Việc vận động bầu cử phải bảo đảm đúng luật

07/05/2021 | 08:06 GMT+7

Sau Hội nghị Hiệp thương lần thứ 3, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp sẽ tiếp tục tổ chức hội nghị cử tri để ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân gặp gỡ cử tri, vận động bầu cử.

Có hai hình thức vận động bầu cử. Ảnh: HOIDONGBAUCU.QUOCHOI.VN

Bởi theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, các hội nghị cử tri do Mặt trận Tổ quốc các cấp tổ chức để người ứng cử vận động bầu cử sẽ diễn ra đến hết ngày 22-5-2021, trước thời điểm bỏ phiếu 24 giờ.

Cụ thể, theo Điều 64, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định: “Thời gian vận động bầu cử được bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ”. Như vậy, những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ có hơn 3 tuần vận động bầu cử.

Theo Điều 65 và Điều 66, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, quy định hai hình thức vận động bầu cử cho người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Một là, gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại các cuộc tiếp xúc ở địa phương nơi mình ứng cử; hai là, vận động bầu cử thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Trong đó, Điều 67 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định, người ứng cử đại biểu Quốc hội trình bày với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội khi trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương nơi mình ứng cử và trên trang thông tin điện tử về bầu cử đại biểu Quốc hội của Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Khẳng định hội nghị cử tri là công việc rất quan trọng để cử tri lựa chọn đúng người cần bầu nên ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhấn mạnh việc vận động bầu cử phải bảo đảm công khai, dân chủ, bình đẳng và đúng luật, trong đó, cần tạo sự bình đẳng trong vận động bầu cử cho các ứng viên.

Cũng theo ông Ngô Sách Thực, hiện pháp luật Việt Nam nghiêm cấm việc lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân khác. Cấm việc lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình.

Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân hiện hành chưa quy định cụ thể số cuộc tiếp xúc cử tri vận động bầu cử của những người ứng cử. Tuy nhiên, theo hướng dẫn của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ khuyến khích các ứng cử viên tăng cường tiếp xúc cử tri và vận động bầu cử theo đúng quy định của pháp luật.

Ứng cử viên sẽ phải trình bày kế hoạch hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp để người dân biết và có lựa chọn phù hợp. Như vậy, việc tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử cần được tổ chức chặt chẽ và tăng cường hơn.

Ông Ngô Sách Thực thông tin thêm, mỗi ứng cử viên đại biểu Quốc hội có ít nhất 10 cuộc tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử, vì nếu thời gian tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử ít quá thì người dân không có thông tin và cũng khiến cho sự lựa chọn người dân khó khăn hơn. Đối với đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, ít nhất có 5 cuộc tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử. Như vậy, người ứng cử phải dành thời gian nhiều hơn cho hoạt động tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử.

Để bảo đảm công bằng khi vận động bầu cử giữa các ứng cử viên, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định rõ: Kinh phí tuyên truyền, vận động bầu cử được bảo đảm bằng ngân sách nhà nước. Mọi công dân có quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

Luật cũng nghiêm cấm lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử. Việc sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri cũng là hành vi bị nghiêm cấm trong vận động bầu cử.

Ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đã quy định rõ ràng về thời gian người ứng cử trình bày trước cử tri nhưng cách vận động của người ứng cử cần trong sáng, minh bạch, cụ thể.

Trong điều kiện, thời gian như nhau, người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp cần có bản trình bày nêu rõ kế hoạch hành động để người dân đánh giá trình độ, lập trường, tư tưởng, quyết tâm, ý chí đặc biệt là xu hướng, nhận định về sự phát triển của đất nước nếu người ứng cử được bầu sẽ đảm nhận, từ đó làm cơ sở để cử tri chọn lựa người xứng đáng nhất.

Những hành vi bị cấm trong vận động bầu cử gồm:

- Lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân khác.

- Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử.

- Lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình.

- Sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri.

- Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử, Tổ bầu cử không được vận động bầu cử cho những người ứng cử. Thành viên của các tổ chức phụ trách bầu cử nói trên không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để vận động bầu cử cho những người ứng cử nhằm bảo đảm sự công bằng, bình đẳng đối với những người ứng cử.

 

GIA NGUYỄN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>