Trong thẩm tra các dự thảo luật, cần chú ý phát hiện, xử lý “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ”

08/09/2023 | 07:18 GMT+7

Triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2023 và năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, với khối lượng công việc lớn nên đòi hỏi cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, tập trung nguồn lực và đặc biệt phải hết sức quyết liệt trong triển khai thực hiện thì mới có thể hoàn thành Chương trình đã đề ra.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương lập pháp

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 89/2023 của Quốc hội khóa XV về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023 và các nghị quyết điều chỉnh, bổ sung Chương trình, tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2023), Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 luật, cho ý kiến đối với 8 dự án luật khác và trong năm 2024, Quốc hội xem xét, thông qua 18 luật, 1 nghị quyết, cho ý kiến về 2 dự án luật khác.

Bên cạnh đó, khối lượng công việc lập pháp có thể còn tăng thêm do tiếp tục bổ sung một số dự án mới vào Chương trình để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

 Với số lượng dự án trong Chương trình khá lớn, trong đó nhiều dự án có nội dung phức tạp, phạm vi tác động rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người dân và hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, đòi hỏi Chính phủ, các cơ quan, tổ chức được giao trình dự án, các cơ quan của Quốc hội phải xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, tập trung nguồn lực và đặc biệt phải hết sức quyết liệt trong triển khai thực hiện thì mới có thể hoàn thành Chương trình đã đề ra.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện các biện pháp cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của các cơ quan tham gia trong quy trình lập pháp, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu; trong trường hợp cần thiết, sẽ kiến nghị Quốc hội xem xét kéo dài thời gian kỳ họp thường kỳ, chia kỳ họp thành các đợt hoặc tổ chức kỳ họp chuyên đề về công tác lập pháp để có thể xem xét cho ý kiến, thông qua được nhiều dự án luật.

Chính phủ phải ưu tiên thời gian thỏa đáng

Quan tâm đến tiến độ, chất lượng triển khai Chương trình, hoàn thành kế hoạch đề ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan nghiêm túc các công việc từ soạn thảo, thẩm tra, trình xin ý kiến…

Cụ thể, đối với 9 dự án trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6, đề nghị Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp chặt chẽ theo kế hoạch làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan chủ trì thẩm tra để giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng.

Đặc biệt, đối với các dự án có phạm vi điều chỉnh rộng, nội dung phức tạp, tác động lớn đến đời sống nhân dân và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, có nhiều nội dung, chính sách liên quan chặt chẽ đến nhau như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đề nghị Chính phủ ưu tiên dành thời gian, kịp thời cho ý kiến về những vấn đề còn ý kiến khác nhau, thống nhất phương án xử lý để tiếp thu, chỉnh lý bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, đạt sự đồng thuận cao khi trình Quốc hội thông qua.

Đối với các dự án trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6 nhưng các cơ quan chưa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện hồ sơ các dự án: Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Lưu trữ (sửa đổi), Luật Thủ đô (sửa đổi); đề nghị Tòa án nhân dân tối cao khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), gửi lấy ý kiến Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 9-2023. 

Đối với các dự án thuộc Chương trình năm 2024, các cơ quan cần xây dựng ngay kế hoạch soạn thảo, trong đó xác định cụ thể nội dung, lộ trình thực hiện từng công việc, yêu cầu về kết quả hoàn thành; đồng thời, tập trung thời gian, nguồn lực triển khai soạn thảo, bảo đảm thận trọng, chắc chắn, làm tốt từng khâu, đặt yêu cầu cao về chất lượng, bảo đảm tiến độ đặt ra, bám sát và kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Trong quá trình soạn thảo cần lưu ý thực hiện nghiêm, thực chất việc tổng kết thi hành pháp luật, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, đánh giá tác động kỹ lưỡng các chính sách, xây dựng luật có nội dung cụ thể, chi tiết để thi hành được ngay; chú trọng việc tham vấn và tiếp thu ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, ý kiến phản biện xã hội, tuân thủ chặt chẽ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Xử lý những quy định có dấu hiệu sơ hở, cài cắm “lợi ích nhóm”

Các cơ quan của Quốc hội được phân công thẩm tra, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý cần chủ động phối hợp chặt chẽ “từ sớm, từ xa” với các Bộ, cơ quan chủ trì dự án; tăng cường tham vấn, lấy ý kiến, khảo sát thực tiễn, chú trọng phát hiện và xử lý những quy định có dấu hiệu sơ hở, cài cắm “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ”, tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, tiêu cực.

Báo cáo thẩm tra phải thể hiện rõ quan điểm; đối với các vấn đề có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan thì phải chủ động báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội xem xét, cho ý kiến chỉ đạo. Rà soát kỹ các quy định trong dự án, dự thảo trước khi trình xem xét, thông qua, nhất là các nội dung về phạm vi điều chỉnh, áp dụng pháp luật, điều khoản giao quy định chi tiết, quy định về hiệu lực của văn bản, điều khoản chuyển tiếp, bảo đảm tính khả thi, hạn chế tình trạng “luật khung, luật ống”, tránh vướng mắc trong quá trình áp dụng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục dành nhiều thời gian để thảo luận tập thể, cho ý kiến kỹ các nội dung quan trọng, vấn đề còn có ý kiến khác nhau của các dự án luật cả trong quá trình soạn thảo và tiếp thu, chỉnh lý.

Đối với các dự án luật, nghị quyết có nội dung phức tạp, phạm vi tác động lớn, các dự án điều chỉnh về tổ chức và hoạt động của lực lượng vũ trang nhân dân, việc thí điểm các chính sách mới, khác với quy định của luật hiện hành, đề nghị Ban cán sự Đảng Chính phủ chủ động báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền; bảo đảm dự án trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải được chuẩn bị kỹ cả về nội dung và kỹ thuật văn bản, có sự đồng thuận cao giữa các bộ, ngành có liên quan.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan thực hiện đúng tiến độ trình dự án, khắc phục triệt để tình trạng chậm gửi hồ sơ dự án; hạn chế việc đề xuất áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành văn bản đối với các trường hợp không thực sự cấp thiết để bảo đảm chất lượng văn bản; có cơ chế tạo điều kiện để các vị đại biểu Quốc hội tiếp cận, tham gia ý kiến sớm trước khi hồ sơ dự án chính thức được gửi đến các cơ quan của Quốc hội.

 

K.L tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>