của Đảng đoàn Quốc hội về chiến lược lập pháp. Quốc hội đã có chiến lược liên quan đến kinh tế - xã hội, đầu tư công, kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm thì nên có tầm nhìn xa hơn về xây dựng pháp luật. Ngoài ra, cần mở rộng thành phần soạn thảo các dự án, chú trọng các chuyên gia, nhà khoa học và đặc biệt là đối tượng chịu tác động để họ lên tiếng. Lấy ý kiến nhân dân rộng rãi về dự án có tác động rộng. Không đưa vào chương trình các dự án luật mà Quốc hội đã không tán thành.

Còn đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, nêu quan điểm: Các dự án luật khi được trình Quốc hội có nhiều nội dung giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đối với những nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết phải kèm theo nghị định hướng dẫn đi cùng với hồ sơ. Tuy nhiên, đây là nội dung ít được quan tâm và cơ bản những dự thảo nghị định hoặc những văn bản quy định chi tiết đi kèm còn mang tính “đối phó”, chưa được quan tâm và trong quá trình Quốc hội, các cơ quan Quốc hội thẩm tra rất ít quan tâm đến các văn bản chi tiết. Tuy nhiên, hệ thống này khi luật được ban hành rất quan trọng trong việc bảo đảm sức sống của các dự án luật.

Ngoài ra, trong quá trình xây dựng dự án luật, ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan liên quan đến dự án luật là rất quan trọng nhưng trong quá trình các ủy ban, các cơ quan Quốc hội thẩm tra có những văn bản ý kiến của các cơ quan đối với những dự án luật rất quan trọng có hàng trăm điều, nhưng mà ý kiến tham gia thì cũng chỉ dừng lại khoảng ba bốn câu “hoàn toàn nhất trí với dự thảo”. Đây là những vấn đề mặc dù không lớn nhưng cần phải hết sức lưu ý để cơ quan soạn thảo và thẩm tra chuẩn bị thật tốt đối với chất lượng của các dự án luật. Mặt khác, nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất bổ sung thêm nhiều dự án luật quan trọng, gọi là điểm trống nhưng chưa được bố trí vào trong chương trình. Nếu chúng ta đề nghị bổ sung ngày hôm nay thì nó phải theo quy trình và phải có hồ sơ được chuẩn bị thật kỹ lưỡng thì mới đưa vào được.

Theo đại biểu Trịnh Xuân An, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Tờ trình thì cũng đã cân nhắc và phải bảo đảm đúng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và phải có hồ sơ, có đánh giá.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang, đánh giá cao kết quả thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo khá đầy đủ tại Tờ trình số 223. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động của các cơ quan bị ảnh hưởng nhưng các hoạt động phục vụ cho công tác lập pháp vẫn được duy trì linh hoạt, điều chỉnh phương thức thực hiện, bảo đảm chất lượng tổng số luật, pháp lệnh, nghị quyết được thông qua là 12 văn bản của Quốc hội và 6 văn bản của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, công tác xây dựng pháp luật thời gian qua vẫn tồn tại, hạn chế, bất cập nhất định. Tờ trình đã nêu về chất lượng hồ sơ đề nghị xây dựng luật, nghị quyết, về thời hạn gửi hồ sơ, thời hạn trình Quốc hội. Đặc biệt, chất lượng đánh giá tác động chính sách ngay từ khâu đề nghị xây dựng luật, nghị quyết còn hạn chế. Đây là vấn đề đã được nêu ra rất nhiều lần nhưng vẫn chưa được khắc phục, nhất là đối với những nhiệm vụ lập pháp mang tính cấp bách thì vấn đề này càng đáng lưu tâm hơn.

Nghiên cứu nhiều hồ sơ dự án luật, nghị quyết cho thấy, không ít các chính sách pháp luật được đề xuất trong các dự án luật, nghị quyết còn chung chung, thiếu cụ thể, chưa rõ về nội dung quy định được thiết kế để cụ thể hóa chính sách và do vậy, đánh giá tác động chính sách cũng còn sơ sài, hình thức không rõ định lượng.

So sánh báo cáo đánh giá tác động chính sách khi đề nghị xây dựng luật, nghị quyết để đưa vào chương trình và khi dự án luật, nghị quyết đã chính thức được đưa vào chương trình trình Quốc hội cho thấy, về mặt nội dung không có sự hoàn thiện đáng kể, chất lượng báo cáo tổng kết thi hành pháp luật cũng cần được nâng cao hơn, cần tách bạch rõ những kết quả hạn chế do quy định của văn bản luật, nghị quyết và những kết quả hạn chế do quy định của văn bản dưới luật, những vấn đề do quy định pháp luật và những vấn đề do tổ chức thi hành pháp luật.

Theo đại biểu Nguyễn Minh Sơn, chất lượng rà soát văn bản quy phạm pháp luật cũng cần được cải thiện hơn, bảo đảm rõ ràng. Đặc biệt, thiết kế điều về áp dụng luật trong các dự thảo luật phải được đầu tư hơn. Qua nghiên cứu báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội cho thấy, đây là nội dung có nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng phải làm rõ, hoàn thiện thêm để phân biệt rõ về phạm vi điều chỉnh và nguyên tắc áp dụng…

K.L tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>